Đang giao lưu cùng chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông mới

Thứ hai - 18/03/2019 22:06 898 0

Đang giao lưu cùng chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Xoay quanh chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra tại báo Giáo dục và Thời đại vào sáng 19/3 với chủ đề “Công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên – sự tham gia của các trường sư phạm” và “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Với chủ đề “Công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên – sự tham gia của các trường sư phạm”, chương trình giao lưu sẽ diễn ra từ 8h30 đến 10h00 với sự tham gia của các khách mời:

- PGS Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Dự án Chương trình GD phổ thông mới

- Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT)

- PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền -Trưởng khoa Quản lý giáo dục (Trường ĐHSP Hà Nội)

- GS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội

Giao lưu chủ đề “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” diễn ra từ 10h15 đến 11h45, với sự tham gia của các khách mời:

- GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới.

- PGS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Dự án Chương trình GD phổ thông mới

- GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên CT môn Lịch sử.

- GS Lê Thông - Chủ biên CT môn Địa lý.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi các câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Xin hỏi các chuyên gia: Việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới có thống nhất chung trên toàn quốc hay không? Việc bồi dưỡng sẽ có gì khác so với trước đây? 

Bùi Hương (Hải Phòng)

GS-TS Đinh Quang Báo:

Chương trình bồi dưỡng sẽ được thống nhất trên toàn quốc về nội dung, về kế hoạch.

Để thực hiện bồi dưỡng trên toàn quốc sẽ tiến hành qua mấy bước sau:

Các dự án sẽ tập hợp chuyên gia am hiểu về chương trình GDPT mới biên soạn tài liệu. Các chuyên gia đó chủ yếu là từ các trường ĐH sư phạm, từ các viện nghiên cứu khoa học giáo dục, các trường CBQL giáo dục và các chuyên viên của các vụ cục của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia biên soạn này làm 2 nhiệm vụ. Thứ nhất là biên soạn tài liệu; thứ 2: họ cũng trực tiếp làm báo cáo viên.

Sau khi có tài liệu, đội ngũ báo cáo viên đó sẽ bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán, CBQL giáo dục của các địa phương. Những người này sẽ được bồi dưỡng trực tiếp do Bộ GD&ĐT tổ chức. Số giáo viên phổ thông, CBQL cốt cán sẽ được các địa phương cử đến với tiêu chuẩn là phải là những giáo viên xuất sắc, có khả năng làm báo cáo viên cho các khóa bồi dưỡng giáo viên tại địa phương. Đội ngũ được xem là thế hệ “F2” của đội ngũ báo cáo viên.

Giáo viên, CBQL cốt cán sau khi đã được bồi dưỡng ở trung ương, sẽ về bồi dưỡng trực tiếp cho đồng nghiệp của họ tại địa phương hoặc do Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức và ngay tại từng trường phổ thông.

Việc bồi dưỡng khác với trước đây ở mấy điểm:

Một là: Lần này bồi dưỡng ngay khi có chương trình mới ban hành, nên được gọi là bồi dưỡng để thực hiện chương trình GDPT mới. Sau đó, khi có SGK, họ lại được tiếp tục bồi dưỡng, lần này gọi là bồi dưỡng thực hiện SGK mới.

Hai là: Việc tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng sẽ được thực hiện một cách bài bản. Trước hết là đội ngũ biên soạn tài liệu được chọn là các giảng viên cốt cán từ các trường sư phạm trọng điểm. Đội ngũ này cũng được tập huấn để có năng lực biên soạn tài liệu và làm báo cáo viên.

Ba là: Đợt tập huấn này kết hợp giữa tập huấn tập trung (trực tiếp) và tập huấn qua mạng (trực tuyến).

Bốn là: Sẽ thành lập các nhóm báo cáo viên bao gồm giảng viên sư phạm, giáo viên THPT và CBQL giáo dục cốt cán ở cấp địa phương đã được tập huấn. Nhóm này sẽ trực tiếp bồi dưỡng cho từng giáo viên ở địa phương. Cách làm này là để bảo đảm từng giáo viên sẽ được báo cáo viên cấp trung ương trực tiếp bồi dưỡng; tránh tình trạng trước đây qua nhiều “cấp” trung gian bồi dưỡng sẽ dẫn đến “tam sao thất bản”. Điều đó cũng có thể hiểu, mọi giáo viên sẽ được bồi dưỡng từ “bản gốc” chứ không phải từ những “bản sao”.

