Thứ nhất, chủ động rà soát, tham mưu UBND trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành các nghị quyết quy định chính sách của địa phương đảm bảo điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018.
Ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục.
Tích cực tham mưu, góp ý xây dựng, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ và Kế hoạch số 390/KH-BGDĐT ngày 22/4/2024 của Bộ GD&ĐT.
Thứ 2, chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh quản trị hoạt động dạy học và giáo dục gắn liền với quản trị nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tài chính thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giao quyền tự chủ cho tổ chuyên môn trong việc quản lý kế hoạch giáo dục cá nhân và kế hoạch bài dạy của giáo viên, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.
Thứ 3, tăng cường chuyển đổi số trong dạy học và quản lý, thực hiện hiệu quả việc tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Tổ chức triển khai tốt việc chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra đánh giá và quản trị nhà trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi số trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cấp trung học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thứ 4, thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo. Đặc biệt lưu ý chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên kiểm soát chặt chẽ nội dung, không để xuất bản phẩm tham khảo có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, truyền thống văn hoá, thuần phong mĩ tục của Việt Nam đưa vào sử dụng trong dạy học.
Thứ 5, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế trong giáo dục trung học gắn với việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra: các cơ sở giáo dục trung học tư thục; các cơ sở giáo dục có hợp tác, đầu tư của nước ngoài; việc liên kết với các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các hoạt động giáo dục; các chương trình giáo dục tích hợp, chương trình giáo dục của nước ngoài, chương trình giáo dục bằng tiếng nước ngoài; nội dung giáo dục bắt buộc dành cho học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục tư thục có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ 6, tham gia tố chức các kỳ thi, cuộc thi bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và các kì thi, cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế, đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chọn lọc tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi của địa phương theo chủ trương tinh giảm các kỳ thi, cuộc thi, hội thi nhằm giảm áp lực đối với giáo viên và học sinh.
Thứ 7, đẩy mạnh công tác truyền thông: Chủ động cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách đổi mới đối với giáo dục trung học; tình hình và kết quả triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với giáo dục trung học tạo sự đồng thuận của xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chủ động viết và đưa tin, bài về các kết quả hoạt động của ngành; các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để khích lệ các cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Thứ 8, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD&ĐT, trong đó chú trọng các nội dung kiểm tra: công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; việc dạy thêm, học thêm; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục; công tác quản lý hoạt động dạy học; công tác tuyển sinh đầu cấp; việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS, THPT.
Tác giả bài viết: Hải Bình
Ý kiến bạn đọc