Nhiều phương pháp được nhà trường, thầy cô áp dụng, từ truy bài đến phụ đạo, giải đáp online giúp học sinh củng cố kiến thức.
Ôn tập theo năng lực học trò
Theo cô Trương Thị Cẩm Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), từ đầu năm học, nhà trường phân công, lựa chọn giáo viên giảng dạy lớp 12 có kinh nghiệm, tâm huyết, lập sổ theo dõi sự tiến bộ của học sinh. Đồng thời, khuyến khích tổ chuyên môn xây dựng tài liệu học tập bộ môn cho khối 12 để thuận lợi cho các em ôn tập. Sau thời gian nghỉ phòng dịch, thực hiện tinh giản, nhà trường đã chủ động xây dựng lại kế hoạch, hình thức và nội dung ôn tập cho phù hợp: Biên soạn theo chương hoặc chủ đề; có phần tóm tắt kiến thức trọng tâm; câu hỏi phải được phân loại theo các mức độ nhận thức (biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao); có đề tổng hợp kiến thức theo định hướng đề thi minh họa…
Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 281 học sinh khối 12, trong đó 55 em lựa chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên và 226 em chọn tổ hợp Khoa học Xã hội. Công tác ôn thi được nhà trường triển khai từ đầu tháng 6, vào buổi sáng trong tuần. Buổi chiều phân chia các lớp ôn luyện theo năng lực. Học sinh khá giỏi học nâng cao, hướng dẫn cách tìm tài liệu nhằm mở rộng kiến thức. Đối với em có học lực trung bình yếu, thầy cô sẽ kèm, phụ đạo, rèn kỹ năng làm bài...
Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) tổ chức ôn thi theo 2 giai đoạn (từ ngày 1/6 - 4/7, và từ ngày 8/7 - 4/8). Sau mỗi giai đoạn, nhà trường sẽ khảo sát, đánh giá năng lực học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức. Ngoài thực hiện ôn chính khóa vào buổi sáng (5 tiết/ngày); buổi chiều sẽ hỗ trợ ôn, truy bài 2 tiết cho học sinh không theo kịp. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ kèm sát việc học của các em, mỗi lớp học có 4 - 5 học sinh.
Theo cô Trần Thị Mai Thy, giáo viên môn Toán, Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), ngoài việc ôn lại kiến thức cơ bản, em nào chưa hiểu bài sẽ được ôn, truy bài vào buổi chiều. Học sinh khá giỏi được hướng dẫn tự ôn và tìm tài liệu tại nhà.
Chia sẻ về việc ôn thi, em Trần Thị Thùy Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Hà Huy Giáp cho biết: Em chọn tổ hợp Khoa học Xã hội, trong thời gian ôn tập tại trường, em được thầy cô tận tình hỗ trợ. Đặc biệt là môn Sử, môn học em lo nhất nhưng nay đã vững hơn vì thầy cô thường xuyên cho bài tập và hỗ trợ trong suốt thời gian ôn. Còn theo Ngô Thị Diễm Hương, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), em và các bạn được thầy cô ôn tập theo từng giai đoạn, ban đầu củng cố kiến thức và cho làm bài tập theo chủ đề. Giai đoạn sau chủ yếu tập trung giải đề, nhằm khắc sâu kiến thức và giúp làm quen với hình thức giải đề trắc nghiệm.
Hiệu quả từ hướng nghiệp
Theo thầy Huỳnh Văn Võ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), mỗi năm, nhà trường có 9 tiết dạy học để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Trước khi triển khai kế hoạch ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhà trường cũng dành riêng một buổi học để tư vấn và hỗ trợ các em điều chỉnh tổ hợp môn đúng với sở thích và năng lực học tập. Bên cạnh đó, nhà trường còn hướng dẫn các em cách làm hồ sơ, lựa chọn nguyện vọng xét tuyển phù hợp…
Trao đổi về công tác hướng nghiệp cho học sinh, cô Trương Thị Cẩm Thuý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: Ngoài buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, các trường cũng chủ động tổ chức đại hội hội phụ huynh học sinh khối 12 của trường sau mỗi học kỳ. Qua đó tư vấn và hướng dẫn phụ huynh học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học tập của các em, có phương án học tập và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Cô Trương Thị Đáng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) thông tin: Căn cứ vào kết quả học tập cuối năm, thầy cô cho các em những lời khuyên trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, trường tổ chức buổi tham quan và giao lưu trực tiếp một số trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, nhằm giúp các em có nhiều thông tin hơn về ngành nghề, nhà trường, đồng thời lựa chọn đúng đắn hơn về ngành học trong tương lai. Nhờ tư vấn sát sao, sau mỗi học kỳ, một số em thay đổi lựa chọn ngành nghề theo sức học và khả năng của bản thân. Nhiều em chưa đưa ra lựa chọn ngành nghề, nguyện vọng sau một tuần suy nghĩ, mang hồ sơ đến trường để nghe ý kiến cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn… lần chót mới đăng ký.
Nhà trường đã chia ra 2 phần: Thông hiểu - Nhận biết và Vận dụng - Vận dụng cao. Đối với học sinh yếu kém, thầy cô sẽ tập trung nhiều ở phần thông hiểu và nhận biết. Phần vận dụng, vận dụng cao, giải thêm những bài nâng cao và hướng dẫn tìm tài liệu dành cho học sinh khá giỏi. Song song với công tác hướng dẫn ôn tập, nhà trường thường xuyên động viên, nhắc nhở và chỉ dẫn các em sắp xếp lịch học ở nhà để ôn tập đạt hiệu quả. - Cô Trương Thị Đáng