Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Bình Định, ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho biết: Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh Bình Định dự kiến là 17.918 thí sinh. Trong đó, số thí sinh đang học 12 hệ THPT là 17.717; số thí sinh đang học 12 hệ GDTX là 291 và thí sinh tự do dự kiến khoảng 550 thí sinh.
Cũng theo ông Đào Đức Tuấn, năm 2020, số điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi là 63. Có 42 điểm thi và tổng số phòng thi là 768. Số thành viên ban chỉ đạo thi của tỉnh là 37. Cán bộ lãnh đạo tại các điểm thi là 135. Số giáo viên coi thi là 1968 người.
Sở cũng có các văn bản tham mưu chỉ đạo, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, có các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí… tại Hội đồng coi thi, điểm thi. Sở cũng tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức kỳ thi THPT năm 2020.
Ngoài ra, Sở cũng lên phương án hỗ trợ thí sinh dự thi, phương án chấm thi, và công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội trên địa bàn. Sở GD&ĐT cũng chuẩn bị tốt nhất về công tác đảm bảo phương tiện thông tin liên lạc của Ban chỉ đạo với cấp trên và các điểm thi. Thực hiện chế độ báo cáo và chuyển dữ liệu thi về Bộ GD&ĐT đúng thời hạn quy định.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Đại tá Trần Huy Giáp – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết, trên cơ sở báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, công an đã phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT tỉnh, xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể về phân công các lực lượng công an trên địa bàn để đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự.
Công an tỉnh đã có quy định về việc tăng cường các mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục, để giám sát tất cả các khâu của đề thi nhằm đảm bảo kỳ thi được an toàn tuyệt đối. Công an tăng cường kiểm tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, nhất là vấn đề an toàn giao thông...
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, phải chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin; cập nhật đầy đủ số lượng thí sinh vắng thi và đình chỉ thi trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.
Về công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình tổ chức thi, ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra các khâu kỳ thi. Bộ GD&ĐT cũng có Ban chỉ đạo cấp Quốc gia và đoàn kiểm tra của Bộ.
“Bộ cũng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị, trong đó Chính phủ sẽ cử người tham gia Ban chỉ đạo Quốc gia. Thanh tra tỉnh sẽ tham gia vào giám sát quá trình tổ chức thi của địa phương. Chánh thanh Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, ông Cường cho biết.
Về chuẩn bị thi, Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Bộ sẽ tổ chức các đoàn xuyên suốt kiểm tra trong công tác chuẩn bị thi của tất cả các tỉnh, thành... Về công tác chấm thi, trong thời gian chấm thi 15 ngày sẽ tổ chức đoàn thanh tra công tác chấm thi. Bộ cũng sẽ tổ chức 63 đoàn thanh tra cắm chốt để thanh tra, kiểm tra các công tác chấm thi...
“Bộ tổ chức tập huấn, mời lãnh đạo Sở, cán bộ thanh tra của Sở. Sau đó, lãnh đạo Sở và thanh tra Sở sẽ về tổ chức tập huấn lại cho các đồng chí làm công tác thanh tra. Sau phần tập huấn, chúng tôi cũng xem xét kiểm tra đánh giá các cán bộ tập huấn, nếu đạt yêu cầu mới cho thanh tra, kiểm tra”, ông Cường thông tin.
Rà soát kiểm tra tất cả các trang thiết bị phục vụ kỳ thi
Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới do UBND tỉnh chịu trách nhiệm, còn Sở GD&ĐT là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh để tổ chức thành công kỳ thi.