Năm là: Để đảm bảo việc bồi dưỡng đáp ứng bối cảnh cụ thể của từng địa phương (Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, trường phổ thông), từng địa phương ngoài việc tổ chức tập huấn cho giáo viên theo chương trình bồi dưỡng của trung ương, các cấp quản lý địa phương cũng phải tổ chức, xây dựng chương trình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu riêng của địa phương mình.

Công việc này do Sở hoặc phòng GD&ĐT sẽ lựa chọn những CBQL, giáo viên cốt cán thực hiện xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của từng trường phổ thông, hiệu trưởng nhà trường sẽ tổ chức sinh hoạt nghiên cứu bài học được dẫn dắt bởi các giáo viên cốt cán. Đó là mô hình sinh hoạt cộng đồng phát triển nghề nghiệp.

Hiệu trưởng nhà trường có thể hỗ trợ giáo viên trong đổi mới dạy học?

Hoàng Thị Lan, GV ở Hải Phòng

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Cảm ơn cô giáo Lan đã gửi câu hỏi tham gia chương trình!

Hiệu trưởng trước hết là một giáo viên và là giáo viên có chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Chính vì thế, Hiệu trưởng có thể hỗ trợ giáo viên đổi mới dạy học trên tinh thần của đồng nghiệp, của người đi trước.

Hiệu trưởng trước hết là một giáo viên và là giáo viên có chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Chính vì thế, Hiệu trưởng có thể hỗ trợ giáo viên đổi mới dạy học trên tinh thần của đồng nghiệp, của người đi trước. 
PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Mặt khác, Hiệu trưởng được trao quyền quản lý và phối hợp các nguồn lực trong nhà trường.

Chính vì thế hiệu trưởng hỗ trợ giáo viên đổi mới trong dạy học bằng chính cơ chế, chính sách của mình như bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng môi trường làm việc hợp tác, khen thưởng động viên những thành tích mà giáo viên đạt được... 

Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng. Việc bồi dưỡng này như thế nào để đạt được hiệu quả? 

Bạn đọc Ngọc Diễm (Chương Mỹ)

TS Hoàng Đức Minh:

Việc bồi dưỡng sẽ được thực hiện từ tháng 4/2019 với các modul chung để đảm bảo thông tin tổng quan và cần thiết nhất cho tất cả các đối tượng.

Ngoài ra còn các modul riêng với các đối tượng khác nhau cần nắm bắt để chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức thực hiện chươngn trình GDPT mới đồng bộ cùng với GV khi được bồi dưỡng đại trà thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay Bộ đã huy động các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và đầy đủ năng lực để thiết kế các modul này. Việc lựa chọn cốt cán cũng sẽ được thực hiện để có được lực lượng tốt nhất đáp ứng được yếu cầu vừa chỉ đạo vừa tư vấn hỗ trợ cho các cấp được quản lí khi thực hiện chương trình.

Trong quá trình đổi mới GD, chuẩn nghề nghiệp có là thước đo phẩm chất nhà giáo cả về chuyên môn và nghiệp vụ?

vanthuy1987@gmail...

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Cảm ơn bạn!

Chuẩn nghề nghiệp là thước đo phẩm chất, năng lực của nhà giáo để định hướng cho công tác đánh giá và bồi dưỡng giáo viên. Chuẩn mới ban hành cũng đã có những cập nhật yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, chuẩn không quy định mức tối đa cho sự phát triển. Chuẩn chỉ định hướng cho sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên. Trong quá trình đổi mới giáo dục, căn cứ trên chuẩn và điều kiện thực tế mà giáo viên cũng như nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu phù hợp, bổ sung những tiêu chí gắn với yêu cầu của địa phương và bối cảnh. 

Ví dụ như với trường chuyên hoặc trường chuyên biệt hoặc một địa bàn thành phố nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cao thì đòi hỏi phẩm chất và năng lực GV cao hơn những loại hình  trường và địa bàn khác.

Liệu triển khai tập huấn qua mạng có bảo đảm chất lượng hay không? 

Bạn đọc Đoàn Duy

TS Hoàng Đức Minh: Việc ứng dụng CNTT cho tập huấn GV đã được triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đợt này phần mềm của Bộ sẽ được thiết kế hoàn chỉnh từ việc quản lí đến việc đánh giá kết quả bồi dưỡng ở các cấp độ từ Bộ đến Sở đến các trường. Các GV phải đảm bảo yêu cầu của các modul học thì mới được cấp giấy chứng nhận. Với sự chuẩn bị kỹ càng của Bộ và sự tích cực, trách nhiệm của các thầy cô thì chắc chắn việc bồi dưỡng sẽ hiệu quả.

