Giáo dục năm 2022: Nắm bắt xu hướng - hóa giải thách thức

Thứ ba - 01/02/2022 20:49 356 0
GD&TĐ - Năm 2021, thách thức đã trải qua là bài học quý giá cho ngành giáo dục đối diện với những khó khăn và trở ngại đang dần lộ diện.
Giáo dục năm 2022: Nắm bắt xu hướng - hóa giải thách thức

Những gì đã trải qua cũng sẽ giúp toàn ngành nắm bắt được cơ hội và xu thế mới trong năm 2022.

Xu hướng chuyển đổi số

Từ thực tiễn giáo dục năm 2021, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - rút ra một số dự báo về xu hướng chuyển đổi số trong ngành Giáo dục năm 2022. Trong đó, điều đầu tiên được nhấn mạnh là xu hướng phát triển mạnh dữ liệu, học liệu số.

TS Tôn Quang Cường cho rằng: Với những tiền đề về hạ tầng, dữ liệu số hiện nay trong giáo dục, kho học liệu số tiếp tục được phát triển tạo cơ hội truy cập, sử dụng, tái sử dụng và phát triển nội sinh theo hướng dùng chung toàn ngành, tích hợp với trục dữ liệu số quốc gia.

Hiện nay, các hệ thống quản lý học tập đã phát triển mở rộng chức năng tích hợp thêm cấu phần hỗ trợ thiết kế bài giảng số, cho phép giáo viên có thể sử dụng các công cụ phù hợp để soạn, phân phối nội dung bài giảng, thực hiện đồng bộ các hoạt động dạy học và quản lý học sinh, kết nối tương tác với cha mẹ học sinh… theo các yêu cầu về quản lý hoạt động giáo dục và dạy học trong nhà trường.

Mặt khác, học liệu số hiện nay dành cho học sinh ngày một phát triển theo hướng đa định dạng vô cùng phong phú: Sách e-book tương tác, phần mềm mô phỏng, 3D, App ứng dụng học tập, thực tế ảo, thực tế tăng cường, video tương tác 3600, định dạng tích hợp - chuyển đổi sử dụng mã QR để hiển thị…

Xu hướng mở các kênh hỗ trợ giáo dục theo cấp học, ngành học cũng được dự báo tăng trưởng trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức hỗ trợ dạy học trực tuyến. Những nền tảng, kho tích hợp học liệu số đại trà, dùng chung nói trên cũng đặt ra yêu cầu cần có một trục dữ liệu quốc gia về giáo dục xuyên suốt. Trên cơ sở đó, mỗi tỉnh thành, địa phương có thể tích hợp các phương án, giải pháp ứng dụng người dùng phù hợp với điều kiện và bối cảnh, tạo sự đa dạng trong thống nhất toàn ngành.

Xu hướng tiếp theo được TS Tôn Quang Cường đưa ra là cá nhân hóa học tập dựa trên nền tảng, công nghệ số. Sự chuyển đổi đáng ghi nhận về hình thức, nội dung, định dạng học liệu số phong phú, đa dạng (bài giảng điện tử, mô phỏng, 3D, thực tế ảo, thực tế tăng cường…) đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiếp cận dạy học cá nhân hóa, đa công cụ, đa phương thức hóa.

Các bài giảng học liệu số không chỉ tạo cơ hội tiếp cận mở, mà còn tăng khả năng tương tác cao độ, nhập vai trải nghiệm và học tập liền mạch theo nhu cầu, năng lực của cá nhân, trong môi trường học tập thực - ảo mở rộng. Việc tích hợp học liệu số đa dạng trên các nền tảng quản lý học tập sẽ đem đến cho HS trải nghiệm “mang cả lớp học về nhà”; “lớp học không thời gian và không biên giới” đến với HS, kể cả trên thiết bị di động cầm tay.

