Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”

Thứ ba - 19/03/2019 02:18 634 0

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”

GD&TĐ - Xoay quanh chương trình giáo dục phổ thông mới, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Giao lưu diễn ra từ 10h15 đến 11h45, với sự tham gia của các khách mời:

- GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới.

- PGS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Dự án Chương trình GD phổ thông mới

- GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên CT môn Lịch sử.

- GS Lê Thông - Chủ biên CT môn Địa lý.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi các câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 2
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới”. 
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Với những sinh viên hiện đang học năm 2, vẫn kịp thay đổi, nhưng với những sinh viên sư phạm học đến năm thứ 3, thứ 4, thì việc thay đổi khó hơn nhiều. Chương trình GDPT mới vừa được công bố, như vậy, từ thế hệ học sinh sinh năm 2001 mới bắt đầu được đào tạo theo đúng quy chuẩn mới, như vậy, đến khi nào chúng ta mới có một đội ngũ giáo viên phục vụ yêu cầu giảng dạy mới trên toàn quốc? 

Lequocthang…@gmail.com

PGS Nguyễn Xuân Thành :

Với các bạn SV khi đào tạo trong nhà trường không phải thuộc chương trình, kể cả chương trình sử dụng các nội dung trong phân tích chương trình hiện hành thì cũng vẫn phải theo định hướng chương trình mới.

Như vậy không chỉ bây giờ mà trước kia cũng thế, tất cả những kĩ năng của GV khi được đào tạo trong nhà trường đó là kĩ năng phát triển chương trình, từ những tài liệu để thiết kế thành bài giảng của mình để thực hiện các phương pháp dạy học tích cực.

Có nghĩa là trong đào tạo phải chú ý đến kĩ năng thực hành sư phạm. Kĩ năng thực hành sư phạm đó khi bây giờ thực hiện chương trình GDPT mới cũng phải thực hiện việc tổ chức như vậy để đảm bảo phát triển năng lực phẩm chất của HS.

Các em SV không phải bây giờ mới đang làm mà kể cả những SV ra trường vẫn tiếp tục thực hiện các lí thuyết và thực hiện những phương pháp kĩ thuật đã được đào tạo để thực hiện chương trình mới chứ không phải chương trình mới thay đổi toàn bộ.

Đối với chương trình mới so với chương trình cũ là thay đổi căn bản mục tiêu định hướng năng lực. Để đạt được mục tiêu đấy phải đổi mới phương pháp bằng cách tổ chức cho học sinh học để chiếm lĩnh kiến thức. Còn nội dung kiến thức sẽ khác trong chương trình hiện hành nhưng căn bản vẫn là những kiến thức nền tảng cơ bản.

Như dạy Vật lí thì dù Chương trình cũ hay chương trình mới đều có định lực Newton hay các loại lực. Hay dạy Toán thì vẫn có hình học, đại số.. Những cái đấy là nội dung kiến thức thì sẽ không thay đổi lớn. Quan trọng nhất là thay đổi phương pháp dạy học.

Có thể hiểu như thế nào về việc thực hiện CT Lịch sử và Địa lí (tiểu học và THCS) phải linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu của học sinh?

Lê Văn Tuấn, GV Từ Liêm, Hà Nội

GS Phạm Hồng Tung:

- Ở TH: trên cơ sở năm vững yêu cầu cần đạt, GV hoàn toàn có thể chủ động chọn “điểm” ở ngay địa phương mình, miễn là đảm bảo 2 mục tiêu quan trọng: làm cho HS thấy yêu thích môn học, lôi cuốn được HS và đáp ứng được yêu cầu về phát triển năng lực.

- THCS: có thể linh hoạt trong bố trí thời lượng, lựa chọn học liệu, phương pháp tổ chức dạy học.

Có một thực tế là, người dạy học theo kiểu truyền thống thì học trò đạt điểm cao và đỗ nhiều, còn người dạy theo phương pháp tích cực thì học trò đạt điểm thấp và đỗ ít. Vậy cách kiểm tra đánh giá thế nào, đặc biệt là với môn Lịch sử Địa lý. 

Cẩm Văn Linh (Hà Nội)

PGS Nguyễn Xuân Thành :

Việc dạy theo phương pháp tích cực, tổ chức hoạt động dạy học cho học sinh bao gồm HS tiếp nhận, vận dụng kiến thức tốt thì HS chắc chắn sẽ nắm sâu về kiến thức hơn và có năng lực để sử dụng các kiến thức đó giải quyết các vấn đề.

Như vậy chắc chắc không thể kém hơn người chỉ có truyền thụ kiến thức một chiều. Vì khi truyền thụ, học sinh chỉ nhớ được kiến thức đấy thôi chứ không thể nào có thể hiểu sâu sắc kiến thức để vận dụng được.

Đề thi kiểm tra đánh giá hiện nay, nhất là những năm gần đây và sắp tới áp dụng trong chương trình mới - đánh giá theo chuẩn của chương trình, theo yêu cầu cần đạt của chương trình là yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh.

Như vậy, việc đánh giá bằng ghi nhớ kiến thức, ghi nhớ máy móc sẽ không còn mà các đề thi đánh giá phải dựa trên năng lực vận dụng kiến thức đấy, sử dụng kiến thức đấy trong các tình huống mà đề bài đặt ra. Như thế, không có chuyện dạy theo phương pháp tích cực lại kém hơn phương pháp truyền thụ được mà còn ngược lại.

Phương thức và mức độ tích hợp trong Chương trình GDPT mới có phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực dạy học của giáo viên và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh hay không?

Nguyễn Thành, GV ở Lào Cai

GS Phạm Hồng Tung:

- Để thực hiện tốt việc tích hợp thì GV phải có ý thức trau dồi năng lực cả đời.

- Hiện nay, đa số GV sau khi được bồi dưỡng thì sẽ dạy tốt 4 chủ đề tích hợp cao

- Để có GV dạy LS&ĐL ở THCS cần có thời gian đổi mới Chương trình đào tạo ở các trường ĐHSP.

