Sức bật ngành Sư phạm

Thứ sáu - 09/08/2024 03:55 21 0
GD&TĐ - So với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên (ngành Sư phạm) tăng 85%.
Sức bật ngành Sư phạm

Điều đó cho thấy, ngành học này đã có sức bật mới.

Số lượng tăng mạnh

Năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành Sư phạm của Trường ĐH Đồng Nai tăng gấp 1,5 lần so với năm trước. TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng viện dẫn, năm nay có hơn 5.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm của trường. Riêng ngành Giáo dục Mầm non, số thí sinh đăng ký dự thi tăng gấp 3 lần so với năm 2023. “Dự báo điểm chuẩn các ngành Sư phạm năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước”, TS Lê Anh Đức chia sẻ.

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được giao hơn 1.300 chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, tổng số nguyện vọng đăng ký vào các ngành Sư phạm của trường gần 32.900, tương đương hơn 22.500 thí sinh đăng ký xét tuyển, tăng gấp đôi so với năm 2023.

Năm ngoái, tổng số nguyện vọng đăng ký vào các ngành Sư phạm của trường là hơn 16.700, với trên 11.400 thí sinh. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cũng dự báo, điểm chuẩn vào ngành Sư phạm năm nay sẽ cao hơn so với năm trước.

Riêng Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thu hút hơn 11.500 thí sinh dự thi, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023. Số thí sinh thi các môn năng khiếu vào trường này cũng tăng gấp đôi so với năm trước (hơn 2.000 thí sinh). Trong đó, có hơn 1.200 thí sinh dự thi vào ngành Giáo dục Mầm non, 319 thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc, 222 thí sinh ngành Sư phạm Mỹ thuật và 376 dự thi ngành Giáo dục Thể chất.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nhiều năm liên tiếp, khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên (ngành Sư phạm) thuộc top 10 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất. Năm 2022, 2023 lĩnh vực này có tỷ lệ thí sinh nhập học lần lượt là 5,46% và 5,45%.

Số liệu trên cho thấy, sức hút của ngành Sư phạm ngày càng tăng cao. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, so với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%. Tính về số lượng tuyệt đối, lĩnh vực này cũng tăng mạnh nhất, tăng 200.000 nguyện vọng so với năm 2023.

suc bat nganh su pham (1).JPG
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2024. Ảnh: TG

Tăng sức hút với nghề giáo

Theo Thứ trưởng, sức hút của ngành Sư phạm có tác động bởi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116). Theo đó, ngoài việc được miễn học phí, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay.

Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT có nhiều đề xuất để tạo sức hút cho ngành Sư phạm. Nhà nước cũng có các chính sách quan tâm hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, có 2 phương diện quan trọng tác động đến sức hút của lĩnh vực này, gồm: Chính sách với đội ngũ nhà giáo và giáo sinh (cơ hội việc làm, thu nhập, phúc lợi và tôn vinh).

Yếu tố quan trọng không kém là, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mình để ngành Sư phạm khẳng định được vị thế trong xã hội. Trên cơ sở đó, ngành có sức hút bền vững thay vì chỉ mang tính thời điểm.

Cho rằng, Nghị định 116 có tác động thu hút học sinh có năng lực học tập tốt thi vào các trường sư phạm, bà Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, đây là tiền đề nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục. Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt nhưng phải cam kết làm việc một thời gian nhất định trong ngành sau khi tốt nghiệp.

Phương thức này được thiết kế qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu do địa phương thực hiện, gắn với trách nhiệm địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng và theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và cả trách nhiệm thu hồi kinh phí trong trường hợp sinh viên vi phạm cam kết.

Theo TS Lê Anh Đức, chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho sinh viên sư phạm thể hiện sự chăm lo, đầu tư lâu dài của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo. Chính sách này đã góp phần tăng thêm sức hút cho ngành Sư phạm. Tuy nhiên, cần sớm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong đặt hàng/đấu thầu/giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách.

Hiện, Bộ GD&ĐT kiến nghị sửa đổi cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng: Vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm nhưng không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu, địa phương tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng.

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm ngân sách Nhà nước (Trung ương, địa phương) về kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách (cơ sở đào tạo thuộc bộ, ngành Trung ương thì ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí; cơ sở đào tạo thuộc các địa phương thì địa phương bố trí kinh phí thực hiện), tránh trường hợp các địa phương không bố trí kinh phí thực hiện.

Quy định này cũng đảm bảo các sinh viên sư phạm sẽ được chi trả kinh phí theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay. Bên cạnh đó, quy định này giải quyết được nhu cầu đặt hàng của các tỉnh, thành với cơ sở đào tạo ngoài địa phương có chất lượng tốt.

Theo TS Lê Anh Đức, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP là căn cứ quan trọng để các địa phương và trường sư phạm, ngành Giáo dục nâng cao hiệu quả đào tạo và khai thác, sử dụng giáo viên. Ngoài ra, một số chính sách của Bộ GD&ĐT, Nhà nước như: Khảo sát nhu cầu giáo viên ở các địa phương; từ đó giao chỉ tiêu sát với thực tế đã làm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập661
  • Hôm nay63,587
  • Tháng hiện tại341,717
  • Tổng lượt truy cập51,697,676
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944