Bước đi cần thiết định hình tương lai bền vững cho giáo dục Việt Nam

Thứ ba - 01/02/2022 20:49 194 0
GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo năm 2022 sẽ kết thúc đại dịch Covid-19 bằng nỗ lực của vắc-xin.
Bước đi cần thiết định hình tương lai bền vững cho giáo dục Việt Nam

Diễn đàn Kinh tế Thế giới, SkillsFuture Singapore dự báo nền kinh tế tương lai sẽ đi vào ổn định, phát triển dựa trên Kinh tế số, Xanh sạch và Chăm sóc. Giáo dục cũng từ đó xây dựng các kế hoạch của mình.

Tương lai bất định và Covid-19

Nghiên cứu về biến động nghề nghiệp do ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của GS Frey và GS Osborne (ĐH Oxford) năm 2013 cho thấy, 47% số công việc hiện nay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai. Sau báo cáo đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra khuyến cáo tương tự về tình trạng thay đổi sâu sắc đến việc làm trong tương lai.

Từ đó, các nhà hoạch định chính sách giáo dục cũng đưa ra một lộ trình mới dành cho giáo dục, bao gồm cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Theo các báo cáo đó, SkillsFuture của Singapore nhận định, kỹ năng học tập suốt đời của người học là quan trọng nhất trong chuỗi kỹ năng nhằm đối phó với sự bất định và thay đổi nhanh chóng. Nhiều nền giáo dục phổ thông trên thế giới, điển hình là Phần Lan, chú trọng dạy trẻ các kỹ năng thích nghi, đặc biệt tập trung vào các bộ môn về công nghệ. Hệ thống giáo dục này đưa các môn công nghệ dạy cho trẻ từ lứa tuổi mầm non.

Năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 tác động rộng lớn trên toàn cầu. Giáo dục được coi là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn nhất. Tháng 4/2020, hơn 1,2 tỷ học sinh (HS) toàn cầu không được đến trường. Toàn bộ hệ thống giáo dục buộc phải chuyển đổi hệ thống học tập qua những giải pháp công nghệ.

UNESCO ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hình thức học tập song song (dạy học đồng thời cho cả HS ngồi trong lớp học và trên hệ thống công nghệ) được triển khai rộng khắp. UNESCO gọi loại hình này là HELA (Hybrid Education Learning and Assessment - Giáo dục song hành, học tập và đánh giá) đồng thời đưa ra khuyến nghị về giảng dạy, đánh giá cần lưu ý.

Bước đi cần thiết định hình tương lai bền vững cho giáo dục Việt Nam - Ảnh minh hoạ 2
Chương trình học tập cá nhân hóa được các trường phổ thông trong Tập đoàn Giáo dục EQuest áp dụng, triển khai đồng bộ.

Ổn định và tương lai?

Theo dự báo của WHO, đại dịch có khả năng kết thúc trong năm 2022. Lạc quan hơn, Bill Gates, tỷ phú dành nhiều tiền bạc và thời gian cho những nghiên cứu về Covid-19, thậm chí nhận định đại dịch sẽ kết thúc sau mùa xuân năm 2022. Thích ứng với thực tế mới, số HS buộc phải học tại nhà là khoảng hơn 10 triệu em, giảm rất nhiều so với con số 1,2 tỷ vào thời điểm căng thẳng nhất. Có thể nói, các nhận định chung đều cho rằng, ảnh hưởng đại dịch đang dần đi qua và thế giới bước sang giai đoạn phục hồi.

Ở một diễn biến khác, SkillsFuture của Singapore đã xây dựng chương trình phát triển giáo dục và kỹ năng mới. Nếu như các kế hoạch cũ trong năm 2016 - 2021 được dựa trên việc xây dựng kỹ năng học tập suốt đời; thì từ năm 2022, Singapore đã định hình được hướng phát triển tương lai dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế số, Kinh tế xanh sạch và Kinh tế chăm sóc. Như vậy sau một thời gian bất định, các nhà hoạch định thế giới đã xác định được tương lai hướng tới và định hướng cho tương lai. Bên cạnh chuyển đổi số đang diễn ra sẽ là chuyển đổi xanh và sự phát triển các ngành nghề thuộc lĩnh vực chăm sóc, trong đó có giáo dục và y tế.

