Đặc biệt, năm 2024 hai địa phương trở thành đầu tàu trong hành trình đoạt Vàng Olympic quốc tế cho đoàn Việt Nam với 4 Huy chương Vàng (2 Olympic Vật lí và 2 Olympic Hóa học).
Lần đầu tiên sau gần 30 năm tái lập tỉnh Bắc Giang (1/1/1997), tách ra từ tỉnh Hà Bắc, tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2024, cả 3 học sinh Bắc Giang dự thi đều đoạt Huy chương Vàng. Những tấm huy chương đã đem về vinh quang cho quê hương, đất nước và niềm tự hào cho vị thế đoàn Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Mở đầu những tấm Huy chương Vàng đó là đôi bạn Thân Thế Công và Trương Phi Hùng, lớp 12 chuyên Vật lí Trường THPT chuyên Bắc Giang.
“Giây phút em biết nằm trong top 8% thí sinh cao điểm nhất, lại được đứng cùng người bạn đồng hành từ ngày đầu vào cấp 3 (Thân Thế Công - PV), cảm xúc của em vỡ òa. Em hét lớn vì những vất vả, khó khăn đến ngày hái trái ngọt...”, Trương Phi Hùng, học sinh giành Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế (IPhO) 2024 nhớ lại.
Dù có nền tảng toán học tốt để bổ trợ cho vật lí, song Hùng vẫn lo lắng với bài thi lý thuyết và thực hành. Em tự nhận thấy, thời gian làm bài lên tới 5 tiếng đồng hồ thực sự thử thách giới hạn bản thân và đòi hỏi nhiều thao tác, bước làm chuẩn chỉ. Sai sẽ không có cơ hội làm lại. Xác định tâm lý học hỏi, giao lưu kết bạn, Hùng thường tận dụng giờ ăn, giờ sinh hoạt chung để kể với các bạn về đất nước, con người Việt Nam.
“Em kể rất nhiều về Việt Nam tươi đẹp, đồ ăn ngon, khí hậu mát hơn ở Iran. Các bạn quốc tế còn chia sẻ kinh nghiệm học hóa rất hay và tính kỷ luật khi học tập...”, Phi Hùng nói.
Hùng chia sẻ, trước kỳ thi, em tập trung ôn lý thuyết, chỉ dành chừng hai tháng để xuống phòng thí nghiệm thực hành. Do vậy, hình ảnh Hùng mày mò với dụng cụ vật lý vào mỗi tối sau giờ cơm không hiếm gặp. Hùng bộc bạch, em học rất nhiều các chủ đề, giải bài tập, đọc thêm kiến thức mới trên mạng và sách tham khảo của thầy cô giới thiệu. Đây là thói quen duy trì từ năm lớp 9, trước khi vào học trường chuyên.
Hành trình giành Huy chương Vàng của chàng trai 18 tuổi này không dễ dàng. Hùng có thế mạnh về toán học và chính em cũng cho rằng bản thân đến với vật lí khá muộn. Hùng theo đội tuyển toán tới hết học kỳ I năm lớp 9. Sau đó, nam sinh này mới thử sức với vật lí.
“Vật lí là môn học thực hành đi đôi với lý thuyết. Lần đầu tiên em thực hành tưởng dễ dàng, nhưng 5 - 6 lần vẫn thất bại khi đấu dây, phải nhờ thầy cô hướng dẫn rồi học thêm. Thực hành nhiều sẽ nhớ lâu, rèn luyện tư duy, tránh học thuộc...”, nam sinh chia sẻ.
Theo Hùng, có lúc tranh cãi gay gắt với bạn học về quan điểm giải bài tập. Đó là cách để bản thân có động lực học tập, ganh đua tìm chân lý, đi đến cùng với vấn đề.
Là bạn thân có thâm niên cùng ăn “cơm tuyển” với Hùng, Thân Thế Công chầm chậm kể lại hành trình rinh “vàng” quốc tế. Công dù nắm chắc kiến thức vật lí, song vẫn lo vì đề thi quốc tế nhiều câu hỏi dài, khó, đòi hỏi tư duy mất nhiều thời gian.
