Bài 2: Có nên bắt buộc kiểm định?

Thứ tư - 25/09/2019 18:53 454 0

Bài 2: Có nên bắt buộc kiểm định?

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, kiểm định chất lượng GD giúp các trường chuẩn hóa quy trình hoạt động đào tạo. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể đặt thành yêu cầu bắt buộc.

PGS Nguyễn Hoàng Hải cũng chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại về lý do vì sao các cơ sở GD tham gia kiểm định nhưng tỷ lệ bị trượt rất thấp. 

Tỷ lệ trượt thấp, do đâu?

* Các chuyên gia cho rằng, kiểm định chất lượng là yêu cầu hiển nhiên và cần thiết đối với các cơ sở GDĐH. Vậy quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?

- Nếu ví việc tổ chức các hoạt động của trường ĐH như một quá trình phát triển không ngừng, thì kiểm định chất lượng là những đợt rà soát tổng thể để đánh giá hiện trạng mọi mặt của trường ĐH tại một thời điểm cụ thể, qua đó nhận diện được những điểm mạnh, điểm yếu và đề ra các giải pháp cải tiến chất lượng để đảm bảo trường ĐH đang phát triển đúng hướng, thực hiện đúng sứ mạng và mục tiêu phát triển đã tuyên bố.

Như vậy, tôi đồng ý với nhận định này, bởi việc đạt các yêu cầu về kiểm định chất lượng không chỉ giúp trường đại học đảm bảo được chất lượng đào tạo mà còn góp phần giúp trường đại học có những ưu thế khi tham gia các bảng xếp hạng đại học. Nhìn vào các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong top 1.000 thế giới của bảng xếp hạng Times Higher Education, có thể thấy đây đều là những đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là trường đầu tiên ở Đông Nam Á được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng AUN-QA. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có 28 chương trình đào tạo đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA và hàng chục chương trình đào tạo được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng trong nước. Những con số trên vừa khẳng định uy tín chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa cho thấy việc lọt vào các bảng xếp hạng đại học có uy tín như THE, QS là một quá trình cải tiến chất lượng liên tục của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kiểm định là hình thức đảm bảo chất lượng bên ngoài, tức là sử dụng các ý kiến đánh giá, góp ý của các chuyên gia độc lập để cải tiến chất lượng. Do vậy, kiểm định chất lượng thiên về việc đánh giá mức độ chuẩn hóa các quy trình và hoạt động của trường đại học hoặc chương trình đào tạo. Kiểm định không dùng để xếp hạng hay đánh giá trường này hơn trường kia. Để đối sánh các trường đại học, việc xếp hạng là một công cụ hữu ích, thúc đẩy động lực phát triển cho các cơ sở GDĐH.

* Lâu nay, dư luận vẫn băn khoăn, hầu hết các trường tham gia kiểm định đều đạt, hiếm thấy có trường nào bị trượt?

Bài 2: Có nên bắt buộc kiểm định? - Ảnh minh hoạ 2PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

- Đúng là hiện nay số lượng chương trình đào tạo, cơ sở GD được kiểm định bị trượt có tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, hầu hết các trường có xu hướng ưu tiên kiểm định những chương trình có sẵn nền tảng tốt, đã được đánh giá đồng cấp và có đủ điều kiện để đánh giá ngoài. Tức là, các trường đã tự đánh giá nội bộ và thấy cơ bản đạt rồi thì họ mới triển khai các quy trình đánh giá ngoài. Điều đó lý giải vì sao các trường tham gia đánh giá ngoài có tỷ lệ trượt thấp.

Tuy nhiên, nếu cơ sở GD tiếp cận việc kiểm định với tinh thần chỉ “để đạt” các yêu cầu chất lượng thì thực sự là một sự lãng phí. Bởi như trên đã nói, kiểm định giúp các cơ sở GD nhận diện được các điểm mạnh, điểm yếu của mình một cách chi tiết, cụ thể, cũng như đề xuất các giải pháp, hàm ý để cơ sở GD cải tiến chất lượng. Kiểm định không đơn thuần dừng ở việc cấp một cái giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng.

Sắp tới, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được áp dụng rộng rãi và triệt để trong thực tiễn, việc kiểm định chất lượng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi chương trình đào tạo cũng như mọi trường ĐH, có lẽ tỷ lệ trượt sẽ cao hơn. Nói cách khác, khi đó, những chương trình đào tạo còn yếu hay các cơ sở GD chưa đạt yêu cầu chất lượng mới thực sự được đánh giá và nhìn nhận một cách đầy đủ. Như vậy để thấy rằng, các trường hoặc chương trình đào tạo tham gia kiểm định có tỷ lệ bị trượt thấp không có nghĩa là khâu kiểm định không có chất lượng.