Không còn sự choáng ngợp như báo cáo của các tổ chức lớn vào năm 2008 - 2012, kinh tế số hiện rõ ràng hơn về định hướng. Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, vào năm 2022, gần 30% cơ hội việc làm mới toàn cầu sẽ là các lĩnh vực về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật máy tính và điện toán đám mây. Nền kinh tế số sẽ mang lại nhiều việc làm mới, ví dụ như các lĩnh vực Digital Marketing, E-commerce, kỹ sư phần mềm, kỹ sư mạng máy tính, lập trình ứng dụng, kỹ sư dữ liệu, phân tích dữ liệu, phân tích tuân thủ và khoa học dữ liệu. Tất cả những ngành này đã, đang và sẽ phát triển rất nhanh.

Sau kinh tế số sẽ là sự phát triển của kinh tế xanh với yêu cầu ngày càng cấp bách từ việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Những thành phần kinh tế sẽ được dịch chuyển từ các hoạt động gây thải sang các hoạt động kinh tế xanh nhằm giải quyết các bài toán: Phát triển dựa trên ít sử dụng carbon, mô hình kinh tế xanh, phát triển xanh. Sẽ có một quá trình chuyển đổi xanh với các công việc, kỹ năng liên quan đến vấn đề này.

Các kết quả nghiên cứu gần đây về thịt nhân tạo, pin nhiên liệu, xe điện đã có bước tiến vượt bậc hướng tới ứng dụng thực tiễn rộng rãi. Các công việc dự kiến tăng trưởng trong thời gian tới gồm có: Công nghệ nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, kinh doanh năng lượng, quản lý môi trường và sức khỏe, kỹ sư điện, cơ khí, điện mặt trời, quản lý bền vững.

Cuối cùng, với sự phát triển của y học và nền kinh tế, tuổi thọ con người sẽ tăng lên cùng với các nhu cầu dịch vụ gia tăng trên nhiều độ tuổi. Nền kinh tế chăm sóc sẽ phát triển mạnh mẽ; không chỉ giới hạn trong chăm sóc sức khỏe, mà còn gồm cả về cảm xúc, hạnh phúc, giáo dục sớm, giáo dục phổ thông, đào tạo và giáo dục người lớn. Dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, việc làm từ các lĩnh vực này thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nền kinh tế số và chiếm 40% việc làm mới.

Giáo dục Việt Nam trước đòi hỏi thay đổi

Trong năm 2021, HS các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, đã trải qua thời gian dài không được đến trường. HS độ tuổi 12 - 17 đang được khẩn trương tiêm chủng để sẵn sàng trở lại trường. Hầu hết các tỉnh cũng không còn quá cực đoan trong phòng chống dịch và chuyển sang trạng thái chung sống. Điển hình là Bắc Giang, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã nhanh chóng đưa giải pháp học tập song song và đưa lại hiệu quả tích cực. Đây chính là mô hình lớp học theo khuyến nghị của UNESCO nhằm bảo đảm quyền được học bình đẳng của tất cả các HS.

Năm 2022, khối học đầu tiên cấp THPT bắt đầu tiến trình thay đổi chương trình học - đây là cấp học được thay đổi mạnh mẽ, cởi mở nhất theo hướng tiếp cận với giáo dục thế giới trong ba cấp học. HS được phân hóa và tự chọn các môn học cao. Chương trình học cũng linh hoạt theo từng trường, từng HS. Các trường được quyền tổ chức học theo lịch trình phù hợp với thực tế hoạt động, năng lực của HS. Sẽ có những khó khăn khi triển khai, nhưng đó là bước đi cần thiết nhằm định hình tương lai bền vững cho giáo dục Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn, giáo dục Việt Nam cần có được cơ chế để đón đầu được xu thế kinh tế mới của thế giới. Xu thế mới cần có cách tiếp cận mới, kiến thức mới, kỹ năng mới. Bên cạnh làn sóng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sự phát triển của kinh tế chăm sóc là sự chuẩn bị về lối sống mới, ví dụ như sống số, sống xanh, sống sạch, sống thân thiện môi trường. Tất cả những chủ đề trên cần có chiến lược rõ ràng để đưa vào cho HS, sinh viên từ phổ thông, nghề nghiệp hay đại học.  

Tác giả bài viết: TS Đàm Quang Minh, Tập đoàn Giáo dục EQuest

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1351 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1049 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay1,809
  • Tháng hiện tại51,437
  • Tổng lượt truy cập49,757,202
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944