Nỗi niềm của cậu học sinh nghèo huyện Cầu Ngang
Qua nhiều lần tổ chức trại hè Đại sứ Hàng Việt tí hon, Trà Vinh luôn là địa phương để lại nhiều nỗi niềm cho đoàn phúc tra. Trong chuyến thăm huyện Cầu Ngang, đoàn đến gia đình em Thạch Chane Sô Phone đúng lúc em cùng em trai đang cắt cỏ cho bò ăn.
Trong ngôi nhà tranh đơn sơ, chị Kiên Thị Thi Ni, mẹ của Sô Phone, nghẹn ngào chia sẻ: “Gia đình khó khăn, nên khi Sô Phone đi cắt cỏ, bị đạp phải đinh, nhưng cũng để vậy chứ không có tiền chích ngừa. Việc học của em thì tới đâu hay tới đó, không có suy nghĩ cho việc học ra sao.”
Sô Phone còn có một em trai 10 tuổi bị bệnh đau mắt nhưng không có tiền điều trị. Khi em lên 7-8 tuổi, gia đình đã đưa lên Sài Gòn khám và mổ, nhưng giờ em không nhìn được. Dưới mái nhà lá dột nát, hai anh em tự nấu cơm, chăm sóc nhau và nuôi hai con bò, hy vọng có thể giúp mẹ đỡ gánh nặng phần nào.
Sô Phone tâm sự rằng mình không có ký ức gì về cha, cũng không nghe mẹ nhắc và cũng không hỏi vì sợ mẹ buồn. Em luôn ao ước có thể giúp mẹ nhiều hơn, nhưng điều kiện hiện tại khiến em chỉ biết cúi đầu cam chịu. Dù vậy, niềm vui nhỏ bé với cả nhà là mới đây, thầy cô trong trường đã xin cho em một chiếc xe đạp để đi học dễ dàng hơn.
Mỗi ngày, Sô Phone vẫn kiên trì bước tiếp, không chỉ để mưu sinh mà còn để nuôi dưỡng những ước mơ giản dị nhưng đầy quyết tâm, như tia sáng hi vọng le lói trong cuộc sống nhiều khó khăn của mình. Câu chuyện của em không chỉ là một minh chứng cho nghị lực sống mạnh mẽ, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về sự sẻ chia và tình người trong cộng đồng.
Đoàn phúc tra tiếp tục hành trình đến gia đình em Thạch Bảo Tuấn, học sinh lớp 8 tại trường THCS Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang. Gia đình Tuấn có bốn người, sống nhờ vào công việc làm mướn của cha. Hoàn cảnh của gia đình em thật éo le: Em út bị teo cơ bẩm sinh, em gái bị chấn thương não do té ngã khi còn nhỏ. Dù đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tình trạng sức khỏe của các em vẫn không có nhiều cải thiện.
Gia đình Bảo Tuấn được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà tình thương vào năm 2015, nhưng cuộc sống vẫn đầy khó khăn. Ngoài giờ học, Bảo Tuấn còn phải đi cắt cỏ, nấu cơm và chăm sóc các em. Em chia sẻ với đôi mắt sáng lên niềm hy vọng: “Mong muốn của con là học hết lớp 12, cố gắng để học nghề y – làm bác sĩ để chăm sóc hai em. Nhiều lúc con buồn vì em con không được như những đứa trẻ bình thường khác.”
Tại huyện Cầu Ngang, Bí thư huyện ủy Thạch Thị Thu Hà đánh giá cao tinh thần hiếu học của trẻ nghèo và cách tổ chức trại hè Đại sứ Hàng Việt tí hon như một nguồn động viên, an ủi to lớn đối với các em. Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn về nghĩa cử cao đẹp này.
Thầy Trịnh Chí Hiếu, Phòng GD&ĐT huyện Cầu Ngang, đi cùng đoàn phúc tra, chia sẻ: “Tham gia công tác Đoàn, Đội nhiều năm, tôi thấy nơi đây có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Đặc biệt, dù khó khăn, nhiều em vẫn nỗ lực vượt khó. Chúng tôi luôn động viên các em học tập để có tương lai tươi sáng hơn.”