Theo Công, em đặt mục tiêu từ sớm, đầu tư cho toán học để trình bày lời giải mạch lạc, thể hiện tư duy thông suốt. Từ cấp THCS, nam sinh đã tò mò, thắc mắc, hỏi thầy cô về các hiện tượng như: Tại sao trời mưa, tại sao có cầu vồng, làm sao để tạo ra điện…
“Qua mỗi bài thi, em học được rất nhiều kinh nghiệm làm bài, cách trình bày rõ ràng, vẽ hình đầy đủ, liệt kê số liệu và khắc phục thói quen làm tắt trước đây. Ngoài ra, thầy cô cũng nhắc nhở, góp ý, giúp em tự tin hơn, bình tĩnh đọc kỹ đề và đưa ra cách giải nhanh chóng...”, Công bộc bạch.
Nam sinh kể, có bài khó, kiến thức mới, em thức tới đêm, chừng 2 - 3 giờ sáng để suy nghĩ, cuối cùng mệt quá, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Không bỏ cuộc, sáng hôm sau lên lớp gặp thầy giáo nhờ giải đáp, nghe đến khi nào không còn thắc mắc nữa mới thôi. “Em luôn xác định phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, hoàn thiện khả năng tiếng Anh để sau này trở thành nhà nghiên cứu vật lí hoặc kỹ sư điện…”, Công chia sẻ.
Theo Công, khi học lý thuyết vật lí, em không học thuộc, không đọc lướt mà cố đọc nhiều lần để nhớ và làm bài tập để khắc sâu vào trí nhớ. Em cũng xem lại phần chữa bài tập để “lấp” lỗ hổng kiến thức.
“Nếu không làm được bài, em sẽ tìm hiểu vì sao không làm được, tư duy sai chỗ nào. Gặp khó thì cứ đọc, vì đó là kiến thức mới, ban đầu chưa hiểu ngay, sau này có kiến thức sâu hơn thì đọc lại. Kiến thức mới cũng xuất phát từ căn bản, như vậy không nên học cái này, bỏ cái kia, cố gắng hỏi thêm thầy cô, anh chị...”, Công kể.
Thân Thế Công nói, đặt mục tiêu trở thành kỹ sư điện hoặc nhà nghiên cứu vật lí trong tương lai. Dù bận học, song đôi bạn (Hùng và Công) vẫn có những phút giây giải trí như đi xem phim ở rạp, nghe nhạc, đi bộ, dạo ngắm phố phường trong những ngày học đội tuyển tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo thầy Nguyễn Văn Đóa - giáo viên vật lí Trường THPT chuyên Bắc Giang, cả Trương Phi Hùng và Thân Thế Công đều chứng tỏ năng lực, kiến thức tốt, bản lĩnh và khả năng chịu áp lực khi thi tài trước các thí sinh rất giỏi đến từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Đặc biệt, trong sinh hoạt hàng ngày, hai nam sinh này vẫn đến trường bằng… đôi dép tổ ong.
Thầy Đóa cho biết, vật lí đòi hỏi đam mê, tư duy toán học sắc bén, liên tục đặt câu hỏi vì sao. Lớp 10 vào trường chuyên là bước đệm, có thầy cô ở bên dạy và giải đáp kiến thức kỹ lưỡng, bài bản, khoa học nhất nhưng thành công phụ thuộc vào ý chí, chuyên cần, nỗ lực của học sinh.
“Bắc Giang còn nhiều khó khăn, song học sinh rất nghị lực vươn lên trong học tập. Dù thành tích cao, không ai có biểu hiện của ngôi sao mà hòa đồng, bình dị, ngoan ngoãn. Thầy hiệu trưởng và tôi có lần nói khi nào kết thúc khóa học, các em cho các thầy xin lại những đôi dép tổ ong các em đã từng đi.
Để thầy chia sẻ với các thế hệ sau là các anh học giỏi nhưng rất bình dị, đi dép tổ ong rẻ tiền. Không phải vì thế mà các em không chói sáng, vẫn chói sáng đem vinh quang về cho đất nước và quê hương Bắc Giang...”, thầy Nguyễn Văn Đóa cho biết.
Tác giả bài viết: Đăng Chung
Ý kiến bạn đọc