Rất hiếm trường qua khảo sát có đến 50% tân sinh viên đạt điểm IELTS từ 6.0 trở lên như Đại học Kinh tế TPHCM (UEH). Ở đa số đơn vị, năng lực tiếng Anh của tân sinh viên khá nhiều cung bậc, trong đó phần nhiều cách xa chuẩn đầu ra thông thường (trung bình từ 4.0 đến 5.5 IELTS).
Đầu vào thấp, thiếu sự nỗ lực trong quá trình học tập, nhiều sinh viên nợ chuẩn tiếng Anh, bị trễ hạn tốt nghiệp, thậm chí không thể lấy được bằng đại học. TS Đỗ Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Viết văn Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho hay, nhiều năm học, khoa ghi nhận số sinh viên nhận bằng đúng hạn chỉ hơn 40%. Trên 80% trường hợp sinh viên chậm tốt nghiệp vì lý do chưa đạt tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Để tân sinh viên đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu, thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học đã triển khai nhiều biện pháp giảng dạy và hỗ trợ, tuy vậy kết quả chưa thực sự như ý. Theo lãnh đạo nhiều trường, học ngoại ngữ là một quá trình tích luỹ dần dần để có kiến thức thật sự, chứ không phải đợi vào đại học mới chạy đôn chạy đáo lo chuẩn đầu ra.
Đầu tư nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông chính là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần cải thiện chất lượng dạy học môn này ở đại học, mà còn phù hợp với xu hướng thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trong Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12. Mục tiêu là kết thúc giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Triển khai môn học bắt buộc, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách trong bố trí biên chế, làm sách giáo khoa, tuyển dụng, đào tạo giáo viên tiếng Anh… Mới đây, trong kế hoạch năm học 2024 - 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn đặc biệt yêu cầu toàn ngành nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Sở GD&ĐT TPHCM cho biết năm học 2024 - 2025 sẽ xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Sau khi hoàn thành bộ tiêu chí, TP sẽ triển khai thí điểm ở một số đơn vị, dự kiến bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 cùng những chủ trương mới nhất của Bộ về giảng dạy tiếng Anh là hướng đi đúng đắn, phù hợp và cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Vấn đề là phải có nguồn lực như thế nào để đáp ứng mục tiêu đề ra.
Hiện nay, thực hiện Chương trình GDPT 2018 cả nước còn thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông nhưng rất khó tuyển, do lương của vị trí việc làm này chưa thu hút. Điều kiện phục vụ cho việc dạy và học tiếng Anh ở vùng khó khăn bị hạn chế so với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn.
TPHCM, nơi học sinh có nền tảng ngoại ngữ tốt, dự kiến triển khai thí điểm tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, nhưng khó có thể trông chờ hoàn toàn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, mà phải kết hợp các mô hình xã hội hóa (vốn là câu chuyện khá nhạy cảm).
Học sinh vững nền tảng ngoại ngữ, có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đờiđể trở thành công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập là mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 và cũng là kỳ vọng của các bậc đào tạo tiếp theo và thị trường lao động.
Thế nhưng, những khó khăn, thách thức mà thực tế đặt ra lại đang là rào cản. Vì thế rất cần sự hoạch định rõ ràng, kỹ lưỡng hơn các điều kiện về thể chế và chính sách, tạo thuận lợi cho việc dạy học tiếng Anh theo chương trình mới, cũng như thí điểm dạy môn học này như ngôn ngữ thứ hai.
Tác giả bài viết: Gia Khánh
Ý kiến bạn đọc