Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội quan trọng để đội ngũ nhà giáo nâng tầm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ - cho biết: trước đây, việc sử dụng công nghệ thông tin chủ yếu phục vụ công tác soạn bài để giảm thời gian ghi chép giáo án và các loại hồ sơ khác phục vụ công tác dạy học.
Đến khi thực hiện dạy học online theo hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã nâng lên thành khả năng ứng dụng các nền tảng công nghệ số, các phần mềm để soạn giảng có sự tương tác với người học.
Công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh cũng có những tiến triển quan trọng dựa trên ứng dụng các phần mềm về kiểm tra, đánh giá được thầy cô lựa chọn sử dụng.
Từ thay đổi của thầy, học trò cũng có những thay đổi quan trọng để thích ứng với hình thức dạy học mới, tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập, tăng khả năng tương tác qua môi trường mạng và khả năng tự học cho học sinh.
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Đinh Thị Bình, còn có những khó khăn nhất định trong quá trình dạy học, nhất là khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho quá trình dạy học, đặc biệt là phía học trò.
"Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện hình thức dạy học qua Internet, trong đó có học trực tuyến để hỗ trợ cho quá trình dạy học trực tiếp, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của nhà giáo, học sinh đáp ứng xu thế học tập tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc dạy học qua mạng hiệu quả, cần có kế hoạch triển khai thực hiện thống nhất từ Bộ GD&ĐT đến các nhà trường, tạo nền tảng công nghệ và lựa chọn các phần mềm phù hợp, thống nhất thực hiện trong các cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, cần quan tâm trang bị các phương tiện, thiết bị dạy học cho các nhà trường, đảm bảo toàn bộ học sinh có thể tham gia học tập để đạt được kết quả cao nhất" – đại biểu Đinh Thị Bình nêu quan điểm.