Khi kiểm tra đánh giá môn Lịch sử và Địa lý có cần những lưu ý đặc biệt gì hay không? 

Nguyendoa…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Tôi là chủ biên chương trình môn Địa lý nên xin phép chỉ nói về môn học này.

Mục đích của việc đánh giá ở môn Địa lí là nhằm vào sự tiến bộ trong học tập địa lí, sự phát triển của học sinh. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn Địa lí cần phải đảm bảo các nguyên tắc: toàn diện, khách quan, chính xác, phân hoá; kết hợp đánh giá trong suốt cả quá trình học tập (đánh giá quá trình) và đánh giá vào cuối kỳ, cuối năm học (đánh giá tổng kết); kết hợp đánh giá của giáo viên đối với học sinh và việc học sinh đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá; đánh giá định lượng và định tính; đánh giá lí thuyết và thực hành; đánh giá trong hoạt động trên lớp và ngoài lớp, ngoài thực địa,...

Chương trình sử dụng nhiều hình thức và công cụ đánh giá khác nhau như hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, kiểm tra miệng và kiểm tra viết, bài lí thuyết và bài thực hành,...; các phương pháp quan sát, đánh giá sản phẩm học tập của học sinh.

GV cần lưu ý những vấn đề gì khi sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng tin học trong dạy học Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học và cấp THCS?

hongvan1978@.....

GS Phạm Hồng Tung:

-Trước hết, GV phải sử dụng tốt các thiết bị dạy học “truyền thống” và hiện đại. Tôi thấy phấn và bảng vẫn rất quan trọng, GV vẫn tiếp tục sử dụng tốt, bởi vì ở tiểu học, ngay cả cách thầy cô viết bảng cũng có tác dụng GD rất mạnh tới HS.

Các thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy tính, thậm chí điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ cao khác cần phải được hướng dẫn cho HS và GV phát huy tác dụng tích cực. Chúng ta không được quay lưng lại với nó, vì nó đã là một bộ phận của cuộc sống. Đương nhiên, vì những thiết bị này đắt nên việc trang  bị chúng chắc không đơn giản.

-  Phát huy dạy học theo dự án, lôi cuốn sự tham gia của HS và tổ chức đi bảo tàng, thăm quan di tích lịch sử, văn hóa và các địa bàn, địa điểm địa lí đặc trưng. Việc này cần được tăng cường dù rất khó khăn ở cả thành phố và nông thôn. Nhưng chúng ta đều phải cố gắng để giải thoát môn Lịch sử và mọt số môn học khác khỏi tình trạng "dạy chay, học chay".

Trong chương trình mới, có những môn học tự chọn, học sinh có quyền chọn lựa một số môn học theo năng lực, sở trường của mình. Nhưng trong khi đó nhà trường giáo viên không đáp ứng được thì tính toán thế nào? 

Ngô Huyền (Phú Thọ)

PGS Nguyễn Xuân Thành :

Trong chương trình mới có môn tự chọn thì đó là những môn ở bậc THPT. Ở THPT thì có 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn từ 3 nhóm môn. Trong mỗi phần đó thì giáo viên và học sinh sẽ chọn tối thiểu là 1 và tối đa là tất cả để đảm bảo 5 môn tự chọn này.

Trong thông tư 32 đã ghi rất rõ là căn cứ vào điều kiện thực tiễn của nhà trường và đội ngũ giáo viên xây dựng những tổ hợp phù hợp để cho HS lựa chọn.

Có nghĩa là việc lựa chọn đó một mặt là quyền lựa chọn của HS nhưng một mặt cũng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của GV, của nhà trường chứ không phải lựa chọn này sẽ dẫn đến tình trạng có GV sẽ quá tải và có GV sẽ không có việc làm.

Đối với các nước thì cũng không có phần lựa chọn, khi có phần lựa chọn đấy thì cũng phải định hướng số các nhóm ngành chứ không để tình trạng có GV nhiều HS quá không dạy hết có GV lại không có việc làm.

Giáo viên cần có phương pháp bổ sung thế nào để làm bật nội dung “điểm” trong môn Lịch sử và Địa lý?

Nguyễn Thị Thuỷ, GV trường tiểu học Hải Phòng

GS Phạm Hồng Tung:

- Ở TH: GV phải tích cực, chăm chỉ tham khảo các tài liệu hướng dẫn và các học liệu, tài liệu tham khảo.

- Tìm hiểu kĩ Chương trình (cột bên phải: yêu cầu cần đạt) để nắm chắc logic và yêu cầu của từng mạch nội dung.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 3
GS Phạm Hồng Tung.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí (THCS) có những điểm gì khác so với chương trình môn Lịch sử và chương trình môn Địa lý hiện hành? 

caolan198@yahoo....

GS Phạm Hồng Tung:

- Cấu trúc: Nội dung giáo dục Lịch sử và Địa lý sẽ được thiết kế thành hai mạch nội dung tương đối độc lập: Lịch sử trình bày theo mạch thông sử với sự tích hợp nội môn: LS VN , LS khu vực và LSTG; Địa lí sẽ thiết kế theo chiều không gian: VN, khu vực, thế giới.

-  Nội dung giáo dục: đưa vào những nội dung mới dựa trên thành tựu cập nhật của sử học và địa lí, bao gồm cả những nội dung trước đây bị coi là “nhạy cảm”, ví dụ như lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trận chiến Gạc Ma năm 1988...

- Tích hợp: 4 chủ đề: Phát kiến địa lý, Đô thị, Biển Đông, Châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Mê Kông.

- Tiếp cận năng lực., thay vì đặt trọng số vào việc học thuộc và ghi nhớ kiến thức thì trọng số sẽ được đặt vào việc giúp HS phát triển những năng lực chung và năng lực môn học, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của công dân Việt Nam toàn cầu.

Đặc điểm của môn Lịch sử và Địa lí (tiểu học) khác môn Lịch sử và Địa lý ở THCS như thế nào? 

Đặng Thu Uyên (Bình Dương)

GS.TS Lê Thông:

Tôi là chủ biên chương trình môn Địa lý nên xin phép chỉ nói về môn học này.

