PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa là Chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.
Bám mục tiêu, yêu cầu
PGS Đinh Thị Kim Thoa cho biết, SGK Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) 1 được biên soạn dựa trên các yêu cầu cần đạt của Chương trình (CT) HĐTN, nhằm hình thành các năng lực đặc thù của HĐTN là thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; (riêng năng lực định hướng nghề nghiệp thì sẽ bắt đầu từ lớp 2) và các năng lực chung, phẩm chất cốt lõi của CT, đó là 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; 3 nhóm năng lực: Tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Tuy vậy, khi thực hiện mỗi chủ đề, GV cần luôn ý thức xem hoạt động mà mình tổ chức góp phần thực hiện mục tiêu nào, hình thành được phẩm chất và năng lực nào ở học sinh? Liệu các hoạt động được thiết kế trong sách đã đủ và bám sát mục tiêu cần đạt chưa? GV hoàn toàn có thể bổ sung hoạt động của mình để việc đạt mục tiêu được trọn vẹn hơn.
Cùng nội dung trên, PGS Đinh Thị Kim Thoa cũng lưu ý GV luôn hướng đến việc tổ chức đầy đủ và đúng với tỷ lệ các mạch nội dung hoạt động đã được quy định trong CT, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Theo đó, SGK HĐTN 1 được viết dựa trên 3 mạch nội dung: Các hoạt động hướng vào bản thân (60%); hoạt động hướng đến xã hội (25 - 30%) và hoạt động hướng đến tự nhiên (10 - 15%). Riêng mạch hoạt động hướng nghiệp được bắt đầu từ lớp 2.
Các SGK của các nhà xuất bản khác nhau có thể có cấu trúc nội dung không như nhau, chính vì vậy GV nên chủ động nghiên cứu xem các hoạt động được biên soạn đáp ứng đến đâu so với yêu cầu cần đạt và so với nhu cầu của đối tượng mà lớp mình đang phụ trách. Từ đó, GV có thể tự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh và điều kiện thực hiện tại cơ sở giáo dục của mình.
Bên cạnh đó, theo CT giáo dục phổ thông đưa ra, đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong CT HĐTN. Khi biên soạn SGK, các tác giả cũng đã chú ý đến điều này. Tuy nhiên, trong sách chỉ là những gợi mở mang tính định hướng. Do đó, PGS Đinh Thị Kim Thoa lưu ý GV hãy chủ động, linh hoạt lựa chọn nội dung, CT gắn với địa phương của mình để triển khai hoạt động theo định hướng tổ chức đã đưa ra trong sách.
Cơ hội rèn luyện, trải nghiệm
Khi tổ chức HĐTN, GV cần tạo sự liên kết và gắn bó giữa mục tiêu của các loại hình hoạt động. Nhấn mạnh điều này, PGS Đinh Thị Kim Thoa nhắc lại 4 loại hình hoạt động theo CT HĐTN: Sinh hoạt dưới cờ; Sinh hoạt lớp; Hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Trong 4 loại hình trên, 3 loại đầu được tổ chức thường xuyên và là yêu cầu chung cho tất cả học sinh; loại hình câu lạc bộ là tự chọn mang tính phân hóa.
Từ đó cho rằng, khi thực hiện các hoạt động được hướng dẫn trong SGK, GV nên tổ chức các loại hình này cho việc thực hiện cùng một số mục tiêu trong giai đoạn nào đó bên cạnh việc thực hiện mục tiêu đặc thù của loại hình. Việc thực hiện có sự gắn kết mục tiêu giữa các loại hình sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn để rèn luyện và đến đích hiệu quả hơn.
Một lưu ý quan trọng khác là khi thực hiện các hoạt động được hướng dẫn trong SGK, GV lưu ý không biến giờ tổ chức hoạt động này giống như các môn học. Không dành nhiều thời gian cho hỏi đáp, hãy dành nhiều thời gian cho học sinh được nói, được làm… Lựa chọn hình thức và phương pháp tổ chức sao cho nhiều nhất (tối ưu là 100%) học sinh được tham gia, được rèn luyện, được trải nghiệm ở cùng một thời điểm của hoạt động.
Việc học sinh chuẩn bị trước ở nhà những nội dung cần thiết cho hoạt động để đến lớp có thể tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động của GV tổ chức là điều kiện chính để học sinh nhanh chóng hơn và bền vững hơn đạt các mục tiêu đặt ra. GV lưu ý rằng chỉ có GV mới là người quyết định tạo ra độ khó vừa sức với học sinh của mình để học sinh có cơ hội phát triển. Cho nên GV là người quyết định làm cho sách giáo khoa mang tính vừa sức với học sinh: Nâng độ khó nếu học sinh của mình có kỹ năng tốt; giảm bớt độ khó nếu học sinh chưa có kinh nghiệm trong hoạt động nào đó.
“GV hãy lựa chọn những gì đã có trong kinh nghiệm của học sinh để tạo ra cái mới, cái hấp dẫn, cái thú vị cho trò và dùng phương thức tổ chức để tạo ra kỹ năng. Không lạm dụng quá nhiều việc trình chiếu. Hãy dành nhiều thời gian cho hoạt động tích cực của chính trẻ. HĐTN cần triển khai đúng, đủ logic, chu trình của quá trình hình thành kỹ năng, năng lực hay phẩm chất. Việc tổ chức không đến nơi đến chốn, không đi hết đầy đủ các bước của quá trình hình thành và phát triển kỹ năng sẽ dẫn đến tình trạng “dã tràng xe cát”… chúng ta làm mãi mà không bao giờ đưa học sinh được đến đích” – PGS Đinh Thị Kim Thoa lưu ý.
“Với HĐTN, chìa khóa thành công nằm ở hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, nội dung hoạt động tạo ra tính dính kết hoạt động, sự uyển chuyển về nhận thức và sự sâu sắc của tâm hồn. Chính vì thế, để đạt được hiệu quả của hoạt động, GV cần tạo ra sự thú vị của nội dung, tránh chỉ sa vào những hành vi nhỏ lẻ, vụn vặt, thiếu cấu trúc làm mất đi tính cấu trúc của nhận thức, của năng lực và phẩm chất. Chỉ có điều, dễ dàng hơn môn học, nội dung của HĐTN không bị quy định cứng bởi trật tự khoa học của tri thức nào đó, nên GV có thể tự do hơn trong lựa chọn nội dung”. - PGS Đinh Thị Kim Thoa