Sẽ tổng kết Đề án phát triển trường THPT chuyên
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trường chuyên được quy định tại Luật Giáo dục trong nhiều năm qua và trở thành một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân. Luật Giáo dục 2019 tiếp tục thể hiện điều này. Cụ thể: "Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước".
Thông tin điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đồng thời cho biết: Năm 2009, Bộ Chính trị có thông báo Kết luận số 242-TB/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên đưa ra trong thông báo kết luận là "nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý", trong đó có nội dung: Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông, đặc biệt ở bậc đại học. Khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng trường THPT năng khiếu, lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Chú trọng xây dựng một số trường, chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Từ đó, Chính phủ đã có Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020. Bộ GD&ĐT tiến hành sơ kết 4 năm triển khai thực hiện đề án; trong đó có đánh giá sự phát triển của mạng lưới; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên; đội ngũ giáo viên; chất lượng giáo dục...
SGK phải đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước 15/8
Ngày 10/6, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn việc cung ứng SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 gửi các Sở GD&ĐT và nhà xuất bản có SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn. SGK phải đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8.
Theo ông Thái Văn Tài –Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), tất cả SGK được hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ trưởng phê duyệt đều được các địa phương đón nhận. Điều đó thể hiện SGK mới đã đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phù hợp với điều kiện dạy – học. Cho đến thời điểm này, các hội đồng đều chọn SGK theo đúng Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.
Trong 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt, có 62 tỉnh/thành chọn từ 3 bộ trở lên; 36 tỉnh/thành có đầy đủ 5 bộ sách. Việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan trong quá trình lựa chọn. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát lại theo đúng chức năng. Riêng tỉnh Khánh Hòa chọn một sách cho 8 môn bắt buộc và chọn sách tiếng Anh của bộ khác. Như vậy, tỉnh Khánh Hòa chọn 2 bộ sách, không phải 1 bộ. Còn với Long An, sau khi có ý kiến của Bộ GD&ĐT, địa phương rà lại kết quả và đã thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Hơn 600 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non và văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2020; xây dựng và hoàn thiện phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai điều kiện bảo đảm chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh; khai báo và công khai chính xác, đúng quy định thông tin tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ đã truyền thông nhiều về Quy chế tuyển sinh. Mới đây, Bộ đồng hành cùng Báo Tuổi trẻ tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhằm cung cấp thông tin, qua đó, thí sinh yên tâm đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các ngành nghề, trường học phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin: Tính đến ngày 30/6, có gần 900 nghìn thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có hơn 600 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tương đương năm 2019. Các chính sách tuyển sinh năm nay cơ bản ổn định như năm 2019 và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Thực hiện quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều phương án tuyển sinh. Qua đó, thí sinh clựa chọn hình thức đăng ký xét tuyển phù hợp. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để công nhận hình thức này như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả. Sau khi có quy chế, Bộ sẽ xây dựng thông tư quy định dạy học trực tuyến, trách nhiệm của sở, phòng GD&ĐT, nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, đồng thời có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện bảo đảm việc dạy và học.