Dạy - học lịch sử trực tuyến: Lớp học “ảo”, hiệu quả thật

Thứ hai - 17/05/2021 04:26 1.708 0
GD&TĐ - Học lịch sử online với thông tin, tài liệu, hình ảnh phong phú giúp học sinh chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… đang là hướng đi phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp…
Dạy - học lịch sử trực tuyến: Lớp học “ảo”, hiệu quả thật

Thêm yêu lịch sử đất nước

Sau khi ăn tối, xem lại bài tập, sách vở ở trên lớp, Khôi Nguyên - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) - lại bật máy vi tính để tham gia lớp học trực tuyến môn Lịch sử do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức. Em chăm chú theo dõi bài học về Bà Triệu, dần giải đáp được những câu hỏi qua bài dạy trực tuyến hấp dẫn với sự hỗ trợ của hình ảnh, clip và những địa danh liên quan đến bài học…

Khôi Nguyên bộc bạch: Khi học các kiến thức lịch sử của dân tộc, chúng em chưa hiểu hết được ý nghĩa sau mỗi bài học. Nhưng qua các giờ học online của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, em dần hiểu được diễn biến và ý nghĩa của các sự kiện. Qua câu chuyện, thước phim sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, học sinh thêm yêu môn học này và tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Mặc dù học qua máy tính nhưng em thấy các bạn rất tập trung nghe, xem và đặt câu hỏi về những băn khoăn của mình. Nhiều buổi học, bố mẹ cũng ngồi nghe, sau đó cả nhà cùng trao đổi suy nghĩ của mình về sự kiện lịch sử vừa được học. Qua đó, em thấy lịch sử không hề khô khan mà lý thú, nhiều giá trị giáo dục.

Yêu lịch sử Việt Nam, bạn Nguyễn Thái Hà Minh sống tại bang Maryland, Mỹ cũng được bố mẹ đăng ký tham gia chương trình học lịch sử online của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hà Minh bộc bạch: Mỗi tiết học gắn với một sự kiện lịch sử được cô giáo truyền tải rất hấp dẫn, sinh động và dễ hiểu. Qua đó, em thấy thêm hiểu, thêm yêu lịch sử của đất nước Việt Nam kiên cường, anh dũng…

Không chỉ các bạn học sinh hào hứng khi tham gia học lịch sử trực tuyến mà nhiều bậc cha mẹ cũng đồng hành cùng con để chinh phục các dấu mốc, hành trình trong chiều dài lịch sử của dân tộc.

Chị Thu Hương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Kết thúc buổi học online nhưng dư âm về các sự kiện lịch sử vẫn đọng lại. Những lời dẫn cuốn hút cùng với thước phim, hình ảnh sinh động, chân thực đã hút các con vào buổi học một cách sôi nổi, hào hứng. Các con còn tương tác, đặt câu hỏi và nói lên những suy nghĩ, hiểu biết của mình về các dấu mốc lịch sử. Lớp học “ảo” nhưng hiệu quả là có thật.

Chị Hương thường cùng con tham gia vào các buổi học, qua đó tiếp thu được nhiều kiến thức lịch sử mà mình còn lơ mơ. Hai mẹ con không còn “ngại” khi tìm hiểu những sự kiện, nhân vật lịch sử vốn bị coi là khô khan, không mấy hấp dẫn.

Dạy - học lịch sử trực tuyến: Lớp học “ảo”, hiệu quả thật - Ảnh minh hoạ 2
Bạn Nguyễn Thái Hà Minh sống tại bang Maryland, Mỹ trong buổi học lịch sử online của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Mở cơ hội tương tác

Trong những năm qua, các chương trình giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho học sinh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thu hút đông đảo các nhà trường đến tham quan học tập phục vụ ngoại khóa, khai thác, sử dụng tài liệu hiện vật của bảo tàng vào bài học chính khóa; sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử... Trong đó, mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử trở thành “thương hiệu” của bảo tàng. Tham gia chương trình, học sinh được trải nghiệm, tương tác, trao đổi, thảo luận, rèn luyện các kỹ năng kết hợp vận động thể chất và thể hiện tài năng, sự sáng tạo của mình qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học. Trong 4 năm, từ 2017 - 2020, hơn 1.000 chương trình giáo dục đã được thực hiện với sự tham gia của gần 50 nghìn học sinh tại bảo tàng.

Tuy nhiên, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bảo tàng đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào một số hoạt động. Từ năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng chương trình học lịch sử online và tiến hành học thử nghiệm vào tháng 5/2019 cho học sinh THCS (Trường Vinschool). Đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát, để hoạt động này được duy trì liên tục cũng như phòng, chống lây lan của dịch bệnh, Bảo tàng từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet có thể tham gia lớp học.