Ở tiểu học, các kiến thức về địa lý thường đơn giản, gắn với trình độ hiểu biết của học sinh và chưa trở thành hệ thống (ví dụ: về các vùng chỉ trình bày 5 vùng chứ không phải 7 vùng như ở THCS). Trong khi đó, ở THCS các kiến thức về địa lý được sắp xếp một logic: địa lý đại cương, địa lý châu lục, địa lý Việt Nam (tự nhiên, kinh tế xã hội).

Toàn bộ giáo viên phải tự học để bổ sung năng lực chuyên môn và kĩ năng giảng dạy mới. Để dạy được theo đúng tinh thần và chương trình mới này, giáo viên phải nỗ lực rất nhiều. Ví dụ: Lịch sử và Địa lý sẽ gộp lại thành 1 môn học. Như vậy nhiều giáo viên sẽ bị đào thải. Giáo viên không muốn bị đào thải thì phải làm gì? 

namdoan…@gmail.com

PGS Nguyễn Xuân Thành :

Chương trình Lịch sử và Địa lí cũng như chương trình môn KHTN được thiết kế từ các kiến thức của các phân môn trước đây. Nhưng hiện nay Lịch sử Địa lí vẫn được thiết kế 2 phần là Lịch sử Địa lí độc lập và những chủ đề tích hợp, những kiến thức liên quan tới cả Lịch sử và Địa lí.

Tương tự như vậy đối với môn KHTN có 3 mạch kiến thức tương ứng với Vật lí, Hóa học và Sinh học cũng tương đối độc lập.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 4
Hà Nội sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Bá Hoạt - Hà Nội Mới.  

Với cơ cấu GV hiện tại thì Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các GV những phần kiến thức bổ sung. Tuy nhiên, vẫn có thể sắp xếp cho các thầy cô, giáo viên ở bộ môn nào hiện nay có thể đảm nhận phần kiến thức đấy của môn đấy trong chương trình môn KHTN cũng như Lịch sử Địa lí.

Chương trình Lịch sử và Địa lí cũng như chương trình môn KHTN được thiết kế từ các kiến thức của các phân môn trước đây. Nhưng hiện nay Lịch sử Địa lí vẫn được thiết kế 2 phần là Lịch sử Địa lí độc lập và những chủ đề tích hợp, những kiến thức liên quan tới cả Lịch sử và Địa lí. 
               PGS Nguyễn Xuân Thành

Về lâu dài, trong quá trình triển khai có GV còn trẻ mới bắt đầu sẵn sàng tham gia thì sẽ có phần bồi dưỡng gọi là đào tạo bổ sung học phần tương ứng của các môn còn lại để có thể đáp ứng được yêu cầu một mình phụ trách toàn bộ môn đấy.

Hiện nay các trường sư phạm cũng thiết kế chương trình đào tạo  GV ngay từ đầu đáp ứng yêu cầu dạy những môn này.

Như vậy, các thầy cô hiện nay đang phụ trách các môn riêng thì cũng không phải lo vì trong phân phối chương trình, bố trí thời khóa biểu của các nhà trường cũng đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng đội ngũ giáo viên hiện hành với cơ cấu hiện hành chứ không có sự xáo trộn lớn về GV.

Sự tích hợp lịch sử và địa lí được thể hiện trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí (tiểu học) như thế nào? 

Bạn đọc Thu Trang (Thủ Đức)

GS.TS Lê Thông:

Sự tích hợp lịch sử và địa lý trong chương trình mới của môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học được thể hiện thông qua các chủ đề từ gần đến xa:

1. Địa phương em và các vùng miền của Việt Nam (địa phương, Miền núi và trung du Bắc bộ, Đồng bằng Bắc bộ, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Nam bộ).

2. Việt Nam (Đất nước và con người Việt Nam, Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, Các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc).

3. Thế giới (Các nước láng giềng và khu vực Đông Nam Á, Tìm hiểu thế giới, Chung tay xây dựng thế giới).

Chương trình môn Lịch sử góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất, năng lực và năng lực chuyên môn nào? Xin ông cho ví dụ cụ thể?

tung1974@gmail.....

GS Phạm Hồng Tung:

Chào bạn!

Môn Lịch sử cùng với các môn học khác đều góp phần giúp HS phát triển các năng lực chung như tự chủ, tự học, giao tiếp hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Riêng với môn Lịch sử, do đặc thù của mình, chúng tôi tập trung vào 3 nhóm năng lực:

Thứ nhất là năng lực tìm hiểu lịch sử. Tức là giúp cho HS biết cách tìm kiếm, thu thập, vận dụng tài liệu để tìm hiểu về sự kiện, nhân vật và quá trình lịch sử.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 5
Một giờ học thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới. ẢNH T.N.

Thứ 2, là năng lực tái hiện và phân tích lịch sử. Tức là biết trình bày lịch sử cho có đầu có đuôi, sao cho trung thực và khách quan. Sau đó, HS biết cách phân biệt đúng sai, tìm tòi nguyên nhân, đánh giá  ý nghĩa, tác động và biết được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, đâu là thiện, đâu là ác.

Thứ ba, năng lực vận dụng tri thức và bài học lịch sử vào cuộc sống. Ở đây không chỉ là vận dụng bài học kinh nghiệm mà hiểu biết lịch sử tạo nền tảng cho HS đi vào những nghề nghiệp cụ thể như du lịch, bảo tồn văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa.

Về phẩm chất, môn Lịch sử trực tiếp góp phần bồi dưỡng tình cảm yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần nhân văn nhân ái. Cụ thể ở đây là thái độ và lòng biết ơn với cha ông, hiểu rõ trách nhiệm của bản thân với đất nước, với xã hội, biết tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa, các dân tộc và các tôn giáo...      

Cả Lịch sử và Địa lý đều là môn học luôn sử dụng nhiều phương tiện dạy học. Xin chuyên gia cho biết làm sao để sử dụng có hiệu quả phương tiện dạy học và công nghệ thông tin với môn Lịch sử và Địa lí? 

