Thung lũng "6 không"
Thung lũng Cư Bung, xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) có 262 nhân khẩu, trong đó có 55 hộ với 181 nhân khẩu là dân di cư tự do. Mỗi khu vực là một cụm dân cư mà người dân tứ xứ kéo về đây sinh sống, từ Cao Bằng, Thái Bình, Thanh Hóa đến Đắk Lắk, Đắk Nông.
Vì di dân tự do nên cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề. Điện, đường, trường, trạm, sổ hộ khẩu đều không có khiến học sinh phải trèo đèo, lội suối sang tỉnh bạn học nhờ. Số khác phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Người già cũng chật vật khi ốm đau, bệnh tật phải vượt quãng đường xa xôi để thăm khám.
Anh Vi Văn Khải (SN 1992) sinh sống tại thung lũng Cư Bung từ năm 2012, sau khi mua 3ha đất để làm rẫy, thấy cuộc sống đỡ vất vả hơn nên dắt díu cả nhà từ quê vào. Tuy nhiên, ở được một thời gian, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước nên đất đai cằn cỗi. 300 gốc cà phê xen canh với 300 gốc tiêu của gia đình chết dần chết mòn do thiếu nước.
Gia đình anh đành phá bỏ để chuyển sang trồng xoài xen canh với điều cao sản. "Nắng nóng, khô hạn khiến cây cối sống không nổi. Nước ít nên gia đình chuyển sang giống cây trồng mới, hy vọng vài năm nữa cây tươi tốt cho thu hoạch. Khi đó, gia đình sẽ không phải chịu cảnh đói ăn khi đến mùa giáp hạt", anh Khải nói.
Trong căn nhà rộng chừng 20m2, thưng bằng những tấm ván cũ, mục nát, ông Lê Văn Thịnh (55 tuổi, quê Thái Bình) lau giọt mồ hôi trên trán, trầm ngâm tâm sự: "Cuộc sống khốn khó nên tôi chạy khắp nơi để kiếm sống. Lúc đầu vào TPHCM làm công nhân nhưng giá cả đắt đỏ, đồng lương chẳng được là bao nên mình tôi lặn lội vào thung lũng Cư Bung này. Còn 2 người con ở lại với mẹ chúng để tiện cho việc học hành. Vào đây, tôi chạy vạy khắp nơi cũng mua được 3ha đất.
Nhưng do không đường, không điện, không trường, không trạm, không nước sạch, không hộ khẩu… nên rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo, thiếu thốn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước, cơ quan ban, ngành quan tâm, hỗ trợ người dân nơi đây khu tái định cư. Khi đó, mọi người có thể yên tâm lao động sản xuất, những người như tôi không phải xa gia đình, vợ con nữa".
Tìm con chữ
Hiện ở Cư Bung có khoảng 40 cháu trong độ tuổi đi học, nhưng vì điều kiện khó khăn, điểm trường cách xa hàng chục km nên chỉ có phân nửa trong số đó được đến trường. Số còn lại hàng ngày vẫn đội nắng trồng mì hoặc nhặt hạt điều phụ giúp gia đình. Do ít khi được tiếp xúc với những người ngoài thung lũng nên khi thấy chúng tôi, đám trẻ với gương mặt lấm lem chạy toán loạn. Với đôi chân trần, chạy được vài bước lũ trẻ lại nhảy lên bởi nền đất bỏng rát.
Là một trong những đứa trẻ may mắn được đến lớp, Vi Hà Mi khoe góc học tập của mình với vô vàn giấy khen. Mặc dù khó khăn, không có sổ hộ khẩu nhưng các thầy cô ở Ea H’leo (Đắk Lắk) vẫn tạo điều kiện cho em học nhờ. "Em thích đến lớp, học con chữ và gặp bạn bè. Nhưng em không có sổ hộ khẩu, chẳng biết được đi học đến bao giờ", Mi thoáng chút buồn.
Anh Vi Văn Khải (bố Mi) cho hay: Thung lũng không có trường học, muốn con biết con chữ, hai mẹ con phải sang huyện Ea H’leo thuê nhà trọ tiện cho con đến lớp. Cứ đầu tuần anh Khải đưa 2 mẹ con băng qua núi Chư Mí và suối để ra chỗ trọ. Cuối tuần, anh lại vượt 12km đường rừng đón vợ và con về nhà.
Chỉ vỏn vẹn 2 ngày cuối tuần, cả gia đình mới được quây quần bên nhau ăn bữa cơm sum vầy. Đưa ánh mắt về phía xa, anh Khải thở dài: "Chẳng biết con tôi sẽ học được đến lớp mấy. Bởi hoàn cảnh không cho phép, đường sá xa xôi, sổ hộ khẩu thì không có. Vợ chồng tôi khổ mấy cũng được, chỉ mong những đứa trẻ nơi đây có cái chữ, sau này sẽ bớt cơ cực".
Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết: "Khu vực thung lũng Cư Bung hiện có khoảng 79 hộ với 262 nhân khẩu. Qua rà soát, trong số này có 55 hộ thuộc trường hợp di dân tự do, số còn lại chủ yếu là dân cư vùng giáp ranh đến thâm canh, sản xuất nông nghiệp. Với mục đích giúp các hộ dân đang sống trong cảnh "nhiều không" có cuộc sống ổn định và hưởng các chế độ chính sách, chính quyền huyện Chư Pưh đã xây dựng phương án di dời 55/79 hộ dân khu Cư Bung ra nơi tái định cư tại làng Ia Brel, xã Ia Le".
Ông Lê Văn Thạch, Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh chia sẻ: "Huyện Chư Pưh đã trích hơn 430 triệu đồng mua 2,6 ha đất ở làng Ia Brel để làm khu tái định cư cho các hộ dân di cư tự do ở xã Ia Le.
UBND huyện cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương san ủi mặt bằng, xây dựng đường giao thông trong khu tái định cư, đường giao thông ra khu sản xuất, các hạng mục khác sẽ đầu tư bằng nguồn vốn khác. Khi đó, các em nhỏ sẽ thuận tiện hơn khi đến trường. Người dân cũng sẽ có đường thuận tiện cho việc thông thương, đặc biệt khi ốm đau, sinh nở".
Vừa qua đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương đã trực tiếp đến vùng núi Cư Bung gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đôn đốc chính quyền các cấp thực hiện việc di dời người dân ra khu tái định mới. "Trung ương đã bố trí 5,55 tỉ đồng cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ ổn định cho 55 hộ dân này.
Địa phương cũng đã bố trí 550 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân di dời nhà cửa. Tỉnh đang cho chủ trương để huyện Chư Pưh lập dự án bố trí dân di cư tự do ra sống tại thôn Ia Brel, xã Ia Le. Qua đó, giúp cho bà con sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài trong năm 2020", ông Việt cho biết thêm.
Để ra được điểm trường làng Ia Brel (xã Ia Le), những đứa trẻ phải vượt gần mười cây số đường rừng hiểm trở. Do đó, người dân nơi đây đa phần qua xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) thuê nhà cho con học nhờ. Các em cũng học đến hết cấp 1 rồi nghỉ dần, số còn lại được bố mẹ gửi về quê cho đi học.