Giảm tải đề thi tốt hơn cắt bỏ
Cô Võ Thị Thúy Quyên – giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thái Hòa (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho rằng: Không nên cắt bỏ bài thi tổ hợp ở Kỳ thi THPT quốc gia 2020. Bởi ngay từ đầu năm học, thầy – trò đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt vũ môn. Vì thế, việc dạy – học đã được chú trọng và lưu tâm hơn. Hơn nữa, nếu cắt bỏ bài thi tổ hợp nào đó, chắc chắn sẽ có những xáo trộn về tâm lý của giáo viên, đó là chưa kể đến những tác động xã hội không đáng có.
“Học sinh nghỉ học tạm thời nhưng giáo viên chúng tôi vẫn sát sao việc học tập của các em bằng việc giao bài tập ôn luyện theo chủ đề. Các chủ đề được thiết kế theo định hướng của Kỳ thi THPT quốc gia. Vì thế không lo học sinh bị hổng kiến thức” – cô Quyên cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng nhất định đối với ngành Giáo dục. Tuy nhiên, không vì thế mà cắt bỏ. Vấn đề là cần có giải pháp để ứng phó. “Do việc dạy – học năm nay diễn ra trong hoàn cảnh “đặc biệt”, vì thế Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu giảm độ khó trong đề thi. Chẳng hạn, giảm bớt các câu hỏi ở mức vận dụng cao chỉ nên tập trung vào kiến thức của lớp 12” – cô Quyên đề xuất.
Đồng quan điểm, cô Trần Thanh Thủy – GV môn Vật lý, Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) đề nghị: Không nên có thay đổi để tránh gây tâm lý hoang mang cho học sinh. Ngoài các môn thi bắt buộc: Toán – Văn – Tiếng Anh, vẫn phải có 2 bài thi tổ hợp như năm 2019. Tuy nhiên, mức độ khó của đề thi có thể giảm nhưng vẫn phải đảm bảo tính phân hóa của đề thi.
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Sỹ Điền |
Nên giảm độ khó của đề thi
Theo thầy Hà Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường đã đẩy mạnh dạy – học trực tuyến; trong đó đặc biệt quan tâm đến học sinh khối 12.
Do đa số trường ĐH đều sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Từ thực tế này, cô Ngô Thị Quyên – Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (TP Thái Nguyên) cho rằng: Theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp.
“Với mục đích “2 trong 1” của kỳ thi, nếu chúng ta cắt/giảm hoặc bỏ một bài thi nào đó đều có tác động đến thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học, mà trực tiếp là công tác tuyển sinh của các trường. Chẳng hạn, các trường kỹ thuật, họ cần tuyển sinh theo tổ hợp Toán – Lý – Hóa. Nếu kỳ thi bỏ bài thi môn Hóa học hoặc Vật lý, họ sẽ mất đi “thang đo” quan trọng để xét tuyển” – cô Quyên dẫn giải.
Trong bối cảnh vừa dạy học, vừa chống dịch Covid–19 như hiện nay, cô Quyên đề xuất: Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn để các trường định hướng dạy – học cho phù hợp. Đặc biệt, Bộ sớm xây dựng và công bố đề minh họa cho Kỳ thi THPT quốc gia năm nay để thầy – trò chủ động hơn trong dạy học và ôn tập.