Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”

Thứ ba - 19/03/2019 00:11 742 0

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”

GD&TĐ - Xoay quanh chương trình giáo dục phổ thông mới, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Giao lưu diễn ra từ 10h15 đến 11h45, với sự tham gia của các khách mời:

- GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới.

- PGS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Dự án Chương trình GD phổ thông mới

- GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên CT môn Lịch sử.

- GS Lê Thông - Chủ biên CT môn Địa lý.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi các câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 2
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”. 
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Tính mở và tính liên thông ở CT môn Lịch sử được thể hiện như thế nào? Xin ông cho ví dụ cụ thể?

nguyentunglam@gmail.....

GS Phạm Hồng Tung:

Chào bạn!

Mở và liên thông là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình. Chúng tôi rất hi vọng nguyên tắc này cũng được phát huy trong quá trình học và dạy của thầy và trò trong nhà trường

Trước hết nói về tính  mở của chương trình: Chương trình chỉ quy định yêu cầu cần đạt của toàn cấp và của từng chủ đề, chuyên đề. Còn lại, không gian sáng tạo của GV và HS là vô biên. HS và GV có thể mở rộng các yêu cầu cần đạt sao cho phù hợp với năng lực và sở thích của mình và phù hợp với yêu cầu cuộc sống.

Giờ đây, SGK không còn là tài liệu có tính chất "pháp lệnh" mà chỉ là một học liệu cơ bản. GV và HS  nên và cần phải tham khảo rộng rãi các nguồn học liệu khác nhau.

Trong chương trình, chúng tôi chỉ gợi ý về sự phân bổ thời lượng. Trong thực tế, nhà trường và GV hoàn toàn có thể linh hoạt về thời lượng, kịch bản, phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng nội dung hoặc hoạt động GD, phù hợp với đối tượng HS.

Về tính liên thông:

+ Liên thông dọc: Là sự liên thông với nền tảng kiến thức thông sử của HS đã có sau khi kết thúc cấp THCS.

+ Liên thông với các môn học khác, như Ngữ Văn, GDCD (kinh tế và pháp luật), Địa lý với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

+ Liên thông với giáo dục nghề nghiệp cho HS: Trong giảng dạy và học tập, GV và HS phải luôn luôn liên hệ xem từng nội dung lịch sử có thể và cần được vận dụng như thế nào trong cuộc sống hiện nay (Ví dụ để phát triển du lịch, để sáng tác các kịch bản phim, sân khấu, các tác phẩm nghệ thuật, hoặc rút ra bài học để giải quyết những vấn đề đang đặt ra).

Xin hỏi chủ biên chương trình môn Địa lý, chương trình mới môn Địa lý về nội dung học có khác biệt nhiều so với chương trình hiện hành không? Nếu khác thì cụ thể là gì? Xin cảm ơn! 

Lê Phương (Thái Nguyên)

GS.TS Lê Thông:

Câu hỏi này tôi đã trả lời trên báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 20/2/2019. Xin lưu ý một số điểm mới sau:

1. Chương trình đảm bảo tính cơ bản, cập nhật, thực tiễn, khả thi (đưa vào nội dung chương trình lớp 11 Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ở lớp 12, các ngành công nghiệp được trình bày theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam…)

2. Coi trọng thực hành để học sinh được trải nghiệm nhiều hơn.

3. Đảm bảo tính kế thừa, liên thông với chương trình hiện hành và với các cấp học).

4. Tạo điều kiện nhiều hơn cho việc dạy học tích hợp.

5. Ở mỗi lớp có chuyên đề nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp.

Chuyên gia của chương trình cho biết thời lượng cho các môn học trong Chương trình giáo dục Địa lí ở phổ thông được phân bố ra sao? Có phải nếu học sinh theo học các môn khoa học tự nhiên thì có thể không phải học Địa lý hay không? 

hoanghaihong…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Xin độc giả tham khảo chương trình môn Địa lý đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018. Các thắc mắc của độc giả đều được trả lời trong chương trình này.

Ở THPT, Địa lý là môn học tự chọn, do đó học sinh có thể chọn học hoặc không học môn Địa lý tùy theo nguyện vọng của mình.