Dạy học là nghề, vừa mang tính khoa học lại vừa đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật, năng khiếu trong giảng dạy, nên chăng khi tuyển sinh sư phạm thì ngoài kiểm tra kiến thức, cần có kiểm tra năng khiếu sư phạm. 

Lê Văn Tuấn, GV Từ Liêm, Hà Nội

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Cảm ơn thầy gửi thư đến chương trình!

Theo tôi, đối với mọi ngành nghề, nếu chúng ta có năng khiếu phù hợp với ngành nghề đó thì cơ hội thành công sẽ cao hơn, không riêng gì sư phạm.

Đang giao lưu cùng chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 2
PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền trả lời câu hỏi trực tuyến của độc giả. Ảnh: Thế Đại.
Theo tôi, đối với mọi ngành nghề, nếu chúng ta có năng khiếu phù hợp với ngành nghề đó thì cơ hội thành công sẽ cao hơn, không riêng gì sư phạm.
             PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền 

Kiểm tra năng khiếu và năng lực chuyên biệt là vấn đề đã thực hiện đối với những lĩnh vực rất đòi hỏi năng khiếu ví dụ như nghệ thuật hay thể dục thể thao…

Tuy nhiên, đặt vấn đề năng khiếu cho tuyển sinh tất cả các khoa của trường sư phạm là ý tưởng cần được cân nhắc kỹ càng. Bản thân mỗi sinh viên khi đăng ký thi vào sư phạm cũng đã cân nhắc về năng lực, sở trường và hứng thú của mình. Tỷ lệ sinh viên vào học rồi bỏ vì thấy không phù hợp với ngành nghề là rất thấp.

Hiện tượng những giáo viên không thành công trong nghề nghiệp sau này cũng giống như nhiều ngành nghề khác là không thể tránh khỏi và do nhiều nguyên nhân gây ra, không thể quy về một lý do tuyển sinh sàng lọc ở các trường sư phạm. 

Hiện nay ngành đang thực hiện việc tinh giản biên chế, vậy việc sắp xếp lại đội ngũ giáo viên như thế nào để không thừa cũng không thiếu khi phải thực hiện dạy tích hợp. 

Trần Anh Thọ (Hà Nội)

TS Hoàng Đức Minh:

Việc dạy tích hợp vẫn sử dụng cơ bản lực lượng GV của các bộ môn hiện có (tổng thời gian môn tích hợp tương đương với các môn thành phần hiện nay). Do đó, không có hiện tượng đột biến trong việc thừa thiếu GV.

Tuy nhiên, thời gian trong môn tích hợp có xu hướng giảm một chút, các GV ngoài việc dạy sẽ tham gia các việc khác như chủ nhiệm, hoạt động tư vấn... và các trường sẽ kiểm soát việc tuyển dụng để không tạo ra sự thừa thiếu GV với cách xử lí như trên.

Trước yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới, GV cần tham gia giảng dạy theo hướng tích hợp, việc đào tạo giáo viên hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần phải có chiến lược bồi dưỡng GV như thế nào?

Nguyễn Thành, GV ở Lào Cai

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Cảm ơn thầy giáo đã gửi câu hỏi đến chương trình!

Dạy học theo hướng tích hợp đã được các giảng viên sư phạm nghiên cứu lý luận, thực tiễn, trong nước, ngoài nước. Những vấn đề về xây dựng chủ đề dạy học tích hợp, cách thức giảng dạy và đánh giá đã được biên soạn thành nhiều tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường sư phạm cũng như bồi dưỡng giáo viên, giúp giáo sinh và các giáo viên hiểu đúng, thực hiện đúng tinh thần của dạy học tích hợp, nhằm hình thành năng lực thực hiện ở người học.

Các trường sư phạm đã và đang đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tạo ra những module có tính kết nối các lĩnh vực khoa học với nhau, các Khoa cũng ngồi lại với nhau cùng xây dựng chương trình. Điều này sẽ giúp cho các giáo viên tương lai sẵn sàng thực hiện những nội dung tích hợp trong chương trình mới.