“Về công tác chuẩn bị, nhất là việc chọn cán bộ từ Ban chỉ đạo cho đến các ban sau này hết sức quan trọng. Các thành viên ban chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch riêng. Bên cạnh đó, rà soát lại đội ngũ cán bộ, từng đồng chí phải tăng cường trách nhiệm. Những cán bộ không đảm bảo năng lực, không đảm bảo phẩm chất đạo đức phải xem xét. Những cán bộ tham gia các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp phải được tìm hiểu hết sức kỹ càng, nếu cần thì có sự tham gia rà soát của công an”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hồ Quốc Dũng, sau cuộc họp UBND tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ, qua đó có chỉ thị để chỉ đạo toàn diện về công tác thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch, và Sở cũng đã triển khai công việc theo kế hoạch này.
Ông Dũng cho hay, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành rà soát tất cả công việc. Sau cuộc họp, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT rà soát 42 điểm tổ chức thi, để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Những trường nào không đảm bảo phải chuyển ngay sang địa điểm khác.
Bên cạnh đó, giao Sở GD&ĐT phối hợp với các sở ngành rà soát kiểm tra các thiết bị để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông Dũng cũng giao Sở GD&ĐT, về việc tập huấn công tác coi thi, chấm thi... phải tập huấn kỹ càng nhằm tránh sai sót trong quá trình coi thi.
Ngoài việc tập huấn chuyên môn, UBND tỉnh cũng đề xuất tập huấn cho đội ngũ thanh tra trong kỳ thi. Đề xuất Bộ có cẩm nang hướng dẫn cho những người tham gia công tác phục vụ kỳ thi để làm tốt chức năng của mình.
Tiếp thu ý kiến của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh sẽ thành lập các tiểu ban cụ thể như: tuyên truyền, hậu cần, chuyên môn... từng tiểu ban sẽ có những phương án. Bên cạnh đó, sẽ có quy định phối hợp giữa các sở ngành với các tổ chức, đơn vị... về công tác của kỳ thi.
Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay các địa phương đang cùng với Bộ GD&ĐT gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Bộ GD&ĐT đã dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án và Chỉ thị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, đảm bảo đúng mục đích và yêu cầu của kỳ thi. Trước hết, Bộ đã ban hành Quy chế của kỳ thi, các địa phương và mọi người tham gia có liên quan phải tuân thủ theo.
Bộ GD&ĐT sẽ ra đề thi, tập huấn, thanh tra, coi thi, chấm thi với phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Mặc dù tổ chức tại địa phương nhưng công tác chấm thi trắc nghiệm được thực hiện bằng máy trên toàn quốc để khách quan và minh bạch.
Nhiệm vụ tổ chức kỳ thi được giao cho địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, TP chỉ đạo thực hiện các khâu của kỳ thi trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Bộ GD&ĐT về sự an toàn, minh bạch của kỳ thi.
Bên cạnh đó, thành lập các Ban chỉ đạo kỳ thi, các Hội đồng thi và các ban tổ chức khác liên quan. Đây là bộ khung để thực hiện chỉ đạo kỳ thi. Ngoài ra, phân công phối hợp bằng văn bản, chức năng nhiệm vụ từng người tham gia công tác thi rõ ràng. Để từ đó, lập kế hoạch phân công thực hiện và tập huấn rõ, tránh tình trạng tham gia vào Ban chỉ đạo nhưng không rõ việc.
Cần lưu ý, những người tham gia trong chỉ đạo tổ chức thực hiện kỳ thi phải đúng chức năng nhiệm vụ. Từng đồng chí sẽ có kế hoạch cụ thể để gửi về trưởng Ban chỉ đạo để có kế hoạch tổng thể triển khai. Về vấn đề coi thi phải tập huấn cho giáo viên thật kỹ để tránh xảy ra vấn đề sai sót trong khi coi thi. Bên cạnh đó, sẽ giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong lúc coi thi như: thí sinh đến muộn, ký nhầm...
Đặc biệt, phải tính toán đến các vấn đề thời tiết để hỗ trợ tốt nhất cho các thí sinh trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.
“Công tác coi thi, chấm thi và thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Chỉ đồng ý cho cán bộ tham gia công tác này khi đáp ứng các yêu cầu tập huấn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.