Luật nhiều, trẻ chưa được bảo vệ bao nhiêu

Thứ hai - 22/06/2020 04:19 735 0
GD&TĐ - Trẻ em bị xâm hại là vấn nạn nhức nhối chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều vụ án gây bức xúc và phẫn nộ lớn trong xã hội. Làm gì để bảo vệ trẻ là câu hỏi bức thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Luật nhiều, trẻ chưa được bảo vệ bao nhiêu

Chưa ngăn chặn hiệu quả

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn) có chiều hướng gia tăng. Mặc dù, lực lượng công an và các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Con số thống kê của Đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em của Quốc hội báo cáo Chính phủ đầu năm 2019 chỉ rõ giai đoạn 1/1/2015 - 30/6/2019, toàn quốc phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em.

So với giai đoạn 2011 - 2014, số trẻ em bị xâm hại tăng 12,2%. Đáng chú ý, số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 - 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ).

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM, vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc chính là số lượng những vụ bạo lực học đường, bóc lột lao động, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng ở không ít địa phương. Đặc biệt, gia đình và nhà trường vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại tại đây lại đáng báo động.

"Thống kê của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%; bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%. Một số giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí xâm hại trong thời gian dài, xâm hại nhiều học sinh, kể cả học sinh nam… cho thấy sự thật đau lòng là trẻ em hiện nay được bảo vệ chưa tốt, nhiều nguy cơ rình rập cuộc sống của các em", luật sư Thường đánh giá.

Văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ trẻ em đã có đủ, nhưng thực tế cho thấy, tội phạm xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn hiệu quả, điều đó buộc mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và các cấp chính quyền phải đặt vấn đề này thành mối quan tâm thường xuyên, liên tục với những phương thức, biện pháp phù hợp hơn. Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình (Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM), một trong những điều căn cốt nhất cần phải thay đổi, đó là nhận thức trong việc bảo vệ trẻ. Nhận thức của các bậc phụ huynh, giáo viên, người thân đúng đắn mới có hành động đúng đắn để bảo vệ các em.

Luật nhiều, trẻ chưa được bảo vệ bao nhiêu - Ảnh minh hoạ 2
Trẻ em cần được bảo vệ ngay từ trong môi trường gia đình bằng nhận thức đúng đắn của phụ huynh. Ảnh: TG

Thay đổi tư duy và thói quen bảo vệ trẻ

Luật sư Lê Bá Thường cho biết: Ngoài Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (CRC) còn có hơn 80 văn kiện quốc tế (công ước, tuyên ngôn, chương trình…) trực tiếp hoặc gián tiếp quy định hoặc có liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em. Tại Việt Nam, Hiến pháp 2013 có những cải tiến mạnh mẽ, đột phá trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trên tinh thần và các quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp 2013 và CRC, Luật Trẻ em 2016 gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em đã đi vào cuộc sống.

"Nhìn chung ở Việt Nam, các quyền cơ bản của trẻ em và trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội được quy định khá đầy đủ. Tuy nhiên, các vụ việc xâm hại, bạo hành, bóc lột sức lao động với trẻ em sau 4 năm Luật Trẻ em đi vào cuộc sống vẫn xảy ra với chiều hướng ngày càng gia tăng, phần nhiều đến từ yếu tố gia đình, môi trường sống và chính sự thiếu hụt kỹ năng tự bảo vệ của các em. Thực tế đó đặt ra yêu cầu với từng phụ huynh và xã hội rằng cần phải thay đổi cách bảo vệ trẻ một cách đúng đắn bên cạnh các quy định của luật", luật sư Thường nói.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cũng nhìn nhận: Công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta hiện có một khoảng trống. Đó chính là sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý không chỉ cho nạn nhân, gia đình trẻ bị xâm hại mà cho người phạm tội.

Xã hội luôn cần luật pháp để thiết lập nên công bằng và bảo đảm quyền cho nhóm người yếu thế. Tuy nhiên, theo luật sư Ngọc Nữ, thực tiễn tình trạng xâm hại trẻ em không đơn giản như vậy. Đó có thể là xâm hại tự nguyện tức trẻ là người đồng thuận, người có hành vi xâm hại không biết tuổi thật của trẻ (ví dụ quan hệ giữa bạn trai và bạn gái), hay tệ hơn nếu như người xâm hại cũng từng là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo hành từ thời niên thiếu bởi chính gia đình mình.

"Pháp luật đưa ra nguyên tắc bảo vệ, trừng phạt người vi phạm pháp luật. Nhưng pháp luật không thể là chủ thể bảo vệ trẻ em mỗi ngày. Cuộc sống hiện tại có nhiều thay đổi, tội phạm nhắm vào trẻ em, trong đó có việc lạm dụng bằng nhiều hình thức tinh vi hơn. Vì thế cần có một tư duy mới có thể đối mặt với thực tế này nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn" - luật sư Nữ nói.

Bảo vệ trẻ em không chỉ là việc cung cấp cho các em các dịch vụ hỗ trợ và can thiệp khi xảy ra việc vi phạm pháp luật, mà còn là việc phòng ngừa khả năng trẻ em vi phạm pháp luật hoặc khả năng các em trở thành nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật. - ThS Vũ Thị Phượng - Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1046 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập171
  • Hôm nay4,380
  • Tháng hiện tại32,003
  • Tổng lượt truy cập49,737,768
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944