Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này trong ý kiến phát biểu tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 sáng 9/8, tại Hà Nội.
Tự chủ làm thay đổi diện mạo của giáo dục đại học
Xoay quanh từ khóa "chất lượng", Bộ trưởng đồng thời chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học; để từ đó cùng nhận diện, vượt qua, vươn lên, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của xã hội, người học.
Thách thức đầu tiên, theo Bộ trưởng là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục. Cạnh tranh trong thu hút giảng viên, người học; cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội… Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều thúc đẩy cho phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng.
Cùng với đó là thách thức đến từ kỳ vọng lớn và sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội… đặt ra với giáo dục đại học ngày càng lớn. Giáo dục – đào tạo được tin tưởng, xác định là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng nhằm tạo bứt phá về kinh tế - xã hội. Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, ở những thời điểm quan trọng cần bứt phá về kinh tế, thì sự phát triển của khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính quyết định. Chính các cơ sở giáo dục đại học sẽ giải bài toán này, đáp ứng yêu cầu cho sự bứt phá của đất nước.
Thêm một thách thức lớn của giáo dục đại học được Bộ trưởng nhắc đến là việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như Việt Nam.
Tại Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp FDI chiếm một phần rất lớn. Khi đó, nhu cầu nhân lực sẽ không giống như các nền kinh tế khác. Doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam phần nhiều là lĩnh vực mới, hoặc Việt Nam không có sẵn, nên chúng ta luôn ở tình thế bất lợi trong đáp ứng nhu cầu nhân lực, dù các cơ sở giáo dục đại học năng động, ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng là tầm nhìn nhân lực cần có tính toàn cầu; cần liên kết quốc tế nhiều hơn để chủ động phán đoán xu hướng; đào tạo cái cơ bản, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chuyển đổi nhanh. Đây là tinh thần cần có để đáp ứng được yêu cầu nhân lực của nền kinh tế có độ mở, số lượng doanh nghiệp FDI lớn.
Lấy ví dụ từ ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ mũi nhọn, nhận định từ thực tế tuyển sinh năm nay - cũng là năm đầu tiên - cho thấy sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ, tinh thần vào cuộc với trách nhiệm rất cao của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này.
Bộ trưởng đồng thời nhắc đến thách thức của việc phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn. Thêm đó là thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới; cụ thể, đẩy mạnh chất lượng, chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.
“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Đồng thời với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát; tự điều tiết; tinh thần tự lực tự cường; tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động; tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thách thức chính là cơ hội để vượt lên
Nhân nói về thách thức của triển khai tự chủ, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới đưa vào quy định nội bộ để không trái, không mâu thuẫn. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này. Các nhà trường cũng cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới để trình bộ chủ quản phê duyệt; tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan.
Vấn đề tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học cũng là một thách thức. Bộ trưởng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có một số tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này: tác động về thái độ học tập của học sinh sau khi biết mình trúng tuyển sớm; các trường xét tuyển sớm để yên tâm với số thí sinh vào học nên chỉ tiêu còn lại ít, dẫn đến điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT rất cao, tạo sự mất công bằng… Do đó thời gian tới cần xem xét việc này. Về phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.
“Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một thách thức nữa, theo Bộ trưởng, sắp tới quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ được ban hành. Triển khai thực hiện quy hoạch sẽ có những biến động trong sắp xếp hệ thống các trường. Mong rằng, chúng ta đón nhận điều này với một tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội.
“Những thách thức nói trên phát sinh trong chính quá trình phát triển, quá trình chúng ta ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Chính thách thức lớn đó là cũng là cơ hội để chúng ta đáp ứng được, thoả mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ GD&ĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức đó để đạt tới mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng bày tỏ.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn của hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và khó khăn từ hậu Covid-19. Trong bối cảnh các nguồn hỗ trợ từ kinh phí Nhà nước giảm dần, sức chi trả của người dân và doanh nghiệp giảm sút, các cơ sở giáo dục đại học đã cố gắng cao độ, đạt được nhiều kết quả, tạo thêm niềm tin với xã hội, người học và các bên liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú.
Ý kiến bạn đọc