Bài giảng “không giới hạn”
Tuần này, học sinh toàn huyện Nam Đàn nghỉ học phòng dịch Covid-19, kể cả bậc THPT. Để hỗ trợ học sinh khối 12 ôn thi THPT quốc gia, Trường THPT Kim Liên quyết định tổ chức dạy học trực tuyến và phát trực tiếp trên trang Facebook nhà trường. Thời khóa biểu kèm khung giờ phát trực tiếp được thông báo rộng rãi đến học sinh. Cụ thể, từ thứ 3 - 6, trường sẽ dạy trực tuyến thời lượng 2 tiết đối với môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và 1 tiết đối với các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân.
Cũng vì học trực tuyến, nên tiết học không gói gọn trong 45 phút mà kéo dài hơn tùy vào nhu cầu và nội dung trao đổi của cô và trò. Bài học “Ôn tập kỹ năng làm phần đọc hiểu trong đề thi THPT quốc gia” do cô Phạm Thị Hằng (GV Ngữ văn) đứng lớp giảng kéo dài tới 120 phút. Nhưng sự tương tác thuận lợi, không áp lực, cô còn nhận được lời khen của trò vì giảng bài “dễ hiểu”, “khi lên hình cô nói chậm hơn trên lớp”.
Sau 1 ngày lên sóng, clip bài giảng Ngữ văn của trường có gần 3 nghìn lượt xem và 1 nghìn lượt bình luận. Theo Nguyễn Thị Thùy Linh (HS lớp 12 Trường THPT Kim Liên), trên mạng có khá nhiều kênh tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. Nhưng bài giảng của thầy cô mình hay hơn, sát với nhu cầu của học sinh. “Thích nhất là chúng em có thể xem đi xem lại clip nhiều lần. Có bạn còn xin cô dạy ôn tiếp vào buổi chiều”, Linh nói.
Các giáo viên của Trường THPT Kim Liên cũng cho biết: Nếu dạy trực tiếp, giáo viên có phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt kiến thức phù hợp cho từng lớp học. Mọi việc dễ dàng, thuận tiện và chủ động. Nhưng tiết học trực tuyến lại áp dụng chung cho học sinh toàn trường với năng lực, khả năng tiếp thu cũng như mục tiêu với môn học khác nhau. Vì vậy, khi triển khai, giáo viên các tổ bộ môn bàn bạc, thống nhất rất kỹ càng về nội dung. Với học sinh có học lực khá sẽ bồi dưỡng, ra bài tập hoặc trao đổi thêm qua Facebook, Zalo.
Ảnh minh họa/ INT |
Xây dựng đề cương cho từng đối tượng
Trường THCS Hạnh Thiết có hơn 750 học sinh thuộc thị trấn Quỳ Châu và xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Trong đó gần 80% là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ khi học sinh bắt đầu nghỉ học phòng dịch, nhà trường chủ động chỉ đạo giáo viên các tổ bộ môn họp, xây dựng đề cương kiến thức thống nhất. Ngoài đề cương ôn tập chung, đại trà, nhà trường cũng giao cho giáo viên xây dựng tài liệu ôn tập bổ sung, nâng cao cho từng đối tượng học sinh. Đối với khối lớp 9, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có thêm đề cương ôn tập, câu hỏi ôn thi. Ngoài ra, còn có tài liệu ôn tập nâng cao cho học sinh khá, tạo nguồn đội tuyển học sinh giỏi các khối.
Với những em có điều kiện tiếp xúc với smartphone, thầy cô gửi tài liệu ôn tập qua Facebook, Zalo… “Đây là hai kênh thông dụng nhất mà học sinh lẫn phụ huynh đều sử dụng hàng ngày. Các em làm bài tập, sau đó chụp ảnh lại gửi cho thầy cô chấm, trả bài. Giáo viên có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm tra để học sinh không lơ là, bỏ quên bài tập. Còn việc dạy học trực tuyến qua hệ thống E-Learning không phù hợp với trường ở vùng đặc thù như chúng tôi”, thầy Đặng Xuân Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết nói.
Tuy nhiên, Trường THCS Hạnh Thiết còn có khoảng gần 50% học sinh ở các bản xa thuộc xã Châu Hạnh. Với nhóm này, giáo viên photo tài liệu và đưa đến từng bản cho học sinh, đảm bảo các em được tiếp nhận đề cương đầy đủ. Dù vậy, theo lãnh đạo nhà trường, việc theo dõi, giám sát và đốc thúc học sinh ôn bài, làm bài còn gặp khó khăn, hạn chế.
Thầy Nguyễn Xuân Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết cho hay: “Trường yêu cầu giáo viên hàng tuần phải báo cáo tình hình ôn tập cho học sinh nhằm theo dõi, đánh giá được hiệu quả các hình thức ôn tập. Chúng tôi cũng ghi nhận sự quan tâm, đồng lòng ủng hộ của phụ huynh học sinh, hơn hẳn bình thường. Sự phối hợp đó chính là yếu tố quan trọng để việc dạy học, ôn tập đến với từng học sinh trong thời gian qua”.