Nóng trong tuần: Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới; tuyển sinh Đại học năm 2024

Chủ nhật - 04/08/2024 21:22 91 0
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học với tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyênTuần qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 với các cấp học: Tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên.Theo đó, với giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT thực hiện hiệu...
Nóng trong tuần: Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới; tuyển sinh Đại học năm 2024

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học với tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 với các cấp học: Tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, với giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT cấp tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT cấp tiểu học; triển khai hiệu quả công tác đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn hiệu trưởng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nề nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học.

Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát động, tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học.

phan-luong-hoc-sinh-5408.jpg

Với giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp, trong đó tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 9, lớp 12 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học. Chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hoá hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phát triển các kỹ năng cho học sinh; thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, THPT.

Chú trọng thực hiện công tác phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng thực hiện Chương trình GDPT 2018; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên.

Thực hiện hiệu quả việc quản lý giáo dục, quản trị trường học; bảo đảm dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục trung học; tổ chức tốt các phong trào thi đua. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.

Triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục; tập trung thực hiện chuyển đổi số trong quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Đối với giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT triển khai thực hiện đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ. Chú trọng xóa mù chữ tại những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỉ lệ người mù chữ cao.

Huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên tại các địa phương. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị cơ sở và trong các hoạt động giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về giáo dục thường xuyên.

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng. Tích cực tham gia xây dựng chính sách về giáo dục thường xuyên.

ts.jpg
Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non 2024 họp phiên đầu tiên.

Tuyển sinh đại học năm 2024

Tuần qua diễn ra phiên đầu tiên của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024. Đây cũng là thời điểm thí sinh hoàn thành nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí xét tuyển.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi. Hệ thống ổn định. Các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời.

Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh. Đồng thời hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Từ đó, giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội. Mặt khác, hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Kế thừa những thành công và các bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cần làm thật tốt công tác tuyển sinh năm 2024. Các thành viên trong Ban chỉ đạo cần nắm bắt tình hình của đơn vị trực thuộc và tham gia phối hợp trong công tác truyền thông, xử lý sự cố, sai sót nếu có. Đồng thời, cùng thảo luận để có đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh của ngành, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT để điều chỉnh Quy chế tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh cho phù hợp.

Liên quan tới vấn đề xét tuyển sớm, Thứ trưởng yêu cầu, mỗi đơn vị cùng nhìn nhận rõ vấn đề, thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu. Đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc cơ bản, đó là công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường.

ScreenHunter_140 Aug. 04 20.37.jpg

Tính đến 17h00 ngày 30/7/2024, thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến, Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Về nộp lệ phí xét tuyển, thí sinh bắt đầu thực hiện qua cổng dịch vụ công quốc gia và kết thúc vào 17h ngày 6/8.

4/4 học sinh giành huy chương tại Olympic Hoá học quốc tế

Sáng 30/7, Bộ GD&ĐT thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học quốc tế (ICHO) năm 2024 được tổ chức tại Saudi Arabia.

Theo đó, Đội tuyển quốc gia Việt Nam có 4 học sinh dự thi. Kết quả, 4 học sinh đều đoạt huy chương, gồm: 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

3 Huy chương Vàng thuộc về các em: Em Nguyễn Hữu Tiến Hưng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; em Giáp Vũ Sơn Hà, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; em Trần Đăng Khôi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội.

Em Đỗ Phú Quốc, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, tỉnh Quảng Nam giành Huy chương Bạc.

doi-tuyen-quoc-gia-viet-nam-tham-du-olymipc-hoa-hoc-quoc-te-2024.jpg
Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Hoá học quốc tế năm 2024.

Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 56 được tổ chức từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 năm 2024 với sự tham gia của các đoàn đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số 327 thí sinh dự thi.

Kỳ thi bao gồm một bài thi lý thuyết và một bài thi thực hành, mỗi bài thi được thực hiện trong vòng 5 giờ. Bài thi thực hành năm nay được đánh giá là có nhiều điểm mới và có tính thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy tổng hợp và thực hiện các kỹ năng thao tác một cách chính xác. Bài thi lý thuyết đề cập tới những ứng dụng của hóa học trong công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường, vật liệu tiên tiến,…

Trong bảng tổng sắp huy chương của 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, đoàn Việt Nam xếp đồng hạng hai với đoàn Hoa Kỳ và chỉ xếp sau đoàn Trung Quốc.

Thành tích năm nay của đội tuyển quốc gia Việt Nam tiếp nối những thành tích ấn tượng tại các Kỳ thi ICHO trong 5 năm gần đây. Với tổng số 20 lượt thí sinh dự thi từ 2020-2024, đoàn Việt Nam xuất sắc giành 20/20 huy chương, trong đó có 17 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, liên tục nằm trong top 3 nước dẫn đầu tính theo số lượng Huy chương Vàng.

Thành tích này cũng tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn phổ thông bên cạnh giáo dục đại trà. Đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ GD&ĐT.

Ngày 1/8, họp báo, phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ VII năm 2024 được tổ chức. Giải do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định: Bước sang năm thứ 7, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” có số lượng, chất lượng các tác phẩm tham gia giải ngày càng được đánh giá cao, mang lại tác động lớn cho xã hội.

Mùa giải năm 2024 bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày phát động đến hết 30/9/2024. Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức dự kiến vào ngày 16/11/2024.

Tác giả bài viết: Hải Bình t/h

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập818
  • Hôm nay52,722
  • Tháng hiện tại330,852
  • Tổng lượt truy cập51,686,811
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944