Vậy trường công lập theo mô hình tiên tiến có những điểm khác biệt nào so với trường công lập bình thường? Mô hình trường tiên tiến được ngành GD TP thí điểm đầu tiên tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) trong năm học 2004 - 2005 và chính thức được UBND TPHCM cho phép triển khai từ năm học 2015 - 2016. Đến nay, TPHCM có hơn 60 trường công lập từ mầm non đến THPT thực hiện mô hình này.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội, giúp tiếp cận với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TPHCM mà UBND TP đã ban hành có nhiều điểm cụ thể cho từng bậc học tạo điều kiện để HS phát triển toàn diện. Chẳng hạn như ở MN có những tiêu chí: Trường được đánh giá đạt cấp độ 2 về kiểm định chất lượng giáo dục, có các dịch vụ cung ứng như hoạt động làm quen ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, thể dục, bơi, đá bóng, võ thuật, tâm lý…
Trong khi đó ở tiểu học, mỗi lớp không quá 30 HS đều được học 2 buổi/ngày, đạt các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục ở mức độ cao… Ở khối THCS, mỗi lớp không quá 30 HS, 100% HS xếp loại học lực từ trung bình trở lên, đến cuối cấp học có trên 90% HS sử dụng được tiếng Anh đạt trình độ A2…
Về tiêu chuẩn đội ngũ, ở tiểu học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ theo quy định, kể cả giáo viên bộ môn, 70% có trình độ trên chuẩn; nhanh chóng tiếp cận được các phương pháp dạy học mới, hiện đại và có tinh thần mạnh dạn áp dụng các phương pháp đó. Giáo viên dạy Tiếng Anh phải đạt trình độ B2, giáo viên Tin học đạt chuẩn quốc tế theo quy định của Sở GD&ĐT...
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, trường có nhiều ưu điểm về sĩ số (30 em/lớp), nên giáo viên cũng có điều kiện quan tâm HS nhiều hơn, phát triển cho từng HS được tốt hơn. Trường được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, các giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy nên các em được tiếp cận môi trường GD tiệm cận với khu vực.
Ngoài ra, HS sẽ có những chuyên đề học trong trường, bên ngoài nhà trường, các chương trình giao lưu hợp tác quốc tế... Để lựa chọn đưa các hoạt động, chuyên đề như về giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, các chuyên đề học tập hay, hấp dẫn phụ thuộc lớn vào năng lực, vai trò của lãnh đạo nhà trường.
Qua tìm hiểu được biết, mức thu của những trường này khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, không bao gồm các khoản thu hộ, chi hộ, thu thỏa thuận như chương trình tiếng Anh tích hợp, tổ chức phục vụ bán trú… Như vậy, mỗi học sinh học tại đây sẽ đóng khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đối với mức học phí này, nếu so với các trường ngoài công lập thấp hơn rất nhiều, nên đa phần phụ huynh có điều kiện đều có nhu cầu cho con em theo học.
Nhu cầu của phụ huynh là có, tuy nhiên, hiện cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu. Theo đó, trung bình mỗi năm số lượng HS TPHCM tăng nhanh, khoảng trên 60 ngàn HS/năm, nên mục tiêu của từng quận, huyện vẫn là đảm bảo chỗ học, tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số, rồi tiến tới xây dựng mô hình trường chuẩn quốc gia, mô hình tiên tiến… Từ tình hình thực tế, trong kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từ năm học 2019 – 2020, chủ trương TPHCM vẫn là khuyến khích mỗi quận huyện xây dựng từ 1 đến 3 trường thực hiện mô hình này.