Thời gian khảo sát từ ngày 5/6 - 25/6. 100% giáo viên đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ tham dự rà soát đánh giá theo chuẩn quốc tế. Những giáo viên có chứng chỉ IELTS từ năm 2019 trở lại đây, đạt kết quả từ 6.5 trở lên sẽ được công nhận để phân lớp đào tạo.
Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết: IELTS thiên về giao tiếp, điều này là bình thường chứ không thể nói là khó vì bản chất ngôn ngữ là giao tiếp. Nhiều học sinh thi IELTS đạt 7.0, 7.5 thì giáo viên cũng cần làm được như vậy.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% giáo viên ngoại ngữ các cấp học đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học mới theo quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam hoặc tương đương. Đến năm 2025, 50% giáo viên phải đạt kỹ năng nghe, nói tiếng Anh từ 6.5 trở lên (IELTS), 50% giáo viên môn Toán và Khoa học có thể sử dụng tiếng Anh để giảng dạy.
Khi giáo viên tiếng Anh tham gia rà soát, thầy Nhâm khẳng định việc ôn tập cho học sinh cuối cấp không bị ảnh hưởng và xáo trộn vì "thầy cô chỉ dành ra 1 - 2 buổi để thi". Thời gian tới, khi tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, các nhà trường có thể bổ sung yêu cầu về trình độ giao tiếp để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Còn thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Nam Từ Liêm) cho hay: Thế hệ học sinh hiện nay ở cả trường công lẫn trường tư đều được đầu tư học tiếng Anh. Nhiều học sinh học hết lớp 9 có thể đạt IELTS 6.5 - 7.0; hết lớp 12 có thể đạt 7.5 - 8.0. Do đó, trình độ giáo viên phải được nâng cấp kịp thời.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm) cũng cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá giáo viên là cần thiết để bảo đảm chất lượng dạy và học. Điều này nên được đưa vào thành quy định bắt buộc. Nếu giáo viên được tuyển dụng không đạt chuẩn tối thiểu này sẽ không được tham gia giảng dạy.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Bảo Yến - Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường Marie Curie thông tin: Mục đích của việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên là cần thiết, để thầy cô có đủ năng lực chuyên môn, tự tin đứng lớp, nhất là trong thời đại 4.0 khi học sinh dễ dàng tiếp cận với đa phương tiện và sử dụng các phần mềm trong việc học và thực hành tiếng Anh ngày càng thành thạo.