Giáo viên cần có phương pháp bổ sung thế nào để có thể dạy được tích hợp Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS – thưa GS?

nguyenchung***@gmail.com

GS Nguyễn Minh Thuyết :

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp cao ở cấp học dưới, phân hóa dần ở cấp học trên. 

Nghị quyết 88 của Quốc hội cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết 29 thêm một bước: Quy định lồng ghép một số nội dung liên quan của các môn học trong chương trình hiện hành ở tiểu học và THCS thành môn học tích hợp.

Thực hiện các Nghị quyết trên, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng 2 môn học tích hợp ở THCS là: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Điều này là phù hợp với quy trình nhận thức của con người và xu thế giáo dục tích hợp của các nước trên thế giới.

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 3
GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.

Tuy nhiên, việc xây dựng môn học tích hợp phù hợp với đặc trưng của các ngành khoa học và thực tế của nước ta (lần đầu tiên thực hiện tích hợp ở THCS).

Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình SGK phổ thông cũng nêu rõ: Yêu cầu tích hợp một cách hợp lý.

Căn cứ vào các yêu cầu nói trên, chương trình môn Lịch sử và Địa lý thể hiện sự tích hợp giữa hai ngành khoa học này ở mức độ phù hợp. Môn học này gồm 2 phân môn: Phân môn Lịch sử thiết kế theo mạch thời gian, phân môn Địa lý thiết kế theo mạch không gian. Hai phân môn đều được thiết kế để phối hợp với nhau, hỗ trợ và soi sáng cho nhau.

Bên cạnh đó còn có 4 chủ đề tích hợp cao, gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; Đô thị - Lịch sử và hiện tại; Văn  minh Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long; Các cuộc đại phát kiến địa lý.

Với thiết kế như trên, giáo viên Lịch sử sẽ dạy phân môn lịch sử và những chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình. Tương tự giáo viên Địa lý cũng sẽ thực hiện dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn được đào tạo của mình.

Dĩ nhiên nhà trường và tổ bộ môn sẽ tổ chức phân công một cách hợp lý và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên dạy các phân môn.

Về phương pháp dạy học, có hai điều quan trọng cần chú ý:

Thứ nhất, tuy dạy theo phân môn nhưng giáo viên phải dạy mỗi phân môn trên nguyên tắc liên hệ chặt chẽ với phân môn khác.

Thứ hai, giáo viên phải chú trọng khắc phục lối dạy lý thuyết đơn thuần.Giáo viên chú ý trang bị cho học sinh công cụ làm việc,tư duy phản biện và khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế.

Thực tế những năm qua, môn lịch sử là một môn học bắt buộc, độc lập nhưng học sinh vẫn thờ ơ, không thích học môn này. Theo ông, GV cần thay đổi PPDH như thế nào để đáp ứng CT Lịch sử mới, đồng thời làm cho học sinh yêu thích học sử hơn? Ngoài đổi mới CT và PPDH, cần đổi mới dạy học lịch sử trên những bình diện nào khác (sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá)?

nguyenthuhuong65@....

GS Phạm Hồng Tung:

Một số vấn đề sau đây có thể và cần thiết giải quyết:

Thứ nhất, thông qua việc tổ chức dạy và học Lịch sử (LS) phải làm cho HS hiểu thật rõ lịch sử là một môn khoa học, thậm chí là một môn KH lý thú, hữu ích cho cuộc sống hiện nay của các em chứ không phải là môn học thuộc hoặc chỉ để tuyên truyền, nhồi sọ.

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 4
 Trong chương trình GDPT mới, lịch sử và địa lý được tích hợp trong một môn đó là môn Lịch sử và Địa lý, được giảng dạy ở tiểu học và THCS.

Thứ hai, các thầy cô giúp cho HS hiểu rõ mối quan hệ giữa LS với cuộc sống; đặc biệt là vai trò của LS đối với những nghề “hot” thuộc các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch, quản lý – lãnh đạo vv…

Ví dụ như trước đây chúng ta dạy Sử những rất ít nói cho HS biết học sử đề làm gì. Trong chương trình  mới sẽ có những chủ đề và chuyên đề. Ví dụ: Lịch sử với phát triển công nghiệp văn hóa, lịch sử với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Những chuyền đề này phù hợp với việc phát triển các ngành hot như du lịch, điện ảnh, thậm chí game online...Đây là những ngành nghề mang lại thu nhập cao, rất hấp dẫn giới trẻ, hữu ích cho xã hội.