Thầy Hiếu còn cho biết thêm, ở Trà Vinh, nhiều trại sinh phải đi bộ qua những cây cầu khỉ hay băng qua những cánh đồng mênh mông để đến trường. “Những khó khăn ấy càng làm rõ hơn sự kiên trì và quyết tâm của các em học sinh trong việc chinh phục con chữ, mở ra một tương lai đầy hy vọng”, thầy Hiếu nói.
Ước mơ của cậu học trò lượm ve chai
Hàng ngày, em Nguyễn Thanh Quân ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vẫn đều đặn đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng mà cha em đã sửa lại từ những mảnh ve chai nhặt được. Ngôi nhà của Quân do nhà hảo tâm xây tặng cách đây một năm, dù vậy cũng đã bắt đầu xuống cấp.
Ba của Quân là thợ sửa đồ điện trong xóm, ai kêu gì ông cũng làm để kiếm tiền nuôi gia đình.
Chỉ tay về phía những món đồ trong nhà, Quân chia sẻ: “Mấy cái bóng đèn này là cha và con đi gom ve chai về, cái nào còn xài được thì sửa lại xài”. Ngôi nhà nhỏ chưa đầy 15m2, chất đầy những món đồ ve chai mà hai cha con gom về, cũng là nơi học tập và nghỉ ngơi của hai cha con mỗi tối. Đây chính là nơi ươm mầm cho những ước mơ tương lai của Quân.
Khi nghe con trai báo rằng sẽ được tham gia chương trình Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon năm nay, anh Cao Thanh Tùng, cha của Quân, xúc động nói: “Nghe con nói là cha ơi cho con đi trại hè cho biết với người ta nghen cha. Nhà nghèo, nó muốn làm thầy giáo, tui lo tới đâu hay tới đó. Có dịp hiểu biết bên ngoài thiệt tình tui chưa từng nghĩ tới”.
Ở Hậu Giang, gia đình chị Lưu Kim Sang, mẹ của em Huỳnh Quế Trân, sống bằng nghề làm cỏ khóm và đắp sình non tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh. Gia đình không có vườn, chị Kim Sang và chồng sống bằng những công việc thuê mướn, mỗi ngày kiếm được 100.000 – 200.000 đồng nuôi hai con gái ăn học. Khi biết tin con được chọn tham gia trại hè, chị Kim Sang mừng rỡ nói: “Mừng lắm, vợ chồng tui làm sao có tiền để đưa cháu đi đây đi đó được”.
Tại tỉnh Kiên Giang, đoàn phúc tra phải vượt qua những con đường trơn trượt, lội sình do mưa để thăm nhà em Trần Nguyễn Hải Minh, học sinh trường TH&THCS Vàm Rầy, huyện Hòn Đất. Gia đình Hải Minh vừa trải qua cơn giông, khiến nhà bị tốc mái, sập đổ, hiện chưa có tiền sửa chữa.
Hải Minh chia sẻ rằng xã đang vận động quyên góp tiền để giúp gia đình. Cha em đi làm mướn, mẹ phụ bán căn-tin ở trường, tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Hải Minh chưa biết trại hè như thế nào nhưng em rất háo hức, chờ đợi để được tham gia.
Chương trình Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon lần thứ 13 năm 2024 chính thức diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 6 – 9/8, tại TPHCM.
Trong 4 ngày tại TP.HCM, 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực trong học tập được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, và chơi nhiều trò chơi thú vị, bổ ích tại các địa điểm nổi tiếng tại TPHCM như: Tham quan TTTM Gigamall; Tham quan & chơi trò chơi “Công viên khủng long” và “Công viên ánh sáng” tại Gigamall; Tham quan Công viên Văn hóa Đầm Sen, Đi Nhà Hát Phương Nam và xem xiếc tại công viên Gia Định; Tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh,... bên cạnh đó, tại mỗi nơi các em đến, các em sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, nổi tiếng...
Tác giả bài viết: Quốc Hải
Ý kiến bạn đọc