Namletrinh…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Trong dạy học địa lí theo định hướng phát triển phẩm chất, năng

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 6

lực, các thiết bị dạy học có vai trò rất quan trọng.

Các thiết bị dạy học của môn Địa lí bao gồm: Bản đồ, atlat địa lí, tập bản đồ địa lí; các biểu đồ, sơ đồ, lược đồ, lát cắt; tài liệu, tư liệu (niên giám thống kê, số liệu kinh tế - xã hội,...);

Tranh ảnh về các sự vật, hiện tượng địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế - xã hội; mô hình, mẫu vật; các dụng cụ, thiết bị (la bàn, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế, máy ảnh,...);

Các phần mềm dạy học, video clip; các thư viện số (digital) chứa các kho tư liệu dạy học địa lí.

Để sử dụng có hiệu quả, trước hết thầy cô giáo phải chú ý từng loại thiết bị gắn với từng bài học cụ thể và thường xuyên sử dụng để khai thác kiến thức. Riêng đối với CNTT, đây là một lợi thế cho việc giảng dạy môn Địa lý ở phổ thông.

Thông qua CNTT, học sinh có thể thu thập tài liệu khi phải làm các bài tập dự án, các bài thực hành, các chuyên đề.

Khi báo cáo kết quả của một bài tập nào đó, học sinh phải trình bày qua power point với các tranh ảnh và video clip. Tất nhiên việc này đối với các trường vùng sâu, vùng xa còn có nhiều khó khăn.

Việc tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lí có đi ngược với xu thế chuyên môn hóa hay không? Có đào tạo được học sinh giỏi và có giảm khả năng cạnh tranh việc làm của học sinh trong tương lai? 

phanvantruong…@gmail.com

PGS Nguyễn Xuân Thành :

Lịch sử Địa lí cũng như môn KHTN ở cấp THCS từ lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục cơ bản, đòi hỏi trang bị cho học sinh kiến thức nền tảng cơ bản ở phổ thông, có tích hợp định hướng nghề nghiệp.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 7
PGS Nguyễn Xuân Thành: "Việc xây dựng môn học mới như KHTN hay Lịch sử Địa lí là xu hướng chung của quốc tế...".

Việc xây dựng môn học mới như KHTN hay Lịch sử Địa lí là xu hướng chung của quốc tế, để những kiến thức đòi hỏi trong các phân môn đấy liên hệ trực tiếp với điều kiện tự nhiên, xã hội, thường sẽ bao gồm những kiến thức đó trong hiện tượng nào đấy.

Vì vậy khi thiết kế chương trình, để đảm bảo cho việc HS được khai thác kiến thức một cách tổng quát hơn, đầy đủ hơn thì điều này không đi ngược lại với xu hướng chung của quốc tế và định hướng nghề nghiệp.

Nội dung chương trình môn Lịch sử cấp THPT lần này không thiết kế theo mạch thông sử mà theo hệ thống chủ đề. Vậy trong quá trình dạy học, GV có những thuận lợi và khó khăn gì?

truongthuthao@yahoo...

GS Phạm Hồng Tung:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chương trình!

- Thuận lợi:

+ GV có thể tổ chức linh hoạt kịch bản và phương pháp dạy học cho từng chủ đề, sao cho phù hợp với học sinh. Theo nguyên tắc “mở”, GV hoàn toàn có quyền chủ động trong cách chọn trọng tâm nội dung của từng chuyên đề, chủ đề - đương nhiên phải căn cứ trên “yêu cầu cần đạt” của chương trình;

+ GV và học sinh có quyền chủ động trong lựa chọn học liệu;

+ Phát huy được tối đa trí sáng tạo và thế mạnh của GV và học sinh.

+ Giải thoát được tình trạng HS phải học đi học lại những vấn đề giống nhau theo kiểu nhồi nhét, học thuộc.

-   Khó khăn:

+ GV phải làm quen với việc đọc và hiểu đúng chương trình. Đây là điều quan trọng nhất. GV nên bắt đầu bằng việc đọc và hiểu thật rõ "yêu cầu cần đạt" của từng chủ đề hoặc chuyên đề. Sau đó mới quan tâm đến cột gợi ý về nội dung dạy học. Những nội dung này chỉ là phương tiện để đạt đến yêu cầu cần đạt. Trên cơ sở đó, GV chủ động lựa chọn kịch bản và phương pháp dạy học phù hợp.

+ GV phải đầu tư thêm thời gian để hệ thống hóa kiến thức, lựa chọn phương pháp và kịch bản cho từng chủ đề, chuyên đề;

+  GV phải thực sự là người hướng dẫn, phát huy được sự tham gia tích cực của học sinh. Tôi biết đây là việc không dễ nhưng chúng ta hãy đặt lòng tin vào học trò của mình. Khi các em tìm thấy sự hữu ích và thú vị thì các em sẽ sáng tạo rất tốt, tốt hơn nhiều sự mong đợi của chúng ta.

Hiện nay, môn dạy học Lịch sử, Địa lý, giáo viên vẫn được yêu cầu lồng ghép, kết hợp với giáo dục môi trường, giới, phát triển bền vững. Vậy trong chương trình mới thì sao? Cần chú ý gì khi kết hợp giáo dục môi trường, giới, phát triển bền vững vào trong môn Lịch sử và Địa lí ở THCS? 

Buianhkhoa…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Trong chương trình mới của môn Địa lý, việc tích hợp các chủ đề như giáo dục môi trường, biển đảo, phát triển bền vững… vẫn được tiếp tục tiến hành.

So với các môn học khác, Địa lý là môn học có nhiều thuận lợi để tích hợp các chủ đề mà xã hội có nhu cầu.

Ngoài các chủ đề đã được tích hợp trong chương trình hiện hành, môn Địa lý còn có thể tích hợp thêm một số chủ đề khác, phụ thuộc vào thực tiễn ở thế giới và Việt Nam (ví dụ như tăng trưởng xanh...).

 

Định hướng về phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh như thế nào thưa GS?

Trần Đại Nghĩa (TP Hà Nội)

GS Nguyễn Minh Thuyết :

Chương trình giáo dục phổ thông mới xác định mục tiêu hình thành phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Chương trình cũng xác định mục tiêu hình thành, phát triển 10 năng lực, bao gồm: 3 năng lực chung và các năng lực đặc thù gắn với mỗi môn học.

Các phẩm chất chủ yếu và năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực toán học, năng lực khoa học,...) có thể được hình thành thông qua hai con đường: 

Thứ nhất, thông qua nội dung các bài học cụ thể.

Thứ hai là thông qua phương pháp dạy học.

Các năng lực chung chủ yếu được hình thành thông qua phương pháp dạy học.

Bằng cách hướng dẫn học sinh thu thập và phân tích cứ liệu lịch sử, địa lý, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế, môn Lịch sử và Địa lý sẽ bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất tốt đẹp, các năng lực về khoa học và các năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo).

Nội dung giáo dục trong Chương trình Lịch sử được phát triển từ nội dung Lịch sử ở môn Lịch & Địa lí cấp tiểu học và THCS như thế nào?    

Nguyễn Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội)

GS Phạm Hồng Tung:

Ở cấp THPT, nội dung giáo dục được tổ chức thành các chủ đề và chuyên đề. Như vậy, vừa đảm bảo kế thừa, củng cố nội dung giáo dục lịch sử ở các cấp TH và THCS, đồng thời có mở rộng, nâng cao và hệ thống hóa hơn nữa trong hệ thống các chủ đề và chuyên đề.

Bên cạnh đó, sẽ có những nội dung định hướng nghề nghiệp để giúp cho HS biết cách vận dụng hiểu biết lịch sử vào cuộc sống và sau này họ có thể tự mình học tập lịch sử suốt đời.

Một trường còn khó khăn như chúng tôi, việc hình thành, củng cố và phát triển kiến thức cơ bản cho học sinh rất được coi trọng. Chuyên gia có thể cho biết, để hình thành, phát triển kiến thức cơ bản cho học sinh với môn Lịch sử và Địa lý cần được chú ý như thế nào? 

Trần Ngọc Linh (TP.HCM)

GS.TS Lê Thông:

Đối với việc hình thành kiến thức cơ bản dù ở bất cứ môi trường giáo dục nào cũng cần phải chú ý một số khâu sau đây:

1. Nội dung kiến thức: cần tinh giản, chắt lọc những kiến thức thiết yếu.

2. Phương pháp giảng dạy: cần lựa chọn và đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy và kỹ thuật dạy học sao cho thích hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và của học sinh. Khâu này cực kỳ quan trọng và cũng là một trong những trọng tâm đổi mới giáo dục hiện nay của nhà trường.

Tính mở và tính liên thông ở CT môn Lịch sử được thể hiện như thế nào? Xin ông cho ví dụ cụ thể?

nguyentunglam@gmail.....

GS Phạm Hồng Tung:

Chào bạn!

Mở và liên thông là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 8

quá trình xây dựng và phát triển chương trình. Chúng tôi rất hi vọng nguyên tắc này cũng được phát huy trong quá trình học và dạy của thầy và trò trong nhà trường

Trước hết nói về tính  mở của chương trình: Chương trình chỉ quy định yêu cầu cần đạt của toàn cấp và của từng chủ đề, chuyên đề. Còn lại, không gian sáng tạo của GV và HS là vô biên.

HS và GV có thể mở rộng các yêu cầu cần đạt sao cho phù hợp với năng lực và sở thích của mình và phù hợp với yêu cầu cuộc sống.

Giờ đây, SGK không còn là tài liệu có tính chất "pháp lệnh" mà chỉ là một học liệu cơ bản. GV và HS  nên và cần phải tham khảo rộng rãi các nguồn học liệu khác nhau.

Trong chương trình, chúng tôi chỉ gợi ý về sự phân bổ thời lượng. Trong thực tế, nhà trường và GV hoàn toàn có thể linh hoạt về thời lượng, kịch bản, phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng nội dung hoặc hoạt động GD, phù hợp với đối tượng HS.

Về tính liên thông:

+ Liên thông dọc: Là sự liên thông với nền tảng kiến thức thông sử của HS đã có sau khi kết thúc cấp THCS.

+ Liên thông với các môn học khác, như Ngữ Văn, GDCD (kinh tế và pháp luật), Địa lý với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

+ Liên thông với giáo dục nghề nghiệp cho HS: Trong giảng dạy và học tập, GV và HS phải luôn luôn liên hệ xem từng nội dung lịch sử có thể và cần được vận dụng như thế nào trong cuộc sống hiện nay (Ví dụ để phát triển du lịch, để sáng tác các kịch bản phim, sân khấu, các tác phẩm nghệ thuật, hoặc rút ra bài học để giải quyết những vấn đề đang đặt ra).

Xin hỏi chủ biên chương trình môn Địa lý, chương trình mới môn Địa lý về nội dung học có khác biệt nhiều so với chương trình hiện hành không? Nếu khác thì cụ thể là gì? Xin cảm ơn! 

Lê Phương (Thái Nguyên)

GS.TS Lê Thông:

Câu hỏi này tôi đã trả lời trên báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 20/2/2019. Xin lưu ý một số điểm mới sau:

1. Chương trình đảm bảo tính cơ bản, cập nhật, thực tiễn, khả thi (đưa vào nội dung chương trình lớp 11 Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ở lớp 12, các ngành công nghiệp được trình bày theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam…)

2. Coi trọng thực hành để học sinh được trải nghiệm nhiều hơn.

3. Đảm bảo tính kế thừa, liên thông với chương trình hiện hành và với các cấp học).

4. Tạo điều kiện nhiều hơn cho việc dạy học tích hợp.

5. Ở mỗi lớp có chuyên đề nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 9
Trong chương trình GDPT mới, môn tích hợp lịch sử và địa lý được giảng dạy ở tiểu học và THCS. Ảnh minh họa.