Để thoát khỏi tình trạng "trò khỉ" bắt buộc phải đổi mới thi cử và đánh giá, thay vì kiểm tra khả năng học thuộc ghi nhớ máy móc của học trò thì phải đặt trọng số vào việc đánh giá năng lực hiểu biết, phân tích và vận dụng tri thức lịch sử theo nguyên tắc đánh giá tích cực. 
GS Phạm Hồng Tung

Những chuyền đề này phù hợp với việc phát triển các ngành hot như du lịch, điện ảnh, thậm chí game online...Đây là những ngành nghề mang lại thu nhập cao, rất hấp dẫn giới trẻ, hữu ích cho xã hội.

Nếu HS say mê với game, tái hiện những trận đánh vĩ đại của cha ông trong lịch sử thì không chỉ giúp ngăn ngừa các em sa vào các game bạo lực vô nghĩa mà còn thông qua đó, giúp các em và xã hội hiểu rõ hơn lịch sử. Làm tốt game này sẽ mang lại thu nhập chính đáng, xứng đáng với lao động và sự sáng tạo của các em. 

Thứ ba, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của thầy và trò cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó yêu cầu đặt ra là dạy và học Lịch sử phải trở thành một hoạt động sáng tạo chứ không phải là thuần túy học thuộc rồi trả lại bài học thuộc (tôi gọi đó là "trò khỉ").

Để thoát khỏi tình trạng "trò khỉ" bắt buộc phải đổi mới thi cử và đánh giá, thay vì kiểm tra khả năng học thuộc ghi nhớ máy móc của học trò thì phải đặt trọng số vào việc đánh giá năng lực hiểu biết, phân tích và vận dụng tri thức lịch sử theo nguyên tắc đánh giá tích cực.

Thứ tư, trong tổ chức GD khắc phục nhanh sự phân biệt “môn chính” với “môn phụ”. Chính sự phân biệt này đã và đang "giết chết" môn Lịch sử và một số môn khác.

Việc chuyển các môn thi chuyển cấp và tốt nghiệp, tuyển sinh thành các môn thi tổ hợp chỉ mới là một giải pháp để khắc phục tình trạng môn chính môn phụ. Sẽ còn rất nhiều việc mà hệ thống GD cần phải làm để trả lại vị trí tương xứng cho môn Lịch sử và một số môn khác.

Tôi là giáo viên dạy Địa lý ở THPT. Tôi rất cảm ơn nếu chuyên gia giúp tôi và các đồng nghiệp biết mình cần chuẩn bị những điều gì, bổ sung kiến thức chuyên môn, kĩ năng ra sao để có thể bắt ngay vào dạy học theo chương trình mới? 

Đặng Thu Trà (Mê Linh)

GS.TS Lê Thông:

Là giáo viên hiện đang đứng lớp ở THPT, các thầy cô cần chuẩn bị trước hết là tâm thế để bước vào giảng dạy chương trình mới. Một trong những điểm mới của chương trình là chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.

Vì vậy, bên cạnh những kiến thức, kĩ năng, các thầy cô giáo cần

Một trong những điểm mới của chương trình là chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. 
GS.TS Lê Thông

hướng việc giảng dạy vào hình thành và phát triển năng lực cho học sinh. Về kiến thức, bên cạnh sách giáo khoa, các thầy cô có thể tham khảo nhiều kênh thông tin (internet, sách vở, báo chí,…).

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều chương trình tập huấn cho các thầy cô về chương trình, về sách giáo khoa. Theo tôi, vấn đề quan trọng hàng đầu là tâm huyết của các thầy cô cho việc đổi mới chương trình GDPT và cho ngành Địa lý.

Lịch sử và Địa lý là 2 môn khoa học rất khác nhau. Tôi thực sự chưa hình dung được kiến thức 2 khoa học này sẽ được “dung hòa” với nhau như thế nào trong môn Lịch sử và Địa lý. Rất mong được nghe chia sẻ từ chuyên gia của chương trình? 

Phan Anh Tặng (Từ Liêm)

GS.TS Lê Thông:

Tích hợp là một trong những xu hướng chung hiện nay của thế giới mà nước ta không thể đứng ngoài cuộc.

