Năm học 2023 - 2024, huyện Mường Ảng (Điện Biên) có 34 trường, 485 lớp và 13.573 học sinh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, các trường học chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ thông tin hiện đại phục vụ công tác giảng dạy. Đồng thời, triển khai hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử chữ ký số.
Hiện, dịch vụ công mức độ 3, 4 được kết nối liên thông với trang thông tin điện tử của ngành, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực GD-ĐT. Đối với học bạ điện tử, phòng GD&ĐT thí điểm tại 7 trường tiểu học để đánh giá tính năng, quản lý sử dụng phần mềm, tính đồng bộ làm cơ sở nhân rộng cho năm học 2024 - 2025.
Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng trong quản lý, dạy học được triển khai cơ bản đáp ứng nhu cầu. Cả 34 trường học của huyện thực hiện kết nối Internet băng thông rộng tại điểm trường trung tâm. Các trường thực hiện kết nối mạng LAN, Internet cho máy tính văn phòng, phòng máy tính; hệ thống wifi phục vụ nghiên cứu, học tập, tra cứu tài liệu... của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. 100% trường học trên địa bàn thu nộp học phí, chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng cho biết: “Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Điển hình là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, triển khai chữ ký số, văn bản số, lưu trữ hồ sơ.
Đa số trường học trên địa bàn lắp đặt hệ thống camera an ninh nhằm quản lý học sinh, phòng ngừa vụ việc gây mất an ninh trật tự trong học đường. Xây dựng sổ liên lạc điện tử, nhóm Zalo trong cán bộ quản lý, giáo viên và lớp học”.
Ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Chia sẻ thông tin, thầy Nguyễn Đức Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Ẳng Nưa (xã Ẳng Nưa huyện Mường Ảng) đồng thời cho hay: Soạn giáo án điện tử, giảng bài bằng máy chiếu giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy; kết hợp cả video, âm thanh, hình ảnh tạo hứng thú học tập cho học sinh. Phương pháp làm việc số hóa giúp giáo viên dễ dàng chia sẻ tài liệu với đồng nghiệp, học sinh thông qua mạng Internet…
Về công tác quản lý, Trường THCS Ẳng Nưa sử dụng các phần mềm như: smas.edu.vn quản lý hồ sơ, sổ gọi tên ghi điểm, học bạ điện tử; csdl.moet.gov.vn quản lý theo dõi về học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên; dienbien.vnerp.vn quản lý cán bộ công chức, viên chức; phần mềm kế toán: Salagow, misa, quản lý tài sản… giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.
Các trường ở Mường Ảng giảng dạy bằng máy chiếu kết hợp video, âm thanh, hình ảnh tạo sự sinh động, hứng thú học tập cho học sinh. |
Tả Ngảo là xã miền núi, đời sống người dân khó khăn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực làm việc trong ngành Giáo dục còn hạn chế. Những khó khăn đặc thù của giáo dục vùng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi số của các trường học. Tuy vậy trên địa bàn vẫn có những trường học vươn lên thành “cánh chim đầu đàn” của ngành Giáo dục huyện Sìn Hồ (Lai Châu) trong công tác chuyển đổi số.
Trong đó, Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo là “điểm sáng” trong chuyển đổi số. Ban Giám hiệu nhà trường luôn xem đây là “mấu chốt” giúp nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới.
Năm học 2022 - 2023, các trường học trên địa bàn huyện Sìn Hồ gặp khó khăn, việc dạy và học bị gián đoạn do thời tiết khắc nghiệt… Nhờ chủ động chuyển đổi sang dạy học trực tuyến, Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo vẫn đảm bảo 100% học sinh được học tập liền mạch, chất lượng giáo dục ổn định, thậm chí đạt kết quả cao.
Nhà trường đã đầu tư trang bị máy chiếu, tivi, Internet thực hiện số hóa cho 100% phòng chuyên môn của đơn vị. Trường có 29 lớp, tất cả được số hóa từ khâu quản lý học sinh, giáo viên bộ môn, giáo án điện tử. Năm qua, chất lượng học sinh được đánh giá qua môn học giáo dục đạt 98,2%, năng lực phẩm chất học sinh đạt 99,8%.
Năm học 2024 - 2025, trường sẽ triển khai Chương trình GDPT 2018 tại tất cả các khối lớp; chuẩn hóa 100% cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, công tác quản lý được số hóa công khai, giúp hoạt động của Ban Giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên và nhân viên có sự liền mạch, tiết kiệm ngân sách.
Cô Hoàng Thị Oánh - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo cho biết: Chuyển đổi số được nhà trường ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Quản lý ngân sách, quản lý chuyên môn của giáo viên; giám sát công tác bán trú, số hóa cơ sở dữ liệu của nhà trường trong kiểm tra, đánh giá. Cũng nhờ cơ sở dữ liệu được số hóa, chia sẻ công khai nên việc gia đình phối hợp quản lý, giáo dục học sinh diễn ra thuận lợi.
Ngoài ra, chuyển đổi số ở Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có thể kết nối với nhiều phần mềm học tập hữu ích. Từ đó chất lượng giáo dục nâng cao rõ rệt, học trò nhanh nhạy, chủ động, được tra cứu, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập…
“Với 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc nói - viết tiếng phổ thông còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường tổ chức mô hình “thư viện số”, “góc tăng cường Tiếng Việt” giúp học sinh có nhiều thời gian thực hành và học tiếng Việt”, cô Oánh chia sẻ.
Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo cũng đặc biệt quan tâm khai thác các phần mềm do phòng GD&ĐT giới thiệu để đồng bộ hóa với toàn ngành. Mặt khác, trường yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, tích cực học tập thông qua các lớp tập huấn, video bài giảng, ứng dụng phần mềm dạy học.
Huyện Mường Ảng (Điện Biên) có 1.013 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Cơ bản cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu về kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, tin học văn phòng; sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học; soạn bài giảng trình chiếu, điện tử; khai thác Internet phục vụ công việc. Giáo viên Tin học có kỹ năng bảo trì, khắc phục sự cố máy tính, an toàn an ninh thông tin mạng và dữ liệu.
Tác giả bài viết: Hà Thuận
Ý kiến bạn đọc