Bài 2: Có nên bắt buộc kiểm định? - Ảnh minh hoạ 3
 Ảnh minh họa/ Internet

Kiểm định là nhu cầu tự thân và bắt buộc

* Chúng ta có nên bắt buộc các cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng?

- Đó là điều chắc chắn, bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã quy định rồi. Hơn nữa, khi vấn đề tự chủ ĐH được triển khai rộng rãi, việc kiểm định và công bố kết quả kiểm định chất lượng chính là sự thể hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Trường ĐH muốn nhận được sự tin tưởng của xã hội, của nhà đầu tư, phải thể hiện được trách nhiệm giải trình thông qua kiểm định và xếp hạng.

Ngoài ra, việc kiểm định còn là một căn cứ quan trọng để thực hiện các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế, công nhận bằng cấp và trao đổi tín chỉ giữa các cơ sở GDĐH. Các trường ĐH muốn tham gia cuộc chơi hội nhập thì bắt buộc và tự thân phải làm kiểm định.

* PGS có cho rằng, nên có các trung tâm kiểm định độc lập?

“Việc kiểm định chất lượng đối với các cơ sở GDĐH cũng giống như việc khám sức khỏe định kỳ đối với cơ thể con người, là việc hết sức cần thiết. Cùng với việc xếp hạng ĐH, việc kiểm định chất lượng sẽ giúp các trường có những căn cứ và công cụ cải tiến chất lượng hiệu quả, có thể đo lường được.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải

- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có đề cập đến các trung tâm kiểm định chất lượng phải độc lập về mặt tổ chức. Tôi cho rằng, về mặt nguyên tắc, đây là một tiếp cận đúng. Các trung tâm kiểm định cần phải độc lập về mặt tổ chức để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong các hoạt động khảo sát, đánh giá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, cần phải hiểu cho đúng nội hàm chữ “độc lập”. Nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH coi kiểm định như một công cụ đặc biệt quan trọng để thực hiện quản lý và giám sát Nhà nước về chất lượng GDĐH thì không nên để các trung tâm kiểm định hoạt động “độc lập” như những đơn vị tự tồn tại, tự hạch toán, tự vận hành theo các nguyên tắc nghề nghiệp của riêng mình. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các trung tâm kiểm định hiện nay vận hành đồng bộ và triệt để theo cùng một chuẩn mực chuyên môn, cùng một hệ thống nguyên tắc nghề nghiệp, cùng chia sẻ đội ngũ chuyên gia hàng đầu và đặc biệt là chỉ tập trung cho vấn đề chất lượng hơn là phải cạnh tranh vì mục tiêu sinh tồn.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập và đặt ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Thực tế, dù ở mô hình nào, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã, đang và sẽ không can thiệp vào các hoạt động chuyên môn của trung tâm này. Có thể nói, về mặt chuyên môn, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn toàn độc lập.

* Nói gì thì nói, vấn đề chất lượng GD-ĐT vẫn phải được đặt lên hàng đầu?

- Tôi cho rằng, tất cả các cơ sở giáo dục đều phải đặt vấn đề chất lượng GD lên hàng đầu. Nói là vậy, nhưng thực tế không hề dễ. Bởi đối với các cơ sở GDĐH, càng có nhiều sinh viên theo học thì càng có nhiều nguồn thu. Vì thế, cần giải quyết được bài toán giữa lợi ích kinh tế với chất lượng đào tạo.

Thực ra, nếu chúng ta đặt chất lượng lên hàng đầu, mọi thứ sẽ thay đổi. Chẳng hạn như: Đại học Quốc gia Hà Nội phấn đấu vận hành theo mô hình đại học nghiên cứu và sắp tới sẽ là mô hình đại học đổi mới, sáng tạo. Nói thì dễ, nhưng xây dựng các chỉ số cho nó là điều không đơn giản. Bởi nếu là trường đại học đổi mới sáng tạo thì phải đổi mới từ cán bộ, giảng viên cho đến người học và phải đổi mới trong mọi hoạt động.

Bắt đầu từ năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng đổi mới sáng tạo. Chúng tôi thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy và xây dựng những bộ tiêu chí cụ thể liên quan đến đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đều xây dựng và triển khai các đề án đổi mới hoạt động giảng dạy theo tiếp cận phù hợp nhất với đặc thù và thế mạnh của đơn vị mình. Đại học Quốc gia Hà Nội xem việc đổi mới hoạt động giảng dạy như là một trong những giải pháp đảm bảo chất lượng bền vững và chủ động.

* Xin cảm ơn PGS!

Tác giả bài viết: Sỹ Điền (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập796
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm795
  • Hôm nay28,283
  • Tháng hiện tại306,413
  • Tổng lượt truy cập51,662,372
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944