Trên cơ sở các nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật, cán bộ giáo dục Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình học lịch sử online phù hợp với từng nhóm học sinh. Đối với học sinh chưa học lịch sử ở nhà trường, chương trình tập trung giới thiệu các nhân vật, sự kiện lịch sử. Học sinh đã học lịch sử, chương trình được thiết kế gắn kết với nội dung trong sách giáo khoa. Chương trình học lịch sử online được triển khai từ tháng 7/2020, với 2 nhóm học thử nghiệm cho học sinh tiểu học và THCS. Các bài giảng được thiết kế hấp dẫn, nội dung truyền tải cô đọng, hình ảnh, phim tư liệu, phim hoạt hình sinh động, kết hợp với phương pháp truyền đạt qua chuyện kể và tổ chức trò chơi bằng câu hỏi, hoạt động tương tác, đã tạo ra sự hứng thú học tập cho các em.

Sự hấp dẫn, bổ ích mà mỗi chương trình học lịch sử online của Bảo tàng đem lại nhận được sự quan tâm của nhiều nhóm thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh. Nhiều phụ huynh đã tham gia học cùng con, biết thêm nhiều kiến thức thú vị, rất ủng hộ chương trình và mong muốn con được tiếp tục tham gia các khóa học tiếp theo. Đặc biệt, có hai học sinh người Việt sống tại Mỹ, cũng tìm hiểu và tham gia chương trình.

Dạy - học lịch sử trực tuyến: Lớp học “ảo”, hiệu quả thật - Ảnh minh hoạ 3
Một buổi học trực tuyến.

Nỗ lực vì thế hệ trẻ

Đánh giá về chương trình học lịch sử online của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cô Tô Thanh Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Chương trình học online là ý tưởng rất hay, đóng góp cho cộng đồng rất cao. Nội dung được thiết kế công phu, hình ảnh đẹp, tạo hứng thú cho học sinh. Kiến thức chọn lọc, phù hợp với lứa tuổi nên các con hào hứng học tập và ghi nhớ một cách nhẹ nhàng, không nặng nề, gò bó. Cán bộ Bảo tàng có khả năng truyền đạt tốt và cực kì tâm huyết, say sưa nên truyền được tình yêu lịch sử cho các con. Vì vậy, học sinh tích cực học tập, nắm chắc nội dung bài học và có ý thức tự tìm hiểu thêm về lịch sử…

Cô Nguyễn Hà - cán bộ Phòng Giáo dục Công chúng, người trực tiếp xây dựng nội dung và dạy lịch sử online tại Bảo tàng chia sẻ: Việc tổ chức các nội dung cho chương trình dạy online hấp dẫn gặp không ít khó khăn: Nghiên cứu, khai thác tư liệu để xây dựng nội dung chương trình học cần đầu tư nhiều thời gian, chất xám; thiếu cán bộ vừa am hiểu chuyên môn vừa am hiểu công nghệ, kỹ thuật. Cùng với đó là những khó khăn về nền tảng mạng Internet; công cụ, thiết bị công nghệ hỗ trợ; kinh phí đầu tư cho xây dựng những nội dung nghe nhìn, ứng dụng công nghệ... Nhưng với sự tâm huyết, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu cùng với kinh nghiệm tích lũy của các cán bộ giáo dục từ chương trình học thử nghiệm trước đó, Bảo tàng đã xây dựng được nội dung, hình thức học phù hợp cho từng nhóm học sinh.

“Bảo tàng đã tổ chức được hơn 50 buổi học cho khoảng gần 1.000 lượt học sinh (khoảng 15 - 20 học sinh/buổi). Các lớp học diễn ra liên tục vào buổi tối trong tuần, số lượng người đăng ký học lịch sử online qua ứng dụng Zoom ngày càng tăng. Hiện nay, các lớp học của năm 2021 đã kín lịch do nhu cầu học của học sinh khá lớn. Chúng tôi triển khai dạy từ bậc tiểu học với mong muốn khơi gợi tình yêu lịch sử từ gốc, dần sẽ thấm đến các con khi học lên các cấp học cao hơn” - cô Hà cho biết.

Học lịch sử online không chỉ tạo ra sân chơi vui học bổ ích cho học sinh, mà còn mở ra cơ hội tương tác với nhiều đối tượng khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa, giá trị lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, thông qua chương trình giáo dục, bảo tàng hướng tới khơi dậy ở thế hệ trẻ lòng yêu thích, say mê với lịch sử dân tộc. Cô Nguyễn Hà chia sẻ: Mong rằng thông qua những bài giảng, các bạn nhỏ thêm tự hào về quê hương, về nơi mình sinh ra, cho dù các bạn đi đâu ở đâu, vẫn nhớ về quê hương và vẹn nguyên niềm tự hào về dân tộc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập585
  • Hôm nay43,631
  • Tháng hiện tại321,761
  • Tổng lượt truy cập51,677,720
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944