Phương pháp bồi dưỡng giáo viên mà Bộ cho hay là chủ yếu tự đào tạo qua internet, nhưng nhiều địa phương khu vực miền núi hiện nay không có internet, thậm chí còn không có điện thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chương trình bồi dưỡng. Theo ông để giải quyết vấn đề trên thì cần biện pháp gì? 

Lê Thị Thùy (GV ở Sóc Sơn)

TS Hoàng Đức Minh: Bộ cũng đã có phương án để giải quyết việc này ở các vùng khó khăn thông qua việc GV sẽ được tập trung ở cụm để bồi dưỡng, nơi có mạng internet hoặc sẽ đưa vào các thiết bị lưu như USB, đĩa CD... để GV chủ động khai thác và sử dụng trong thời gian phù hợp của mình và vẫn có lực lượng cốt cán hỗ trợ thông qua trao đổi trực tiếp hoặc tư vấn theo cụm.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế có ý nghĩa gì trong đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên phục vụ chương trình giáo dục mới?

nguyentunglam@gmail...

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Chào bạn, cảm ơn bạn!

Chương trình giáo dục mới có nhiều tiếp cận tiên tiến và học hỏi của nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Chính vì thế, những kinh nghiệm thành công của các quốc gia khác sẽ cho chúng ta bức tranh rõ ràng hơn về cách thức thực hiện đổi mới chương trình.

Trong đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, nhiều năm qua các dự án giáo dục của nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia giáo dục của nước ngoài đã đến Việt Nam và giúp giáo viên Việt Nam hiểu và thực hiện được đổi mới dạy học.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu giáo dục, bồi dưỡng giáo viên nhất là trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết.

Khi tích hợp một số môn với nhau, ở cấp THPT, các em lại được tự chọn các môn học, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đơn cử như việc năm nay môn học này có nhiều học sinh đăng ký, nhưng năm sau lại giảm đi, ban soạn thảo có giải thích rằng sẽ kết hợp một số giáo viên ở một số trường, nếu ở thành phố thì không có vấn đề gì, nhưng nếu ở vùng sâu, vùng xa, việc này được thực hiện ra sao, khi điều kiện đi lại hết sức khó khăn? 

Nguyenbang…@gmail.com

TS Hoàng Đức Minh: Ở cấp THPT với các môn học tự chọn sẽ tuyển số lượng GV tối thiểu cho các trường ở vùng thuận lợi để có thể thực hiện dạy ở nhiều trường trong vùng để đủ số giờ dạy ưu tiên số lượng GV trong quỹ biên chế để tuyển tối đa cho các trường ở vùng khó khăn đảm bảo cân đối giờ dạy, tránh gây khó khăn cho GV khi dạy ở các trường trong vùng mà việc đi lại khó khăn.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại phải thay đổi như thế nào để thật sự chất lượng, hiệu quả, tránh tình trạng “điểm danh, ghi tên”, rất hình thức, chung chung, học xong chẳng áp dụng, thực hiện được cái gì cả. 

Vũ Thu Trà (Long Biên)

TS Hoàng Đức Minh: Việc bồi dưỡng đổi mới chương trình lần này sẽ ứng dụng tối đa CNTT. Thông qua việc bồi dưỡng lực lượng cốt cán trước một bước, các bài giảng sẽ được đưa lên mạng để GV tiếp cận trực tiếp có sự hỗ trợ tư vấn của lực lượng cốt cán trong quá trình học của GV. Điều này sẽ giúp cho GV tiếp cận đầy đủ nội dung bồi dưỡng mà vẫn có sự tương tác, trao đổi và tháo gỡ khi cần thiết.

Dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp là những năng lực còn yếu kém ở đại bộ phận GV hiện nay nên việc bồi dưỡng GV nên như thế nào để đạt hiệu quả?

truongthuthao@yahoo....

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chương trình!

Từ trước tới nay giáo viên đã được đào tạo về dạy học phân hóa, dạy học cá biệt và thậm chí hiểu về dạy học tích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, điều này chưa được nhận diện rõ ràng và chú trọng thực hiện trên thực tiễn. 

Khi được đánh giá là “còn yếu kém” thì chắc chắn đó là nội dung cần được chú trọng bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng ở đây trước hết là nâng cao nhận thức cho giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp. Sau đó năng lực thực hiện của giáo viên cũng cần được đánh giá và củng cố.

Bên cạnh việc bồi dưỡng, giáo viên chúng tôi rất mong có được các bài giảng mẫu theo chương trình mới để học hỏi kinh nghiệm; không biết điều này có thể thực hiện được không? 

