Chuẩn Hiệu trưởng: An phận vì lo mất ghế?

Chủ nhật - 24/11/2019 19:46 421 0

Chuẩn Hiệu trưởng: An phận vì lo mất ghế?

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, không ít hiệu trưởng lãnh đạo nhà trường theo lối mòn “trên bảo sao - dưới làm vậy”, còn chỉ đạo chuyên môn thì giao hết cho hiệu phó. Là thuyền trưởng, lèo lái con thuyền giáo dục thời “đổi mới căn bản, toàn diện” - nhưng họ lại khá an phận, ngại thay đổi vì sợ mất ghế…

Xa rời chuyên môn sẽ thất bại

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM từng nhận định: Hiệu trưởng không chỉ là cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), mà còn là nhà sư phạm - nhà chuyên môn giỏi. Đây là vai trò kép hiệu trưởng phải có. Hiệu trưởng phải đặc biệt gương mẫu, chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình, dũng cảm đương đầu trước thách thức nặng nề của thời đổi mới và hội nhập toàn cầu hiện nay.

Bộ GD&ĐT đã ban hành “Chuẩn Hiệu trưởng…” và “Điều lệ trường…” (ở các cấp học - bậc học khác nhau). Cả hai văn bản này đều nhấn mạnh vai trò kép, buộc hiệu trưởng phải có.

Tuy nhiên, có dư luận cho rằng, trực tiếp đứng lớp giảng dạy các môn văn hóa đã có các giáo viên (GV) đảm nhiệm. Hiệu trưởng nên dốc sức lo tầm “vĩ mô” là nhà QLGD, là người lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của nhà trường.

Để khắc phục quan niệm phiến diện này, Bộ GD&ĐT đã có quy định, tùy theo cấp học - tùy theo mô hình trường và quy mô trường học, buộc hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp giảng dạy… Và đã dạy học, đương nhiên hiệu trưởng cũng phải chấp hành tốt quy chế chuyên môn, dạy phải bảo đảm chất lượng tốt, để làm gương cho cả hội đồng sư phạm nhà trường…

Thuận lợi lớn cho toàn ngành GD-ĐT là lâu nay hầu hết các vị đứng đầu trường đều xuất thân từ GV dạy giỏi, có uy tín chuyên môn cao, có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm và say mê với bục giảng.

Một trong những điều đáng lo nhất với một số vị hiệu trưởng hiện nay là do làm hiệu trưởng nhiều năm, trực tiếp đứng lớp với số tiết ít ỏi, dốc hết sức lực - tâm huyết - trí tuệ cho trọng trách QLGD, nên họ không còn đủ điều kiện để thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên môn.

Vì vậy, nhiều hiệu trưởng đành giao phó cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn - thay mặt hiệu trưởng chỉ đạo, điều hành hoạt động trọng tâm này của nhà trường.

Nguy cơ là ở chỗ đó. Theo quy định, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính về chất lượng dạy học - cũng như chất lượng GD toàn diện của nhà trường trước lãnh đạo cấp trên, trước toàn thể cha mẹ học sinh và xã hội.

Chẳng may, vị phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn chỉ đạo không đúng, hoặc để chất lượng dạy học đi xuống, hoặc lấn quyền hiệu trưởng, hoặc không đủ thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn… thì hiệu trưởng sẽ xử lý sao đây?

Mọi việc sẽ càng trầm trọng hơn! Vì bản thân xa rời bục giảng đã lâu, nên hiệu trưởng không đủ năng lực đào sâu, cập nhật, đổi mới về chuyên môn, do đó người đứng đầu trường đổ hết lỗi cho cấp dưới… Nhà trường như vậy sẽ nát. Chiếc ghế hiệu trưởng sớm hay muộn sẽ bị thay thế.

Chuẩn Hiệu trưởng: An phận vì lo mất ghế? - Ảnh minh hoạ 2
 Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Cảnh - Trường THCS Quang Tiến, TX Thái Hòa, Nghệ An trong tiết sinh hoạt với học trò. Ảnh: Lê Yên

Lãnh đạo giỏi hay quản lý giỏi?

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: “Không ít người nhận xét GV chúng ta ngày nay không bằng ngày xưa, ít quan tâm đến việc học tập rèn luyện và không tâm huyết với nghề. Theo tôi không hẳn như vậy. Nó sẽ không đúng, nếu mỗi nhà trường chúng ta có những CBQLGD tâm huyết, trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý với nghề”.

Nhất trí quan điểm này, NGƯT.TS Ninh Văn Bình - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận (TPHCM) nhấn mạnh: Hiệu trưởng giỏi phải kết hợp tốt giữa 2 vai trò: Phải là nhà lãnh đạo sáng suốt - đồng thời là nhà QLGD tài ba.

 Hiệu trưởng không đơn thuần chỉ là nhà QLGD, mà đầu tiên là nhà GD, vận dụng nhuần nhuyễn cả khoa học GD với khoa học QL. 
NGND.GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Hà Nội

Lãnh đạo là nói đến “tầm nhìn”, là định hướng phát triển toàn diện của nhà trường ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với sự phát triển chung của thời đại...

Quản lý nhà trường giỏi là phải điều hành tốt các hoạt động chủ yếu của nhà trường như nhân sự, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm - nghiên cứu khoa học - hợp tác quốc tế; Quản lý sinh hoạt GV chủ nhiệm; tài chính - tài sản; các hoạt động ngoài giờ lên lớp; hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh… QLGD tài ba là biết chọn đúng người - giao đúng việc; kịp thời khen thưởng biểu dương người tốt - việc tốt; giám sát - kiểm tra uốn nắn các sai phạm…

Người đứng đầu trường là thủ lĩnh của hội đồng sư phạm nhà trường

Muốn làm tốt sứ mệnh cao cả này, hiệu trưởng phải biết khích lệ, truyền lửa cho các nhà giáo để mọi người hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cái tâm trong sáng, chính trực; phong cách lãnh đạo - quản lý năng động, thấu lý - đạt tình, gương mẫu, công tâm trong mọi lời nói hành động; đặc biệt phải say mê chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Chân dung hiệu trưởng thời đổi mới có thể khái quát như vậy…

Trước những hiện tượng bạo lực học đường đang diễn ra, TS Lê Đức Ánh - Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Quốc tế TIS TPHCM tỏ ra hết sức lo lắng. Ông trăn trở: “Mục tiêu các nhà trường của ta là xây dựng trường học thân thiện - hạnh phúc, nhưng ít nhiều nó đang bị mờ nhạt đi, do nhiều áp lực của lối sống sùng bái văn hóa tiêu dùng. Thêm vào đó là những áp lực của “bệnh thành tích” (điểm số, thi cử, các danh hiệu thi đua) đang đè nặng lên các trường học không tha một ai.

Do đó, nhà trường, cha mẹ học sinh ít nhiều đã làm sao nhãng CON NGƯỜI trong mỗi đứa trẻ. Ta quên đi tư tưởng thông thái cổ xưa: GD là khơi dậy, vun xới những gì vốn có của trẻ em, để nó trở thành chính nó. Đổi mới GD là làm sao trẻ em phát lộ những mầm mống tạo hóa đã ban cho các em.

Nhà sư phạm lỗi lạc người Nga Commenxki từng nhấn mạnh: “Dưới ánh nắng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát biểu: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý; là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Đây chắc chắn cũng là sự tôn vinh với các vị hiệu trưởng - đơn giản vì họ cũng là nhà giáo.

Tác giả bài viết: Đinh Lê Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập638
  • Hôm nay21,287
  • Tháng hiện tại299,417
  • Tổng lượt truy cập51,655,376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944