Bên cạnh đó, xu hướng cá nhân hóa học tập trên nền tảng công nghệ dẫn đến sự thay đổi về hệ hình (mô hình) học tập. Cơ hội tiếp cận “sự học” mọi lúc, mọi nơi, với bất kỳ ai, bất kỳ điều gì, với mọi loại thiết bị… giúp người học chủ động, trở thành trung tâm của việc học hơn bao giờ hết. Và cái lõi của chính trung tâm này là sự hình thành, phát triển năng lực, khả năng thích ứng giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Điều này sẽ thay đổi tuyến tính học tập, đặt “sự làm” trước “sự học” của người học (làm trước, học sau), phù hợp với những đặc điểm nổi trội của thế hệ Z và Alpha.

Cuối cùng là xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học. TS Tôn Quang Cường cho hay: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học thời gian tới sẽ phát triển theo 3 hướng chính: Phân tích học tập (dựa trên dữ liệu lớn để đưa ra các quyết định phù hợp cho dạy học thích ứng đối tượng); cá nhân hóa nội dung học tập; theo dõi, đánh giá và hỗ trợ quá trình học tập.

Nhận định này phù hợp với một số yêu cầu thực tiễn trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến và xu hướng phát triển công nghệ giáo dục thời gian qua. Các nền tảng quản lý học tập được phát triển, tích hợp công cụ trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích nhu cầu, năng lực học tập cá nhân; từ đó đưa ra những gợi ý về tiến trình, nội dung, phương pháp học tập cho HS.

Dạy học trực tuyến thời gian qua cũng đặt ra một nhiệm vụ chưa có tiền lệ cần nhanh chóng giải quyết: Làm thế nào để thực hiện công tác bảo đảm chất lượng giáo dục? Sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhận diện hành vi… sẽ được dùng trong phát triển các giải pháp triển khai kiểm tra đánh giá, thi trực tuyến, công tác giám thị, giám sát và đảm bảo chất lượng.

Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ chuỗi khối dần phổ biến trong việc quản lý, hỗ trợ mọi mặt, công nhận kết quả, thành tích học tập, chứng nhận văn bằng, chứng chỉ, lập hồ sơ tiến trình cho HS theo các giai đoạn yêu cầu. Việc gán mã định danh (ID) cho HS, tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cũng là một tiền đề thúc đẩy ứng dụng công nghệ này trong giáo dục trong thời gian không xa. 

Giáo dục năm 2022: Nắm bắt xu hướng - hóa giải thách thức - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ.

Đón đầu lối sống mới

Nhìn lại hoạt động của ngành Giáo dục trong năm 2021, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, nhận định: Đại dịch Covid-19 trở thành một “phép thử” đối với ngành Giáo dục. Toàn ngành đã nỗ lực, kiên trì bám sát mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tập trung mọi nguồn lực xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đặc biệt là nội lực của toàn ngành để xây dựng kế hoạch dạy học, phát triển giáo dục gắn với nâng cao chất lượng toàn diện, ưu tiên phát triển phẩm chất, năng lực của người học và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Đứng trước những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nhiều nơi học sinh không thể đến trường, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong truyền tải kiến thức với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học” trong khi cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) chưa đồng bộ ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, ứng dụng CNTT trong dạy học/giáo dục được triển khai mạnh mẽ, trong đó có việc dạy học trực tuyến. Sau khó khăn ban đầu, đến nay hầu hết giáo viên, học sinh đã quen với kỹ thuật dạy và học trên môi trường số. Công tác bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cũng được thực hiện trực tuyến trên hệ thống LMS. Ngành Giáo dục đã tổ chức rà soát, nâng cấp bổ sung hệ thống thiết bị CNTT, phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” kịp thời hỗ trợ học sinh vùng khó trong học trực tuyến…

Ngành Giáo dục đã biến thách thức thành thời cơ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng các hệ thống trực tuyến để quản lý trường học, thông tin toàn ngành và được cập nhật thường xuyên, đồng bộ, liên thông từ cơ sở giáo dục đến các cấp quản lý. Thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 4 hoàn toàn trực tuyến, nhiều dịch vụ số hóa thuận lợi cho học sinh, người dân khi tiếp cận với dịch vụ công của ngành Giáo dục.