Lqthu…@gmail.com

GS-TS Đinh Quang Báo:

Trong hướng dẫn cho giáo viên thực hiện chương trình mới, ngoài hướng dẫn các vấn đế về lý luận, giáo viên còn được thực hành.

Để giáo viên thực hành tốt, cũng là để minh họa những lý thuyết giáo viên đã được tập huấn, trong chương trình bồi dưỡng sẽ thiết kế các bài giảng mẫu.

Đang giao lưu cùng chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 3
GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội tham gia buổi giao lưu trực truyến. 

Đây là đề xuất đã quán triệt được những vấn đề về lý luận và thực tiễn. Nhưng không có nghĩa giáo viên dập khuôn theo bài mẫu, vì phương pháp giảng dạy là vô cùng đa dạng. Bài mẫu chỉ là tham khảo để giáo viên trên cơ sở đó có nhiều sáng tạo hơn theo cách mà bài mẫu đã thể hiện.

Bài giảng mẫu được các nhóm tác giả có nhiều kinh nghiệm thực hiện khi nhóm tác giả này biên soạn một hệ thống tài liệu bồi dưỡng giáo viên trong cả nước. Vì vậy, hệ thống các bài tập huấn đó sẽ được bồi dưỡng theo 2 phương thức:

Phương thức bồi dưỡng trực tiếp theo các khóa bồi dưỡng tập trung của giáo viên; phương thức bồi dưỡng trực tuyến, nghĩa là các bài giảng được đưa lên mạng và hiện nay Bộ GD&ĐT đang thiết kế các mạng để phục vụ riêng cho các nội dung bồi dưỡng này.

Những giáo viên còn hơn 10 năm trong nghề như chúng tôi, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ thông tin, còn có thể học hỏi để thay đổi, nhưng với những thầy cô chỉ còn 5-7 năm nữa sẽ về hưu, liệu có thay đổi được không, cần giải quyết thế nào trong khi thời gian để chuẩn bị không còn nhiều? 

lengocdung…@gmail.com

TS Hoàng Đức Minh:

Với chủ trương đổi mới chương trình lần này tập trung vào đổi mới tổ chức học để HS được trải nghiệm nâng cao năng lực phẩm chất theo mục tiêu của mỗi môn học, cấp học.

Việc này đã và đang từng bước được thể hiện ngay trong chương trình hiện hành thông qua chỉ đạo của Bộ và triển khai ở địa phương.

Chính vì vậy, các GV đang thực hiện nhiệm vụ đều có thể tiếp cận được chương trình mới thông qua sự cố gắng của bản thân và việc bồi dưỡng trong quá trình tiếp cận chương trình mới.

Đang giao lưu cùng chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 4
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT). 

Trong thời cuộc 4.0, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo giáo viên nói viên cần có sự thay đổi cập nhật. Nên cân nhắc khả năng triển khai đào tạo thế hệ mới GV phổ thông các cấp ở trình độ thạc sĩ như cách làm ở các nước phát triển hay không?

Nguyễn Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội)

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền:

Chào bạn đã gửi câu hỏi tham gia chương trình!

Ở các nước phát triển ví dụ như Phần Lan, giáo viên dù ở bậc học nào đều có trình độ tối thiểu là thạc sĩ. Điều này cho thấy theo quan điểm của họ, giáo viên dù dạy học ở bậc học nào đều đòi hỏi trình độ năng lực sư phạm cao. Không phải dạy bậc học thấp thì chỉ cần đào tạo ở trình độ thấp.

Ở nước ta hiện nay, số lượng giáo viên và cán bộ quản lý tham gia học các khóa thạc sĩ càng ngày càng tăng lên và nhu cầu là rất lớn mặc dù chuẩn trình độ đào tạo chưa bắt buộc họ phải học như vậy. Điều này cho thấy xu thế tất yếu và nhu cầu người học là đạt tới trình độ thạc sĩ.

Tuy nhiên đặt ra yêu cầu đại trà trình độ thạc sĩ cho tất cả giáo viên Việt Nam hiện nay là chưa khả thi và cần có lộ trình.

Đang giao lưu cùng chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 5
 PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền -Trưởng khoa Quản lý giáo dục (Trường ĐHSP Hà Nội). 
Gửi câu hỏi ở đây
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu

 

Tác giả bài viết: Báo Giáo dục&Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập820
  • Hôm nay29,595
  • Tháng hiện tại307,725
  • Tổng lượt truy cập51,663,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944