Từ đó đến nay, các đại hội IX, X, XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Đây là quan điểm được đặt ở vị trí đầu tiên trong 7 quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thể hiện tinh thần nhất quán của Đảng ta là xác định GD&ĐT không chỉ là quốc sách hàng đầu, mà còn là một trong những kế sách được ưu tiên đi trước tạo tiền đề, động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.
Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả
Nói đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) không thể không nói đến một trong những khâu quan trọng nhất và cũng là khâu khó khăn, phức tạp nhất-đó là việc thi, kiểm tra đánh giá kết quả dạy học. Trước đây, phương pháp giáo dục chủ yếu là trang bị kiến thức, dạy học theo cách “thầy giảng, trò ghi”, nên việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh còn nặng về điểm số.
Theo GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trước khi có Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, các cơ sở giáo dục thường đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua các nội dung cuối chương học, cuối học kỳ, cuối năm học, với phương pháp viết (đề kiểm tra) và chấm điểm là chủ yếu. Thực tế, khoa học giáo dục đã chỉ ra rằng, việc đánh giá học sinh bằng điểm số không thúc đẩy sự tiến bộ, sự phát triển năng lực của các em, mà còn ít tác dụng cho việc điều chỉnh hoạt động dạy và hoạt động học. Cách đánh giá này còn tạo ra tâm lý “học gạo”, “học tủ”, không khuyến khích được tinh thần năng động, sáng tạo của học sinh.
Nhằm khắc phục những bất cập đó, từ năm 2014 đến nay, ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng “đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan” để cải tiến hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh theo các tiêu chí tiên tiến của các nước trên thế giới; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết, định hướng đổi mới chủ yếu ở cả ba cấp học là đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Đối với học sinh bậc tiểu học, giáo viên đã chú trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh bằng cách động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập và rèn luyện; tạo cơ hội để học sinh phát huy khả năng của bản thân; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số, kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Đối với học sinh cấp THCS và cấp THPT, chú trọng đánh giá cách học và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; sử dụng kết quả đánh giá vào quá trình dạy học để động viên, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh minh họa |
Một điểm mới là việc đánh giá kết quả học sinh phổ thông không dừng lại ở chỉ số trí tuệ (IQ) như trước đây, mà bổ sung thêm các tiêu chí, như: Chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số vượt khó (AQ)… GS, TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, cách đánh giá này thể hiện quan điểm nhân văn, phù hợp với cách đánh giá người học của các nước có nền giáo dục tiên tiến là “đánh giá không phải điểm kết thúc mà là khởi đầu cho một giai đoạn giáo dục mới”.
Giảm áp lực cho xã hội từ việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Từ nhiều năm nay, kỳ thi THPT quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của toàn xã hội. Trước áp lực đó, ngành giáo dục đã chủ động tìm ra các giải pháp đổi mới để kỳ thi không ngừng hoàn thiện, bảo đảm lợi ích tối đa cho thí sinh mà vẫn đạt được mục tiêu công bằng xã hội trong giáo dục.
Từ năm 2014 về trước, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Áp lực thi cử nặng nề cho học sinh (trong thời gian khoảng một tháng tổ chức 4 kỳ thi: Thi tốt nghiệp THPT, hai đợt thi tuyển sinh đại học và một đợt thi tuyển sinh cao đẳng); tốn nhiều thời gian và tiền bạc của xã hội; nhiều trường tổ chức dạy dồn, cắt xén chương trình đối với những môn không thi, từ đó khiến học sinh “học tủ”, học lệch, không phản ánh đúng mục tiêu giáo dục toàn diện.
Trên cơ sở quan điểm của Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2015 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ năm 2017, việc tổ chức thi THPT quốc gia theo hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn) đã bảo đảm sự nghiêm túc, trung thực, khách quan.
Phương án này kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung” trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tính nghiêm túc, trung thực của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018 phần nào thể hiện ở con số thống kê: Năm 2016 có tới 328 thí sinh vi phạm quy chế thi bị kỷ luật, nhưng trong hai năm 2017 và 2018, số thí sinh vi phạm chỉ còn 72 và 77 trường hợp (giảm khoảng 4,5 lần). Mặt khác, việc tổ chức kỳ thi này tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã góp phần giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, để tránh tái diễn hiện tượng gian lận thi cử nghiêm trọng xảy ra tại 3 địa phương là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới, đó là: Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan; quy định rõ trách nhiệm của địa phương, trường đại học và các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh tra của Bộ GD&ĐT.
Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở
Câu chuyện về giáo dục mở đã được Bác Hồ đặt ra từ khi nền giáo dục cách mạng non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời. Trong “Thư gửi cho học sinh” ngày 5-9-1945, Bác viết: “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong một thời gian khá dài, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta bị phân mảnh, liên kết giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học) lỏng lẻo; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, giáo dục suốt đời và xây dựng xã hội học tập”, những năm qua, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng, ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD&ĐT, bảo đảm tính tương thích với các bảng phân loại giáo dục quốc tế.
Theo GS, TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên, với cấu trúc 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), khung trình độ quốc gia sẽ góp phần giúp cho việc hoàn thiện thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo; thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân; xây dựng quy hoạch, chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.
Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước, lĩnh vực giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 5 năm (2013-2017), đã có 68 thỏa thuận quốc tế và 23 điều ước quốc tế được ký kết, góp phần tạo hành lang pháp lý triển khai nhiều chương trình hợp tác, như: Trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên; hợp tác giáo dục, nghiên cứu, đào tạo, trao đổi chuyên gia... Ngành giáo dục và các cơ sở đại học đã phê duyệt, ký kết 531 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với khoảng 80.000 người đã theo học, trong đó hơn 40.000 người đã hoàn thành chương trình và được cấp bằng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế.