Vì vậy, áp lực, trách nhiệm đối với các địa phương rất lớn để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan, nghiêm túc.
Trách nhiệm cao
Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, tổ chức một kỳ thi bao gồm 3 công đoạn: Ra đề thi, triển khai thi và chấm thi. Về khâu ra đề thi, địa phương chia sẻ với ngành và Bộ GD&ĐT do tính chất đặc thù năm nay, việc dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đề thi phù hợp với chương trình học, trong đó có phần nội dung tinh giản, bảo đảm mục đích tốt nghiệp THPT. Đồng thời cũng có mức độ phân hóa nhất định để tìm học sinh khá giỏi.
“Điểm khác biệt lớn nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là đội ngũ cán bộ giảng viên từ trường ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi... Trong khi đó, lực lượng này trong Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước chiếm đến 50%. Vì vậy, để bảo đảm tính khách quan, an toàn, chính xác của kỳ thi, áp lực với các địa phương sẽ lớn hơn nhiều. Để làm được điều này, địa phương phải tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm từ người đứng đầu đến từng cán bộ coi thi, người làm công tác thi”, ông Thái Văn Thành nhận định.
Khâu thi và chấm thi, theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 được giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi từ in sao, vận chuyển đề thi, coi thi đến các ban làm phách, chấm thi bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm… Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Điều này không có khác biệt nhiều so với Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Bên cạnh đó, Nghệ An là tỉnh có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức kỳ thi chung, vì vậy, địa phương không gặp lúng túng, khó khăn trong thực hiện trọng trách trên.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, theo dự thảo quy chế thi THPT năm 2020, Bộ GD&ĐT giao cho địa phương khâu coi thi, chấm thi. Dự thảo chỉ rõ vai trò và trách nhiệm của địa phương. Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hải Phòng không gặp khó khăn, bởi có ban chỉ đạo thi của thành phố, sau đó có sự phối hợp của các ngành, quận huyện.
Theo dự thảo quy chế sẽ không có lực lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH tham gia khâu coi thi, chấm thi. Theo ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, sở sẽ sử dụng cán bộ, giáo viên trường THPT, nếu thiếu huy động thêm giáo viên THCS, thậm chí huy động cán bộ, giảng viên trường CĐ, ĐH.
Tập huấn đội ngũ coi thi
Để tổ chức thành công kỳ thi, đội ngũ cán bộ coi thi có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế thi. Về phía tỉnh Nghệ An, dự kiến số lượng giáo viên THPT sẽ đủ tham gia làm giám thị Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường hợp thiếu hụt, có thể huy động lực lượng đến từ các trường trực thuộc tỉnh Nghệ An dù khả năng này không cao. Giám thị cũng sẽ được phân công coi thi chéo. Không coi thi tại trường đang công tác và vào các buổi thi trùng chuyên môn giảng dạy.
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nghệ An sẽ tăng cường tập huấn nhiều lượt. Cụ thể, với cán bộ coi thi theo hướng dẫn của quy chế thi. Trong đó, quán triệt kỹ càng các quy trình từ nhận đề thi, phát giấy thi, mã đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm… Nhắc nhở, rút kinh nghiệm những vấn đề nảy sinh từ các kỳ thi trước, tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc. Quy trách nhiệm rõ ràng với từng cán bộ coi thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng: Các trường ĐH vẫn lấy kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để tuyển sinh. “Điều này là hợp lý vì các môn thi phù hợp việc xét tuyển ngành nghề của các trường. Quan trọng nhất, công tác coi thi phải bài bản, chặt chẽ, đúng quy chế và làm sao thực hiện nghiêm túc với tất cả tỉnh thành trong cả nước. Qua đó phản ánh trung thực chất lượng dạy học, bảo đảm quyền lợi cho tất cả thí sinh”, ông Thành trao đổi.
Tăng cường thanh tra, giám sát từ Bộ GD&ĐT
Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020, cán bộ, giảng viên trường ĐH không tham gia coi thi, chấm thi nhưng ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị cần có sự tham gia giám sát từ lực lượng này để bảo đảm tính khách quan.
Cụ thể, vẫn cần thêm thanh tra cắm tại mỗi điểm thi đến từ trường ĐH. Trước đây, các điểm thi thường có thanh tra cắm và thanh tra lưu động bao gồm cán bộ trường ĐH và ban chỉ đạo thi địa phương. Tuy nhiên, năm nay cần tăng cường thanh tra chia theo tỷ lệ số phòng thi và số thí sinh dự thi. Lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn, tính nghiêm túc tại điểm thi được giao phụ trách.
Bên cạnh đó, khâu làm phách, chấm thi trắc nghiệm cũng cần có sự tham gia của cán bộ đến từ các trường ĐH, CĐ. Họ là người không liên quan đến thí sinh, cũng như quá trình dạy học, ôn tập. “Vì vậy, khi họ tham gia vào các khâu này sẽ bảo đảm khách quan, công bằng, không có sự thiên vị. Dù việc chấm thi trắc nghiệm chủ yếu thực hiện trên máy tính, nhưng yếu tố con người vẫn rất quan trọng”, ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề xuất nên gom nhóm thí sinh vào các điểm thi lớn. Đơn cử tại địa phương, không tập trung tất cả thí sinh về TP Vinh vì không đủ đáp ứng, nhưng mỗi huyện, thành, thị chỉ nên có từ 1 - 2 điểm thi, tránh tình trạng nhiều điểm thi nhỏ lẻ, khó thanh tra, giám sát chặt chẽ. Các đơn vị được chọn làm điểm thi tốt nghiệp THPT nằm ở khu vực trung tâm để học sinh không vất vả di chuyển. Đồng thời phải chuẩn bị cơ sở vật chất tốt, đầy đủ số phòng, trang thiết bị, bàn ghế, điện, quạt mát và khuôn viên rộng rãi, có tường rào ngăn cách với khu dân cư….
Còn theo ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, kỳ thi năm nay sẽ có nhiều đoàn thanh tra hơn, ngoài thanh tra của Bộ GD&ĐT có đoàn thanh tra của tỉnh, thành phố.
Như mọi năm, Hải Phòng có một điểm thi ở huyện đảo Cát Hải tổ chức tại Trường THPT Cát Bà. Số lượng học sinh của hai trường ngoài đảo Cát Hải khá ít nên năm nay, Sở GD&ĐT Hải Phòng dự kiến cũng chỉ duy trì một điểm thi như mọi năm.
Theo tiến độ, đến 15/7, các trường THPT kết thúc chương trình. Nhưng tại Hải Phòng có thể chủ động kết thúc sớm hơn, vừa hoàn thành chương trình vừa ôn tập. Hiện nay, Sở GD&ĐT đã bố trí đoàn đi các trường kiểm tra chương trình học của học sinh và hướng dẫn, định hướng ôn tập.
Ông Trà cho hay, sở đang tham mưu thành lập ban chỉ đạo thi thành phố cho 2 kỳ thi vào lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT năm 2020.
Năm 2019, tỉnh Nghệ An đã chi hơn 1 tỷ đồng để lắp camera tại 61 đơn vị trường học được chọn làm điểm thi THPT quốc gia. Trong đó, mỗi điểm thi được lắp 4 camera giám sát phòng lưu trữ đề thi và bài thi, riêng địa điểm chấm thi trắc nghiệm được trang bị thêm 20 camera hoạt động 24/24 giờ. Năm nay, Sở GD&ĐT tỉnh rà soát, kiểm tra lại hệ thống camera trên, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa nếu cần thiết để đưa vào sử dụng.