Chuyên gia của chương trình cho biết thời lượng cho các môn học trong Chương trình giáo dục Địa lí ở phổ thông được phân bố ra sao? Có phải nếu học sinh theo học các môn khoa học tự nhiên thì có thể không phải học Địa lý hay không? 

hoanghaihong…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Xin độc giả tham khảo chương trình môn Địa lý đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018. Các thắc mắc của độc giả đều được trả lời trong chương trình này.

Ở THPT, Địa lý là môn học tự chọn, do đó học sinh có thể chọn học hoặc không học môn Địa lý tùy theo nguyện vọng của mình.

Giáo viên cần có phương pháp bổ sung thế nào để có thể dạy được tích hợp Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS – thưa GS?

nguyenchung***@gmail.com

GS Nguyễn Minh Thuyết :

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp cao ở cấp học dưới, phân hóa dần ở cấp học trên. 

Nghị quyết 88 của Quốc hội cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết 29 thêm một bước: Quy định lồng ghép một số nội dung liên quan của các môn học trong chương trình hiện hành ở tiểu học và THCS thành môn học tích hợp.

Thực hiện các Nghị quyết trên, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng 2 môn học tích hợp ở THCS là: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Điều này là phù hợp với quy trình nhận thức của con người và xu thế giáo dục tích hợp của các nước trên thế giới.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 10
GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.

Tuy nhiên, việc xây dựng môn học tích hợp phù hợp với đặc trưng của các ngành khoa học và thực tế của nước ta (lần đầu tiên thực hiện tích hợp ở THCS).

Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình SGK phổ thông cũng nêu rõ: Yêu cầu tích hợp một cách hợp lý.

Căn cứ vào các yêu cầu nói trên, chương trình môn Lịch sử và

Hai điều quan trọng cần chú ý trong giảng dạy môn tích hợp Lịch sử - Địa lý: Thứ nhất, tuy dạy theo phân môn nhưng giáo viên phải dạy mỗi phân môn trên nguyên tắc liên hệ chặt chẽ với phân môn khác.

Thứ hai, giáo viên phải chú trọng khắc phục lối dạy lý thuyết đơn thuần.

Giáo viên chú ý trang bị cho học sinh công cụ làm việc, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế.

 
GS Nguyễn Minh Thuyết

Địa lý thể hiện sự tích hợp giữa hai ngành khoa học này ở mức độ phù hợp. Môn học này gồm 2 phân môn: Phân môn Lịch sử thiết kế theo mạch thời gian, phân môn Địa lý thiết kế theo mạch không gian. Hai phân môn đều được thiết kế để phối hợp với nhau, hỗ trợ và soi sáng cho nhau.

Bên cạnh đó còn có 4 chủ đề tích hợp cao, gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; Đô thị - Lịch sử và hiện tại; Văn  minh Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long; Các cuộc đại phát kiến địa lý.

Với thiết kế như trên, giáo viên Lịch sử sẽ dạy phân môn lịch sử và những chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình. Tương tự giáo viên Địa lý cũng sẽ thực hiện dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn được đào tạo của mình.

Dĩ nhiên nhà trường và tổ bộ môn sẽ tổ chức phân công một cách hợp lý và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên dạy các phân môn.

Về phương pháp dạy học, có hai điều quan trọng cần chú ý:

Thứ nhất, tuy dạy theo phân môn nhưng giáo viên phải dạy mỗi phân môn trên nguyên tắc liên hệ chặt chẽ với phân môn khác.

Thứ hai, giáo viên phải chú trọng khắc phục lối dạy lý thuyết đơn thuần. Giáo viên chú ý trang bị cho học sinh công cụ làm việc, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế.

Thực tế những năm qua, môn lịch sử là một môn học bắt buộc, độc lập nhưng học sinh vẫn thờ ơ, không thích học môn này. Theo ông, GV cần thay đổi PPDH như thế nào để đáp ứng CT Lịch sử mới, đồng thời làm cho học sinh yêu thích học sử hơn? Ngoài đổi mới CT và PPDH, cần đổi mới dạy học lịch sử trên những bình diện nào khác (sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá)?

nguyenthuhuong65@....

GS Phạm Hồng Tung:

Một số vấn đề sau đây có thể và cần thiết giải quyết:

Thứ nhất, thông qua việc tổ chức dạy và học Lịch sử (LS) phải làm cho HS hiểu thật rõ lịch sử là một môn khoa học, thậm chí là một môn KH lý thú, hữu ích cho cuộc sống hiện nay của các em chứ không phải là môn học thuộc hoặc chỉ để tuyên truyền, nhồi sọ.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 11
 Trong chương trình GDPT mới, lịch sử và địa lý được tích hợp trong một môn đó là môn Lịch sử và Địa lý, được giảng dạy ở tiểu học và THCS.

Thứ hai, các thầy cô giúp cho HS hiểu rõ mối quan hệ giữa LS với cuộc sống; đặc biệt là vai trò của LS đối với những nghề “hot” thuộc các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch, quản lý – lãnh đạo vv…

Ví dụ như trước đây chúng ta dạy Sử những rất ít nói cho HS biết học sử đề làm gì. Trong chương trình  mới sẽ có những chủ đề và chuyên đề. Ví dụ: Lịch sử với phát triển công nghiệp văn hóa, lịch sử với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Những chuyền đề này phù hợp với việc phát triển các ngành hot như du lịch, điện ảnh, thậm chí game online...Đây là những ngành nghề mang lại thu nhập cao, rất hấp dẫn giới trẻ, hữu ích cho xã hội.

Để thoát khỏi tình trạng "trò khỉ" bắt buộc phải đổi mới thi cử và đánh giá, thay vì kiểm tra khả năng học thuộc ghi nhớ máy móc của học trò thì phải đặt trọng số vào việc đánh giá năng lực hiểu biết, phân tích và vận dụng tri thức lịch sử theo nguyên tắc đánh giá tích cực. 
GS Phạm Hồng Tung

Những chuyền đề này phù hợp với việc phát triển các ngành hot như du lịch, điện ảnh, thậm chí game online...Đây là những ngành nghề mang lại thu nhập cao, rất hấp dẫn giới trẻ, hữu ích cho xã hội.

Nếu HS say mê với game, tái hiện những trận đánh vĩ đại của cha ông trong lịch sử thì không chỉ giúp ngăn ngừa các em sa vào các game bạo lực vô nghĩa mà còn thông qua đó, giúp các em và xã hội hiểu rõ hơn lịch sử. Làm tốt game này sẽ mang lại thu nhập chính đáng, xứng đáng với lao động và sự sáng tạo của các em. 

Thứ ba, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của thầy và trò cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó yêu cầu đặt ra là dạy và học Lịch sử phải trở thành một hoạt động sáng tạo chứ không phải là thuần túy học thuộc rồi trả lại bài học thuộc (tôi gọi đó là "trò khỉ").

Để thoát khỏi tình trạng "trò khỉ" bắt buộc phải đổi mới thi cử và đánh giá, thay vì kiểm tra khả năng học thuộc ghi nhớ máy móc của học trò thì phải đặt trọng số vào việc đánh giá năng lực hiểu biết, phân tích và vận dụng tri thức lịch sử theo nguyên tắc đánh giá tích cực.

Thứ tư, trong tổ chức GD khắc phục nhanh sự phân biệt “môn chính” với “môn phụ”. Chính sự phân biệt này đã và đang "giết chết" môn Lịch sử và một số môn khác.

Việc chuyển các môn thi chuyển cấp và tốt nghiệp, tuyển sinh thành các môn thi tổ hợp chỉ mới là một giải pháp để khắc phục tình trạng môn chính môn phụ. Sẽ còn rất nhiều việc mà hệ thống GD cần phải làm để trả lại vị trí tương xứng cho môn Lịch sử và một số môn khác.

Tôi là giáo viên dạy Địa lý ở THPT. Tôi rất cảm ơn nếu chuyên gia giúp tôi và các đồng nghiệp biết mình cần chuẩn bị những điều gì, bổ sung kiến thức chuyên môn, kĩ năng ra sao để có thể bắt ngay vào dạy học theo chương trình mới? 

Đặng Thu Trà (Mê Linh)

GS.TS Lê Thông:

Là giáo viên hiện đang đứng lớp ở THPT, các thầy cô cần chuẩn bị trước hết là tâm thế để bước vào giảng dạy chương trình mới. Một trong những điểm mới của chương trình là chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.

Vì vậy, bên cạnh những kiến thức, kĩ năng, các thầy cô giáo cần

Một trong những điểm mới của chương trình là chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. 
GS.TS Lê Thông

hướng việc giảng dạy vào hình thành và phát triển năng lực cho học sinh. Về kiến thức, bên cạnh sách giáo khoa, các thầy cô có thể tham khảo nhiều kênh thông tin (internet, sách vở, báo chí,…).

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều chương trình tập huấn cho các thầy cô về chương trình, về sách giáo khoa. Theo tôi, vấn đề quan trọng hàng đầu là tâm huyết của các thầy cô cho việc đổi mới chương trình GDPT và cho ngành Địa lý.

Lịch sử và Địa lý là 2 môn khoa học rất khác nhau. Tôi thực sự chưa hình dung được kiến thức 2 khoa học này sẽ được “dung hòa” với nhau như thế nào trong môn Lịch sử và Địa lý. Rất mong được nghe chia sẻ từ chuyên gia của chương trình? 

Phan Anh Tặng (Từ Liêm)

GS.TS Lê Thông:

Tích hợp là một trong những xu hướng chung hiện nay của thế giới mà nước ta không thể đứng ngoài cuộc.

Trong chương trình GDPT mới, lịch sử và địa lý được tích hợp trong một môn đó là môn Lịch sử và Địa lý, được giảng dạy ở tiểu học và THCS.

Ở tiểu học, Lịch sử và Địa lý là một môn học nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức đơn giản theo các chủ đề từ gần đến xa như: Địa phương em và các vùng miền của Việt Nam, Việt Nam, Thế giới. Hệ thống kiến thức được đưa vào giảng dạy dưới dạng các câu chuyện để học sinh dễ tiếp thu. Lúc này không còn ranh giới giữa lịch sử và địa lý.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 12
GS.TS Lê Thông: "Trong chương trình GDPT mới, lịch sử và địa lý được tích hợp trong một môn đó là môn Lịch sử và Địa lý, được giảng dạy ở tiểu học và THCS...". 

Ở THCS, Lịch sử và Địa lý là một môn được tích hợp ở mức thấp, khác hẳn môn Khoa học tự nhiên trong chương trình GDPT mới. Lịch sử và Địa lý vẫn dạy riêng, tuy nhiên có một số chủ đề tích hợp, như: Các cuộc đại phát kiến địa lý, Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ở THPT, Lịch sử và Địa lý là 2 môn học độc lập và là 2 môn học tự chọn.

Với cách thiết kế như vậy, các kiến thức của lịch sử và địa lý có thể tích hợp được với nhau ở mức độ khác nhau: Ở tiểu học, tích hợp nhuần nhuyễn hơn; ở THCS, tích hợp ở mức thấp; còn ở THPT đó là các môn học riêng.

Ban soạn thảo đã xây dựng các chủ đề chung trong CT Lịch sử và Địa lí dựa trên cơ sở nào? Mối liên hệ giữa các chủ đề trong môn học? 

Đỗ Thị Hà, GV ở Thanh Hoá

GS Phạm Hồng Tung:

Chào bạn đã gửi câu hỏi đến chương trình!

Về cơ sở khoa học: Đó phải là những chủ đề có tính tích hợp lịch sử và địa lí rất cao; góp phần tốt nhất vào việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Về cơ sở thực tiễn: Có nhiều tài liệu tham khảo để GV có thể sử dụng như những học liệu hữu ích, HS cũng dễ tìm kiếm trên thư viện, mạng internet để phục vụ cho việc dạy và học của cả thầy và trò;

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 13
GS Phạm Hồng Tung trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Giáo dục&Thời đại.