Bước sang năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục Việt Nam cần phải có cơ chế đón đầu xu thế kinh tế mới của thế giới, với cách tiếp cận mới, kiến thức và kỹ năng mới. Trên quan điểm của ngành Giáo dục, ông Phạm Đăng Khoa cho hay: Trước hết cần phân tích bối cảnh kinh tế, xã hội của nước ta, cũng như các yêu cầu đặt ra đối với GDPT, giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, xây dựng lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn để định hướng, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa vào giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh.

Đối với lối sống mới, như sống số, sống xanh, sống sạch, sống thân thiện môi trường, ngành Giáo dục cần tổ chức tuyên truyền về công tác chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của toàn ngành để tiếp cận và từ đó vận dụng cho đơn vị, cá nhân. Xây dựng, đổi mới chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hướng đến các mục tiêu sống xanh, sống sạch, sống thân thiện môi trường với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực với cuộc sống.

Giáo dục năm 2022: Nắm bắt xu hướng - hóa giải thách thức - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Thay đổi tư duy quản lý, phương pháp dạy học

Năm 2021 là năm nhiều thử thách đối với ngành Giáo dục. Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều nhiệm vụ quan trọng; vừa triển khai Luật Giáo dục 2019, vừa triển khai các hoạt động để thực hiện Chương trình GDPT đối với lớp 1, 2, 6 trong bối cảnh mọi hoạt động của ngành phải chuyển sang phương thức trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Do đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ để thực hiện Chương trình GDPT mới gặp không ít khó khăn. Đầu tư cơ sở  vật chất, trang thiết bị dạy học ở hầu hết các địa phương khó thực hiện theo kế hoạch do kinh phí phải ưu tiên cho phòng chống dịch. Hạ tầng CNTT chưa đáp ứng tốt yêu cầu dạy học trực tuyến. Học sinh nhiều vùng miền vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ với học trực tuyến.

Tuy nhiên, bằng cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, sự chia sẻ của cha mẹ học sinh, ngành Giáo dục đã thích ứng linh hoạt; thực hiện kịp thời hầu hết nhiệm vụ của năm học; đặc biệt là thích ứng nhanh với phương thức dạy học trực tuyến, tạo bước chuyển mạnh mẽ về ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiều thầy cô không ngại hiểm nguy đi vào tâm dịch hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Những nghĩa cử cao đẹp đó được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đội ngũ thầy cô giáo, cùng toàn thể học viên, sinh viên đã đồng hành và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành, cả nước.

Với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục, nhất là các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị học tập. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi số mạnh mẽ vừa qua cũng mở ra cơ hội cho ngành thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị nhà trường, phương pháp dạy học; mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận kiến thức với cách thức làm việc khoa học, hiện đại.

GD-ĐT là quốc sách và khoa học công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh cần tiếp tục tích cực đổi mới toàn diện để thực hiện tốt nhất Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), Luật Giáo dục 2019. Tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Phát huy tinh thần tự chủ, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Chính phủ cần tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực mạnh mẽ hơn để ngành Giáo dục đóng góp nhiều hơn, thực chất hơn cho sự phát triển chung của đất nước. “Tôi mong và tin tưởng rằng, ngành Giáo dục sẽ có giải pháp để biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực để đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho hay.

“Có thể nhận định, năm 2022 sẽ là giai đoạn bản lề để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Cùng với những thể chế và hành lang pháp lý đã được xác lập, với tốc độ và quy mô phát triển công nghệ giáo dục hiện nay, cho dù có thể còn phải đối mặt với những trở ngại do Covid-19, các xu hướng nêu trên sẽ tạo ra tiền đề thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia số của Việt Nam” – TS Tôn Quang Cường nhận định.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập796
  • Hôm nay56,962
  • Tháng hiện tại335,092
  • Tổng lượt truy cập51,691,051
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944