Trường chuẩn và những nỗi lo
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến tháng 5/2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) toàn TP là 58,8%, trong đó khối công lập đạt 71,6% (1.579/2.206 trường). So với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết 05 ngày 5/4/2012 của HĐND TP, tỷ lệ trường công lập CQG đến năm 2020 đã đạt và vượt.
Tuy nhiên, giám sát của HĐND TP cho thấy, công tác xây dựng trường đạt CQG gặp khó khăn nổi bật là các trường ở nội thành có sĩ số HS/lớp vượt quá điều lệ trường học, thiếu diện tích đất, sân chơi; trường ngoại thành thiếu CSVC, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: Quận mới có 27/50 trường công lập đạt CQG, đứng thứ 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó chủ yếu do diện tích sàn/HS không bảo đảm, sĩ số HS/lớp cao hơn quy định, số lớp đông, chưa đủ phòng chức năng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, huyện mới có 46/79 trường công lập CQG, đạt 58,2%, trong đó 14 trường đã quá thời hạn được công nhân lại. Do là huyện thuần nông, thu ngân sách thấp, huy động nguồn xã hội hóa hạn chế, nên một số trường vẫn thiếu phòng học, phòng bộ môn, chức năng.
Bên cạnh đó, một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến dân số cơ học tăng quá nhanh, khiến sĩ số HS/lớp và số lớp/trường vượt quá quy định; một số khu đất để xây trường trong khu đô thị mới khó giải phóng mặt bằng; xây trường thu hồi vốn chậm nên chủ đầu tư chưa quan tâm.
Tại quận Hoàng Mai, sĩ số HS tại một số trường công lập vượt quá so với quy định, trong đó trung bình tại cấp MN là 40 HS/lớp, tiểu học: 51 HS/lớp, dẫn đến không bảo đảm số m2/HS. Công tác xây dựng bổ sung trường mới không kịp với tốc độ tăng dân số và nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, một số trường có diện tích không đủ đáp ứng điều kiện công nhận trường CQG do không thể mở rộng.
Từ năm 2012 đến nay, quận đã triển khai 59 dự án cải tạo và 21 dự án xây mới trường học, song gặp không ít vướng mắc do trên địa bàn có nhiều ô quy hoạch nhưng tại những phường có mật độ dân số cao, phát triển nhanh (Đại Kim, Định Công, Tân Mai…) thì có ít hoặc không còn đất quy hoạch xây trường...
Chờ bản quy hoạch tổng thể
Để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trường CQG, theo ông Chử Xuân Dũng, GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, sở đã kiến nghị TP thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây trường đáp ứng đủ quy định trường CQG, bảo đảm diện tích trường, diện tích trung bình/HS, sĩ số HS/lớp, điều kiện CSVC theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, cần bảo đảm nguồn vốn xây mới, cải tạo, mua sắm thiết bị các trường thực hiện công nhận lại; quan tâm những cấp có tỷ lệ trường CQG thấp và huyện có tỷ lệ trường CQG thấp, nhiều trường cần công nhận lại.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị TP dành quỹ đất xây trường; giao quận, huyện làm chủ đầu tư những quỹ đất dành cho xây trường học của khu đô thị mới; khuyến khích xây trường quy mô lớn ở ven đô, đô thị vệ tinh nhằm giảm tải cho nội đô; đồng thời cho phép trường tư thục/dự án trường tư thục bổ sung cấp học.