Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục dân tộc. Theo đó quy định việc thực hiện việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của học sinh.
Đối với các tiếng dân tộc Khmer, Chăm, Êđê, Bahnar, Jrai, M'Nông, Mông, Thái, triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới bắt đầu từ học kì II năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Các lớp còn lại (từ lớp 2 đến lớp 9), tiếp tục tổ chức thực hiện dạy học theo các chương trình và sách giáo khoa đã ban hành.
Đối với các thứ tiếng dân tộc chưa đủ điều kiện ban hành chương trình và sách giáo khoa mới thì vẫn tiếp tục thực hiện dạy học theo các chương trình và sách giáo khoa đã ban hành. Các địa phương thực hiện việc rà soát đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.
Tiến hành bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS thực hiện chươngtrình và sách giáo khoa mới. Ưu tiên lựa chọn giáo viên tiếng DTTS có năng lực vàchuẩn chuyên môn nghiệp vụ để dạy chương trình và sách giáo khoa mới.
Bố trí ngân sách để mua sách giáo khoa tiếng DTTS và thực hiện cung cấp đủ sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng DTTS cho học sinh. Thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách đối với người dạy, người học tiếng DTTS theo quy định.
Ngoài 8 chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc đã ban hành, các địa phương có đông người DTTS sinh sống, Sở GD&ĐT cần chủ động, tích cực tham mưu với UBND cấp tỉnh trong xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng DTTS và thực hiện đúng quy trình, thủ tục đưa tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh vào dạy học trong trường phổ thông theo quy định.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan như Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Đài phát thanh và truyền hình, các báo địa phương để xây dựng các sản phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết DTTS nhằm cung cấp nhiều tài liệu tham khảo tiếng DTTS cho giáo viên và học sinh trong dạy và học tiếng DTTS ở trường phổ thông.
Tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã đặc biệt khó khăn; chính sách đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người; chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non...