Stonya Martins - đến từ đất nước Đông Timor, sinh viên Khoa Quốc tế chia sẻ rất cởi mở: “Trong thời gian vừa qua, cùng với các bạn sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước của Khoa, em tham gia học trực tuyến trên hệ thống. Tuy nhiên, thực sự thì em vẫn thích gặp nhau học tập trung trên lớp hơn. Hôm nay được đến lớp, chúng em được đo thân nhiệt và hướng dẫn rửa tay sát khuẩn trước khi vào học. Rất vui và yên tâm. Em chỉ mong dịch Covid-19 sớm được khống chế, loại bỏ để chúng em được thoải mái hơn trong học tập như trước đây”.
Do đặc thù Khoa Quốc tế có nhiều sinh viên nước ngoài học cùng sinh viên Việt Nam, cho nên cán bộ giảng viên ở đây cùng lúc phải chuẩn bị nhiều phương án giúp người học vừa đảm bảo an toàn, vừa nhanh chóng bắt nhịp vào việc học tập.
“Ngoài việc chia tách lớp học để giảm số lượng người trong phòng, Khoa còn duy trì song song vừa học tập trung trên lớp, vừa học trực tuyến. Các phòng học được bố trí hệ thống máy vi tính, mạng internet và camera, giờ học trên lớp vừa trực tiếp vừa trực tuyến, những sinh viên nước ngoài chưa thể đến Việt Nam vẫn online tham gia bài học cùng cả lớp” - TS. Hà Xuân Linh, Trưởng khoa Quốc tế cho biết.
Tại trường Đại học Sư phạm, ngay từ ngoài cổng trường đã có người kiểm soát, yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn vào khu vực đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, qua “3 vòng” mới được lên lớp. Buổi đầu tiên, các em chưa bước vào học ngay mà thực hiện khai báo y tế, nhận khẩu trang, nghe hướng dẫn các vấn đề cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
“Ở nhà học online lâu quá, chúng em cũng thấy sốt ruột lắm rồi. Hôm nay đến trường em thấy có gì đó lạ lạ, và cảm giác vui giống y như lần đầu tiên đến trường vậy” - bạn Hà Thị Hiền (đến từ huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, sinh viên Khoa Tiểu học) “bẽn lẽn” chia sẻ.
Tại trường Đại học Khoa học, sau khi thực hiện các yêu cầu bắt buộc về đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, nhận khẩu trang, sinh viên được chia nhóm về các phòng để kê khai tình trạng sức khỏe. Buổi đầu tiên gặp lại thầy cô và bạn bè trở thành một buổi học “đặc biệt”, các em được nghe hướng dẫn cụ thể về thực hành an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ việc ăn ở, sinh hoạt, đi lại, tiếp xúc, cho đến việc lên lớp, học tập… Vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh là sinh viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về hạn chế di chuyển, quy định về việc ra vào ký túc xá…
ThS. Nguyễn Suối Linh, giảng viên Khoa Du lịch chia sẻ nhiều tâm tư: “Lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu kỳ học mới khi phượng đã nở và ve kêu khắp sân trường. Cái oi ả đầu hè không làm cô trò bớt phần háo hức khi gặp nhau. Giáo viên sẽ vất vả hơn một chút khi phải chia lớp, tăng ca, tăng thời lượng giảng dạy, bồi dưỡng thêm cho những em chưa có điều kiện học online trước đó. Về phía sinh viên, lịch sinh hoạt thay đổi cũng có thể khiến các em mất thăng bằng trong thời gian đầu. Tuy nhiên, tất cả không có gì đáng nói, bởi đáng quý nhất là chúng ta đã được gặp nhau, bình yên, trọn vẹn sau đại dịch”.
Có thể nói, chưa bao giờ cả thầy cô và sinh viên cùng phải căng mình nỗ lực đến như thế, khi cùng lúc vừa quay trở lại dạy - học tập trung, vừa phải duy trì nhiều biện pháp giữ an toàn ở môi trường đông người.
Ngày đầu trở lại lớp sau thời gian dài giãn cách, trong mỗi sinh viên đều có nhiều cảm xúc, mà trên hết, đó là một niềm vui trong “lạ lẫm”. Dù vất vả, nhưng có thể thấy cả thầy và trò đều đã sẵn sàng cho việc giảng dạy, học tập sinh hoạt trong một kiểu điều kiện mới.
Theo báo cáo nhanh từ Đại học Thái Nguyên, toàn Đại học hiện có gần 2.200 sinh viên, lưu học sinh ở tại các ký túc xá; gần 5.800 sinh viên ở ngoại trú trên địa bàn tỉnh.
Cho đến nay, tình hình sức khỏe của cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động và người học chưa có phát sinh bất thường. Không có trường hợp tiếp xúc gần, gián tiếp tiếp xúc với người nhiễm, nghi ngờ nhiễm Covid-19.