Trong chương trình GDPT mới, lịch sử và địa lý được tích hợp trong một môn đó là môn Lịch sử và Địa lý, được giảng dạy ở tiểu học và THCS.

Ở tiểu học, Lịch sử và Địa lý là một môn học nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức đơn giản theo các chủ đề từ gần đến xa như: Địa phương em và các vùng miền của Việt Nam, Việt Nam, Thế giới. Hệ thống kiến thức được đưa vào giảng dạy dưới dạng các câu chuyện để học sinh dễ tiếp thu. Lúc này không còn ranh giới giữa lịch sử và địa lý.

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 5
GS.TS Lê Thông: "Trong chương trình GDPT mới, lịch sử và địa lý được tích hợp trong một môn đó là môn Lịch sử và Địa lý, được giảng dạy ở tiểu học và THCS...". 

Ở THCS, Lịch sử và Địa lý là một môn được tích hợp ở mức thấp, khác hẳn môn Khoa học tự nhiên trong chương trình GDPT mới. Lịch sử và Địa lý vẫn dạy riêng, tuy nhiên có một số chủ đề tích hợp, như: Các cuộc đại phát kiến địa lý, Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ở THPT, Lịch sử và Địa lý là 2 môn học độc lập và là 2 môn học tự chọn.

Với cách thiết kế như vậy, các kiến thức của lịch sử và địa lý có thể tích hợp được với nhau ở mức độ khác nhau: Ở tiểu học, tích hợp nhuần nhuyễn hơn; ở THCS, tích hợp ở mức thấp; còn ở THPT đó là các môn học riêng.

Ban soạn thảo đã xây dựng các chủ đề chung trong CT Lịch sử và Địa lí dựa trên cơ sở nào? Mối liên hệ giữa các chủ đề trong môn học? 

Đỗ Thị Hà, GV ở Thanh Hoá

GS Phạm Hồng Tung:

Chào bạn đã gửi câu hỏi đến chương trình!

Về cơ sở khoa học: Đó phải là những chủ đề có tính tích hợp lịch sử và địa lí rất cao; góp phần tốt nhất vào việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Về cơ sở thực tiễn: Có nhiều tài liệu tham khảo để GV có thể sử dụng như những học liệu hữu ích, HS cũng dễ tìm kiếm trên thư viện, mạng internet để phục vụ cho việc dạy và học của cả thầy và trò;

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 6
GS Phạm Hồng Tung trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Giáo dục&Thời đại.

4 chủ đề này phù hợp với năng lực của giáo viên. Nếu trước đây GV được đào tạo về Địa lý hay Lịch sử đều có thể tự tham khảo tài liệu, tham khảo chương trình và được bồi dưỡng tập huấn thêm là có thể dạy được ngay.

Vấn đề biển đảo Việt Nam và châu thổ sông Hồng, sông Mê Kong là những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tri thức về 2 vấn đề này là hành trang bắt buộc của HS trở thành công dân VN toàn cầu. 
GS Phạm Hồng Tung

Cơ sở thực tiễn thứ 3, ở đây là 4 chủ đề đang được xã hội quan tâm như chủ đề phát kiến địa lý thuộc vấn đề lịch sử thế giới từ thế kỷ 15, 16...,  nhưng những tác động lịch sử vẫn còn đang nóng hổi với thế giới toàn cầu hóa.

Hay chủ đề Đô thị, nó không còn chỉ là chủ đề với lịch sử đã qua, ví dụ như những đô thị trung cổ, hay những cảng thị như Hội An, Phố Hiến...mà nó còn là vấn đề đô thị hóa rất thú vị và hấp dẫn hiện nay, tạo cơ sở cho  sự hình thành đô thị thông minh, đô thị kết nối của thời kỳ 4.0.

Vấn đề biển đảo Việt Nam và châu thổ sông Hồng, sông Mê Kong là những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tri thức về 2 vấn đề này là hành trang bắt buộc của HS trở thành công dân VN toàn cầu.

Lịch sử và địa lý địa phương được thiết kế bao nhiêu phần trăm trong môn học này thưa GS? 

Lưu Bình (Vĩnh Phúc)

GS Nguyễn Minh Thuyết :

Việc giảng dạy những kiến thức về địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới khác với chương trình hiện hành.

