Đây là động lực để giáo viên, nhà trường chuẩn bị chu đáo hơn với môn học này khi bước vào năm học mới.
Bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT, cô Đào Cẩm Vân - Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 11, TPHCM) đã có những chuẩn bị để tổ chức dạy học, giúp học sinh vững kiến thức, tự tin lựa chọn Công nghệ là môn thi và thi đạt kết quả tốt.
Theo đó, cô nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, sách giáo khoa, học liệu bổ trợ để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp. Các tài liệu này không chỉ bao gồm lý thuyết mà còn có nhiều bài tập thực hành và đề thi thử để học sinh luyện tập. Đồng thời, quan tâm tư vấn học sinh về các ngành nghề liên quan đến Công nghệ, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai; giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn về tầm quan trọng của môn học và có động lực học tập tốt hơn.
“Tôi thường xuyên khích lệ, động viên học sinh tự tin vào khả năng của mình và tổ chức các buổi thi thử, đánh giá để các em có thể tự kiểm tra mức độ tiến bộ. Điều thuận lợi là Sở GD&ĐT TPHCM đang tăng cường đầu tư vào giáo dục STEM, không chỉ ở THPT mà các cấp học thấp hơn để học sinh có thể tiếp cận sớm với kiến thức, kỹ năng cần thiết”, cô Đào Cẩm Vân chia sẻ.
Là giáo viên dạy Công nghệ Trường THPT Tương Dương 2, Nghệ An, cô Dương Thị Thương chuẩn bị cho việc giảng dạy tốt môn học bằng nghiên cứu kỹ chương trình, lên phương án tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh, xây dựng kho học liệu chất lượng phục vụ tổ chức dạy học, ôn tập. Để nâng cao chất lượng dạy học, cô Thương cho rằng, các trường nên tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, bố trí dạy học, ôn tập với môn học này phù hợp.
Tại Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Hân thông tin, từ học kỳ II năm học 2023 - 2024, nhà trường tiến hành khảo sát lựa chọn môn của học sinh chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; sớm chuẩn bị để lựa chọn, phân công giáo viên giảng dạy, ôn tập phù hợp để học sinh được tạo điều kiện bảo đảm kiến thức, tự tin với môn học mình lựa chọn.
Nhà trường tiếp tục phân tích, định hướng và khảo sát sự lựa chọn môn thi tốt nghiệp của học sinh để có kế hoạch cụ thể triển khai đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh, nhất là trường hợp liên quan đến các môn thi mới như Công nghệ, Tin học.
Tuy nhiên, thầy Trần Văn Hân cũng lường trước một số khó khăn như: Số lượng học sinh lựa chọn thi môn Công nghệ, Tin học ít hơn nhiều so với các môn khác nên khó xếp lớp ôn tập. Giáo viên chưa có sự chuẩn bị tốt nhất, kinh nghiệm tổ chức ôn tập theo định hướng thi tốt nghiệp.
Thầy cô phải chuyển trạng thái từ hoàn thành chương trình như trước đây sang định hướng ôn tập thi tốt nghiệp và bảo đảm yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 với cấu trúc đề thi mới. “Nhà trường sẽ chủ động xây dựng và sớm triển khai kế hoạch ôn tập các môn học này, làm rõ trách nhiệm của giáo viên bộ môn để đảm bảo chất lượng ôn tập”, thầy Trần Văn Hân cho hay.
Trường THPT Võ Văn Kiệt, Vĩnh Long đã có những chuẩn bị cho việc Tin học, Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diễm Trang, với môn Tin học, nhà trường xây dựng chương trình, lập kế hoạch giảng dạy chi tiết cho từng học kỳ, tháng, tuần và xác định rõ các nội dung trọng tâm, kỹ năng cần thiết cho kỳ thi.
Giáo viên sử dụng phương pháp dạy học hiện đại, như học qua dự án, thực hành để tăng tính thực tiễn, sự hứng thú của học sinh; tích hợp công nghệ, phần mềm giáo dục làm phong phú bài giảng. Đồng thời, tổ chức các buổi ôn tập, kiểm tra định kỳ, cung cấp tài liệu ôn tập, đề thi mẫu để học sinh nắm vững kiến thức, luyện tập, làm quen với dạng đề thi.
Nhà trường đồng thời định hướng học sinh thực sự có tố chất, phù hợp đăng ký thi môn Công nghệ thông qua các câu lạc bộ, nhóm học tập về công nghệ; tổ chức các cuộc thi, hội thảo để học sinh trải nghiệm, khám phá khả năng của mình; tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Võ Văn Kiệt là trường THPT duy nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long có phòng không gian sáng chế, đây là thuận lợi lớn để dạy học hiệu quả môn Công nghệ và Tin học.
Ngoài ra, nhà trường quan tâm công tác hướng nghiệp, tư vấn học sinh về lợi ích việc chọn môn Tin học, Công nghệ và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này; mời chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, cô Diễm Trang bày tỏ băn khoăn khi cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phục vụ dạy học Tin học còn thiếu; số lượng máy tính hạn chế, cấu hình máy không đủ đáp ứng yêu cầu học tập và thi cử. Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt mong muốn được đầu tư thêm trang thiết bị, nâng cấp phòng máy tính; tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo cho giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy. Đặc biệt, mong các trường đại học đưa môn Tin học vào tổ hợp xét tuyển để tăng tính cạnh tranh và cơ hội cho học sinh.
Cùng mong muốn này, thầy Trần Văn Hân đề nghị các trường đại học tăng cường thông tin về tổ hợp xét tuyển liên quan đến đến môn Công nghệ, Tin học; giúp người học, cha mẹ học sinh yên tâm hơn khi lựa chọn và định hướng nghề nghiệp tương lai. Việc có đủ thông tin giúp học sinh không đánh mất cơ hội lựa chọn ngành học yêu thích, phù hợp năng lực và tránh chỉ tập trung vào các tổ hợp truyền thống, quen thuộc.
“Tôi mong các trường đại học sẽ cân nhắc và đưa môn Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển, vì đây là môn học mang tính ứng dụng cao và phản ánh xu hướng phát triển nền kinh tế hiện đại”. Bày tỏ điều này, cô Đào Cẩm Vân đồng thời hy vọng giáo viên Công nghệ sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn, có nhiều cơ hội tham gia khóa học nâng cao trình độ và hoạt động chuyên môn. Học sinh được trang bị đầy đủ điều kiện học tập, thực hành, từ đó có thể phát triển tốt nhất khả năng.
Năm 2025, lần đầu tiên Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT. Đây là môn thể hiện rõ nhất giáo dục STEM, phù hợp với xu hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện chưa hoặc có ít trường đại học sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Công nghệ. Đây là khó khăn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của học sinh, cũng là trăn trở của giáo viên giảng dạy môn Công nghệ.
Để học sinh mạnh dạn lựa chọn môn này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học cần có thêm nhiều tổ hợp xét tuyển có môn Công nghệ, đặc biệt ở các khối ngành kỹ thuật. - Thầy Trang Minh Thiên (Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Cần Thơ)
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc