Ưu tiên cho ngành Giáo dục
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện các quan điểm “Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường học theo tiêu chí chất lượng cao, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn.
Cụ thể như, Dự án công trình Trường Tiểu học Hạ Long 1 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) được đầu tư theo mô hình trường chất lượng cao, là điểm nhấn trong phát triển đô thị của địa phương.
Trường được thiết kế với 4 khối nhà cao 3 tầng, trên 20 phòng học, các công trình phụ trợ, tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Đến giữa tháng 7/2024, ngôi trường khang trang, hiện đại đang trong công đoạn chỉnh trang cuối cùng, phấn đấu đón học sinh dịp khai giảng năm học mới.
Cô giáo Đỗ Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường rất vui mừng khi được tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện dạy và học trong ngôi trường mới hiện đại. Qua đó đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh trên địa bàn”.
Dự án xây dựng, nâng cấp Trường THPT Trần Phú được UBND TP Móng Cái phê duyệt tháng 7/2022, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng. Công trình đang đẩy nhanh tiến độ những hạng mục cuối cùng, phấn đấu hoàn thành đầu tháng 9/2024.
Cô giáo Đoàn Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thầy và trò nhà trường mong từng ngày vào trường mới. Chúng tôi sẽ giữ gìn, phát huy cơ sở vật chất được trang bị mới để nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo các yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho giáo dục
Thời gian qua, Sở GD&ĐT tích cực tham mưu, phối hợp tham mưu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Đáng chú ý, Sở phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất, ưu tiên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, đảm bảo đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục triển khai “Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025”.
Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã đầu tư cho giáo dục trên 1.400 tỷ đồng. Các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đầu tư xây mới, bổ sung các phòng học, phòng chức năng cho 4 trường, kinh phí hơn 685 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện. Trong đó đầu tư xây dựng 3 trường chất lượng cao (các trường có cấp THPT: Quảng La, Ngô Quyền, Ba Chẽ).
Các đơn vị thuộc UBND đầu tư xây mới, bổ sung các phòng học, phòng chức năng cho 30 trường, kinh phí hơn 552 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, trong đó đầu tư xây dựng được 4 trường chất lượng cao là các Trường Tiểu học: Đông Ngũ (Tiên Yên), Hạ Long (Vân Đồn), Đồng Tiến (Cô Tô), Trường THCS thị trấn Ba Chẽ.
Riêng năm học 2023-2024, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT bảo dưỡng, sửa chữa 6 công trình, kinh phí hơn 9 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh.
Các đơn vị thuộc UBND cấp huyện bảo dưỡng, sửa chữa 206 công trình, kinh phí hơn 200 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp huyện.
Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 90,5%, trong đó có 4/13 địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100% (Ba Chẽ, Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu); dự kiến hết năm 2024 đạt 91% trở lên.
Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục tham mưu chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo lộ trình thực hiện chương trình GDPT 2018.
Ý kiến bạn đọc