Trong chương trình hiện hành nội dung giáo dục địa phương chủ yếu là cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương... Nội dung này được thực hiện ở một số môn học, chủ yếu là các môn xã hội, với thời lượng nhất định.

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 7
Phó TBT Báo GD&TĐ Dương Thanh Hương tặng hoa GS Nguyễn Minh Thuyết.  

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp, có vị trí tương đương như một môn học.

Ở cấp tiểu học, những nội dung này được tích hợp với nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động trải nghiệm.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp, có vị trí tương đương như một môn học. 
GS Nguyễn Minh Thuyết 

Từ lớp 6 đến lớp 12, nội dung giáo dục địa phương được dạy như một môn học độc lập với thời lượng 35 tiết/năm học. Tổng thời lượng là 245 tiết.

Các nội dung giáo dục này sẽ do Sở GD&ĐT tham mưu, để UBND cấp tỉnh quyết định. VD: Hà Nội có thể chọn nội dung văn hóa Tràng An; văn hóa, pháp luật về giao thông và công nghệ cao.

Ở TP Hồ Chí Minh, với kế hoạch phát triển thành thành phố thông minh sẽ dạy học sinh về những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu đối với công dân của một thành phố thông minh.

Các tỉnh Tây Nguyên, có thể dạy học sinh về văn hóa Tây Nguyên, về cây công nghiệp. Vì đây là một vùng cây công nghiệp lớn, học sinh cần được hiểu và thực hành từ khâu trồng trọt đến chế biến, kinh doanh các loại cây như: cà phê, hạt điều, cao su... để lớn lên hòa nhập vào đời sống kinh tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Còn việc liên hệ với thực tế địa phương ở môn Lịch sử và Địa lý thì giáo viên của môn này sẽ thực hiện theo nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục ở nhà trường phối hợp với giáo dục ở gia đình, xã hội.

Các nhà trường có tận dụng được những phương tiện dạy học sẵn có khi dạy học môn Lịch sử và Địa lý, cũng như môn Lịch sử, môn Địa lý ở THPT hay không, hay các nhà trường cũng như giáo viên sẽ phải thay mới các phương tiện dạy học này? 

Nguyễn Văn Thìn (Hà Nội)

GS.TS Lê Thông:

Về phương tiện dạy học, môn Địa lý ở THPT cũng như phần địa lý của môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học và THCS chắc chắn tận dụng được những phương tiện dạy học đã có.

Tuy nhiên, cần phải cập nhật. Ví dụ, cập nhật hệ thống bản đồ giáo khoa treo tường, atlat địa lý,…; các phương tiện khác như mô hình, sa bàn phục vụ cho nội dung địa lý tự nhiên đại cương, hoặc quả địa cầu... hoàn toàn có thể kế thừa được.

Đang giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 8
GS Lê Thông - Chủ biên CT môn Địa lý tham gia giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc Báo Giáo dục&Thời đại. 

Hiện nay việc kiểm tra, đánh giá học sinh chủ yếu sử dụng hình thức kiểm tra viết. Trong chương trình mới, môn học này học sinh được đánh giá kết quả học tập thông qua những hình thức nào? Hình thức đánh giá nào sẽ được chú trọng?

lqanhthu…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Trong chương trình mới cần phải đa dạng hóa việc đánh giá, sử dụng nhiều hình thức và công cụ đánh giá khác nhau. Ví dụ, đánh giá tự luận và trắc nghiệm khách quan, kiểm tra miệng, kiểm tra viết, đánh giá lý thuyết, đánh giá thực hành, đánh giá theo sản phẩm của học sinh (bài làm, bài tập, bài thực hành, báo cáo trong các dự án của học sinh…). Vì thế, nếu chỉ kiểm tra viết chắc chắn không đảm bảo.

Trong các hình thức đánh giá, mỗi hình thức đều có vai trò quan trọng nhất định, không thể nói hình thức nào là quan trọng hơn cả.

Gửi câu hỏi ở đây
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu

 

Tác giả bài viết: Báo Giáo dục&Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1392 | lượt tải:303

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1124 | lượt tải:288

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2410 | lượt tải:380

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2911 | lượt tải:479

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2231 | lượt tải:324
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập621
  • Hôm nay18,872
  • Tháng hiện tại35,326
  • Tổng lượt truy cập50,583,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944