4 chủ đề này phù hợp với năng lực của giáo viên. Nếu trước đây GV được đào tạo về Địa lý hay Lịch sử đều có thể tự tham khảo tài liệu, tham khảo chương trình và được bồi dưỡng tập huấn thêm là có thể dạy được ngay.

Vấn đề biển đảo Việt Nam và châu thổ sông Hồng, sông Mê Kong là những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tri thức về 2 vấn đề này là hành trang bắt buộc của HS trở thành công dân VN toàn cầu. 
GS Phạm Hồng Tung

Cơ sở thực tiễn thứ 3, ở đây là 4 chủ đề đang được xã hội quan tâm như chủ đề phát kiến địa lý thuộc vấn đề lịch sử thế giới từ thế kỷ 15, 16...,  nhưng những tác động lịch sử vẫn còn đang nóng hổi với thế giới toàn cầu hóa.

Hay chủ đề Đô thị, nó không còn chỉ là chủ đề với lịch sử đã qua, ví dụ như những đô thị trung cổ, hay những cảng thị như Hội An, Phố Hiến...mà nó còn là vấn đề đô thị hóa rất thú vị và hấp dẫn hiện nay, tạo cơ sở cho  sự hình thành đô thị thông minh, đô thị kết nối của thời kỳ 4.0.

Vấn đề biển đảo Việt Nam và châu thổ sông Hồng, sông Mê Kong là những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tri thức về 2 vấn đề này là hành trang bắt buộc của HS trở thành công dân VN toàn cầu.

Lịch sử và địa lý địa phương được thiết kế bao nhiêu phần trăm trong môn học này thưa GS? 

Lưu Bình (Vĩnh Phúc)

GS Nguyễn Minh Thuyết :

Việc giảng dạy những kiến thức về địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới khác với chương trình hiện hành.

Trong chương trình hiện hành nội dung giáo dục địa phương chủ yếu là cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương... Nội dung này được thực hiện ở một số môn học, chủ yếu là các môn xã hội, với thời lượng nhất định.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 14
Phó TBT Báo GD&TĐ Dương Thanh Hương tặng hoa GS Nguyễn Minh Thuyết.  

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp, có vị trí tương đương như một môn học.

Ở cấp tiểu học, những nội dung này được tích hợp với nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động trải nghiệm.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp, có vị trí tương đương như một môn học. 
GS Nguyễn Minh Thuyết 

Từ lớp 6 đến lớp 12, nội dung giáo dục địa phương được dạy như một môn học độc lập với thời lượng 35 tiết/năm học. Tổng thời lượng là 245 tiết.

Các nội dung giáo dục này sẽ do Sở GD&ĐT tham mưu, để UBND cấp tỉnh quyết định. VD: Hà Nội có thể chọn nội dung văn hóa Tràng An; văn hóa, pháp luật về giao thông và công nghệ cao.

Ở TP Hồ Chí Minh, với kế hoạch phát triển thành thành phố thông minh sẽ dạy học sinh về những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu đối với công dân của một thành phố thông minh.

Các tỉnh Tây Nguyên, có thể dạy học sinh về văn hóa Tây Nguyên, về cây công nghiệp. Vì đây là một vùng cây công nghiệp lớn, học sinh cần được hiểu và thực hành từ khâu trồng trọt đến chế biến, kinh doanh các loại cây như: cà phê, hạt điều, cao su... để lớn lên hòa nhập vào đời sống kinh tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Còn việc liên hệ với thực tế địa phương ở môn Lịch sử và Địa lý thì giáo viên của môn này sẽ thực hiện theo nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục ở nhà trường phối hợp với giáo dục ở gia đình, xã hội.

Các nhà trường có tận dụng được những phương tiện dạy học sẵn có khi dạy học môn Lịch sử và Địa lý, cũng như môn Lịch sử, môn Địa lý ở THPT hay không, hay các nhà trường cũng như giáo viên sẽ phải thay mới các phương tiện dạy học này? 

Nguyễn Văn Thìn (Hà Nội)

GS.TS Lê Thông:

Về phương tiện dạy học, môn Địa lý ở THPT cũng như phần địa lý của môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học và THCS chắc chắn tận dụng được những phương tiện dạy học đã có.

Tuy nhiên, cần phải cập nhật. Ví dụ, cập nhật hệ thống bản đồ giáo khoa treo tường, atlat địa lý,…; các phương tiện khác như mô hình, sa bàn phục vụ cho nội dung địa lý tự nhiên đại cương, hoặc quả địa cầu... hoàn toàn có thể kế thừa được.

Giao lưu trực tuyến “Dạy học Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh minh hoạ 15
GS Lê Thông - Chủ biên CT môn Địa lý tham gia giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc Báo Giáo dục&Thời đại. 

Hiện nay việc kiểm tra, đánh giá học sinh chủ yếu sử dụng hình thức kiểm tra viết. Trong chương trình mới, môn học này học sinh được đánh giá kết quả học tập thông qua những hình thức nào? Hình thức đánh giá nào sẽ được chú trọng?

lqanhthu…@gmail.com

GS.TS Lê Thông:

Trong chương trình mới cần phải đa dạng hóa việc đánh giá, sử dụng nhiều hình thức và công cụ đánh giá khác nhau. Ví dụ, đánh giá tự luận và trắc nghiệm khách quan, kiểm tra miệng, kiểm tra viết, đánh giá lý thuyết, đánh giá thực hành, đánh giá theo sản phẩm của học sinh (bài làm, bài tập, bài thực hành, báo cáo trong các dự án của học sinh…). Vì thế, nếu chỉ kiểm tra viết chắc chắn không đảm bảo.

Trong các hình thức đánh giá, mỗi hình thức đều có vai trò quan trọng nhất định, không thể nói hình thức nào là quan trọng hơn cả.

Gửi câu hỏi ở đây
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu

 

Tác giả bài viết: Báo Giáo dục&Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập708
  • Hôm nay35,227
  • Tháng hiện tại313,357
  • Tổng lượt truy cập51,669,316
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944