Đứng mũi chịu sào
Cô Trịnh Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (Tuyên Quang) cho biết: Toàn trường có trên 450 học sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cô Thủy chia sẻ: Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên dạy - học thực chất, chú trọng ôn tập, đặc biệt những em có học lực yếu để yên tâm bước vào kỳ thi.
"Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về địa phương tổ chức nên trách nhiệm của nhà trường nặng nề hơn. Chúng tôi biết mình phải làm gì để góp phần vào thành công của kỳ thi" - cô Thủy bộc bạch đồng thời cho biết: Việc đầu tiên tôi thực hiện là tạo tâm lý ổn định cho giáo viên và học sinh, bởi "nếu tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng".
Theo cô Thủy, đây là khâu quan trọng nhất, bởi nếu tâm lý của giáo viên không ổn định, chất lượng dạy - học sẽ không tốt; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kỳ thi của học sinh. Ngược lại, giáo viên và học sinh ổn định tâm lý, có tâm thế vững vàng, các em sẽ tự tin vượt vũ môn.
Cũng theo cô Thủy, dù chưa có quyết định chọn Trường THPT Nguyễn Văn Huyên làm điểm thi, nhưng nhà trường đã chủ động kiểm tra toàn bộ đường điện, các trang thiết bị phòng học và cơ sở vật chất, để kịp thời sửa chữa, bổ sung thay thế. "Chúng tôi chủ động triển khai thực hiện, để không bị lúng túng nếu như UBND tỉnh và Sở GD&ĐT có quyết định đặt điểm thi tại trường. Vì khi đó, còn rất nhiều việc phải làm" - cô Thủy trao đổi.
Cô Thủy cho biết: Nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT để các thầy, cô đóng góp ý kiến (nếu thấy cần thiết); Nắm được những thông tin cơ bản, chủ trương, chính sách của Bộ GD&ĐT đối với kỳ thi này. Từ đó sẵn sàng vào cuộc nếu được trưng cầu. "Nắm chắc Quy chế thi là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên tham gia phục vụ kỳ thi, nhất là đội ngũ tham gia coi thi" - cô Thủy nói và chốt lại vấn đề: Hiệu trưởng có vai trò quan trọng. Kết quả thi của học sinh có tốt hay không; công tác tổ chức thi có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm chỉ đạo và phương thức triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Hữu Định – Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ) khẳng định: "Chúng tôi sẽ "xắn tay", chung sức, chung lòng để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tự trọng nghề nghiệp".
Quan trọng trên mọi "mặt trận"
Thầy Định cho biết: Trước mắt, nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc khâu ôn tập cho 480 học sinh khối 12. Công việc này được bắt đầu từ ngày 8/6 và tập trung cao điểm trong 8 tuần. 2 tuần đầu sẽ ôn lại kiến thức lớp 11; 2 tuần tiếp theo chú trọng vào chương trình học kỳ I - lớp 12; 2 tuần kế tiếp là bổ sung kiến thức còn thiếu sót cho học sinh; 2 tuần cuối trước khi thi, giáo viên sẽ hướng dẫn và rèn kỹ năng làm bài thi cho học sinh, đồng thời lưu ý những lỗi cần tránh trong quá trình các em đi thi.
"Chúng tôi xây dựng và lập kế hoạch chi tiết về vấn đề này. Bởi suy cho cùng, nếu các em đạt kết quả cao, chính là thành công của nhà trường, mà ở đó có vai trò của "thuyền trưởng - hiệu trưởng" - thầy Định chia sẻ, đồng thời cho biết: Nhà trường yêu cầu, tất cả giáo viên phải nghiên cứu dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, vì rất có thể năm nay Sở GD&ĐT sẽ trưng tập toàn bộ giáo viên THPT tham gia coi thi (trừ những trường hợp có lý do chính đáng). "Sau khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức Quy chế thi và có hướng dẫn của Sở GD&ĐT, chúng tôi sẽ triển khai, tổ chức tập huấn cho giáo viên. Yêu cầu tiên quyết là cả hiệu trưởng và giáo viên phải nắm chắc Quy chế thi để không bị lúng túng, bất ngờ trước mọi tình huống" – thầy Định nhấn mạnh.
Tại tỉnh Kiên Giang, dự kiến có trên 11.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thành Viên nhấn mạnh: Kỳ thi có thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào hiệu trưởng các trường THPT. Họ chính là "mắt xích" quan trọng trong các khâu tổ chức của kỳ thi: Từ vấn đề chọn nhân lực, cho đến công tác tổ chức thi… Ở "mặt trận" nào, họ đều có vai trò quan trọng. "Chẳng hạn: Việc chọn cử cán bộ coi thi, hiệu trưởng chính là người chọn cử rồi gửi danh sách lên Sở GD&ĐT; hay công tác chấm thi - hiệu trưởng cũng phải giới thiệu những giáo viên uy tín. Đặc biệt, nếu hiệu trưởng là trưởng điểm thi, vai trò, trách nhiệm càng nặng nề" - ông Viên dẫn giải.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết: Sở sẽ tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường THPT để triển khai nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời tập huấn về Quy chế thi, với các tình huống giả định để hiệu trưởng xử lý, rút kinh nghiệm. Tinh thần là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. "Chúng tôi quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng" - ông Ninh Thành Viên quả quyết.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT là người trực tiếp tiếp nhận và triển khai thực thi các công việc có liên quan đến kỳ thi. Vì thế, họ chính là cánh tay nối dài của sở GD&ĐT. Kỳ thi có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ này.