Phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS: Rẽ hướng trường nghề

Thứ bảy - 20/06/2020 21:42 616 0
GD&TĐ - Những năm gần đây, học sinh phân luồng sau THCS của Nghệ An có xu hướng tăng. Đây là kết quả quá trình chuyển biến nhận thức của học sinh và phụ huynh. Nhưng thực tế sau phân luồng vẫn còn một số bất cập...
Phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS: Rẽ hướng trường nghề

Thay đổi nhận thức

Nguyễn Việt Trung, học sinh duy nhất lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, Nghệ An) không thi lên THPT. Nói về lý do chọn học nghề, Trung cho biết: Lực học của em ở mức trung bình, khó giành suất học tại trường THPT công lập. Được thầy cô định hướng, em quyết định chọn học nghề tại trường trung cấp trong huyện. "Tại đó, em vừa học nghề, vừa được học tiếp chương trình THPT, sau khi tốt nghiệp có thể đi làm luôn. Em thấy phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình, bố mẹ em cũng ủng hộ", Trung nói.

Thầy Trần Hoàng Thượng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Hầu hết học sinh, phụ huynh có nguyện vọng cho con học hết THPT. Tuy nhiên, Trường THPT Đô Lương 1 và 3 có tỷ lệ chọi cao, học sinh trúng tuyển chỉ từ 70 – 80%. Vì vậy, nhà trường định hướng cho học sinh nếu không vào được trường công lập, có thể học tiếp lên THPT ở trường ngoài công lập hoặc Trung tâm GDTX, học nghề bởi huyện Đô Lương, Nghi Lộc cũng có nhiều khu công nghiệp, xí nghiệp hằng năm đều tuyển lao động. Trước đó, năm học 2018 – 2019, trường có 140 học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 nhưng chỉ có 100 em trúng tuyển trường THPT công lập. Số còn lại có 25 em theo học lớp 10 tại trung tâm GDTX và có 15 học sinh học nghề.

Trường THCS Vĩnh Thành có chất lượng dạy học nằm trong tốp đầu của huyện Yên Thành (Nghệ An). Tuy nhiên, bên cạnh chú trọng dạy học, nhà trường tăng cường công tác phân luồng, hướng nghiệp do đặc thù học sinh ở vùng thuần nông, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy Trần Vĩnh Tường – Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành, điều cần thay đổi chính là nhận thức về hướng nghiệp cho học sinh sau lớp 9. Học nghề không có nghĩa là các em không có cơ hội phấn đấu. Đây là con đường giúp các em có thể phát triển bản thân ở lĩnh vực nghề nghiệp và sớm đi làm có thu nhập. Bên cạnh đó, xu hướng xuất khẩu lao động trên địa phương ngày càng tăng, trước khi ra nước ngoài lao động, các em nên học và có chuyên môn về một nghề nghiệp nhất định.

Ngoài ra, nhà trường còn quan tâm đến đối tượng học sinh năng khiếu. "Một HS của trường có năng khiếu bóng chuyền, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi định hướng cho em theo học tại trường thể thao tỉnh. Còn em khác từng đạt giải cao môn Cầu lông, học lực khá nên thầy cô hướng em thi vào trường THPT công lập và có thể phát triển thêm năng khiếu tại đó", ông Tường nói.

Chủ trương phân luồng hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT được Nghệ An đẩy mạnh và có kết quả rõ rét. Những năm gần đây, Nghệ An có khoảng 20 – 25% học sinh sau THCS phân luồng vào các Trung tâm GDTX hoặc các trường ngoài công lập, học nghề. Tỷ lệ này ở các huyện miền núi thường cao hơn. Trường THCS Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) năm học này có hơn 100 học sinh lớp 9, nhưng qua khảo sát có đến 50% không đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. 

Thầy Trần Đức Dương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lượng Minh cho biết: Học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc học hết THCS là nỗ lực lớn đối với các em. Nắm bắt tâm lý đó, nhà trường định hướng các em học nghề tại trường trong tỉnh. Vì tại đó, không chỉ được hỗ trợ chính sách miễn học phí, học viên được giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tránh "chín ép"

Vi Văn Ngọc (SN 2003), học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An (đóng tại huyện Đô Lương), sau khi học xong lớp 9 tại Trường THCS Dũng Hợp (huyện Tân Kỳ) chọn học nghề. "Bố mẹ ở nhà làm nông nghiệp, em học lực bình thường nên chọn học nghề để sớm đi làm phụ giúp gia đình. Hiện em đang học năm cuối nghề hàn, vừa rồi đi thực tập tại Hải Phòng em đã có lương rồi", nam sinh phấn khởi nói.

Học nghề sớm đem lại thuận lợi trong việc nâng cao kỹ năng tay nghề, có việc làm, thu nhập. Nhưng thực tế triển khai tại Nghệ An cũng cho thấy một số bất cập. Đơn cử, học sinh lớp 9, sau hai năm học nghề sẽ có bằng trung cấp và đủ điều kiện lao động. Tuy nhiên, lúc này các em mới 17 tuổi nếu xét theo độ tuổi lao động lại chưa phù hợp. Ông Trần Đình Trung – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An chia sẻ: "Do học sinh tốt nghiệp khi chưa đủ 18 tuổi nên nhiều khu công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài từ chối tuyển dụng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này nhiều lần tại hội nghị nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ...".

Trong khi đó, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) thông tin: Chưa năm nào số lượng học sinh lớp 9 đăng ký vào lớp 10 của huyện đạt chỉ tiêu. Nhiều em không vào THPT cũng không đi học nghề. Qua tìm hiểu, học sinh ở các huyện miền núi không thích học nghề bởi tâm lý, tập quán sống dựa vào tự nhiên, thích đi làm kiếm tiền ngay. "Điều này rất đáng lo bởi lúc này sức khỏe, tâm lý các em chưa phát triển toàn diện. Trong khi đó, lao động phổ thông lương thấp và khó có khả năng phát triển nếu không học nghề bài bản. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải triển khai sớm để định hướng các em học nghề, để đi làm nuôi sống bản thân, gia đình từ nghề của mình", ông Phan Văn Thiết thông tin.

Một bất cập khác, một số trường THCS vì chỉ tiêu phân luồng và xếp hạng thành tích nên đã hướng học sinh học lực trung bình, yếu vào phân luồng, học nghề. Điều đó, vừa tạo cho trò sự mặc cảm vừa gây áp lực khi học nghề. Điển hình như TP Vinh, các trường vùng ven, ngoại thành khó khăn lại có kết quả tuyển sinh vào lớp 10 cao hơn trường trung tâm. Nhiều giáo viên lý giải do học sinh yếu được vận động không tham gia dự thi. Những thí sinh còn lại đều có học lực khá giỏi nên điểm tuyển sinh của các trường này cao. Điều này trái với mục tiêu phân luồng cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các em.

Chủ trương phân luồng sau THCS là đúng đắn, nhằm hướng học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện bản thân. Với những em có nhu cầu học nghề, sẽ được đào tạo sớm, đáp ứng được yêu cầu lao động ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, việc phân luồng phải thực chất, thận trọng, trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh. Nếu phát hiện trường nào không cho học sinh lớp 9 thi tuyển vào cấp THPT để phân luồng, ngành sẽ kỷ luật hiệu trưởng để đưa phân luồng về thực chất, đúng như mục tiêu đã đề ra. - Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập524
  • Hôm nay18,907
  • Tháng hiện tại297,037
  • Tổng lượt truy cập51,652,996
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944