3 điều đặc biệt
Điều đặc biệt đầu tiên chính là trường học đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tổng kết năm học trong tháng 6, khi hậu đại dịch Covid-19 khiến tất cả các trường khác đang bận rộn với nội dung chương trình, kiệt sức với cái nóng như lửa nung và gió Lào rát bỏng.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngay trong dịp nghỉ Tết, lãnh đạo nhà trường đã trăn trở để đưa ra các tình huống giả định về phương án đối mặt với dịch Covid – 19. Lúc đó, khó có thể tiên đoán để đưa ra được kịch bản như thực tế diễn ra sau này nhưng lãnh đạo trường đã thống nhất nguyên tắc chung, dù trong mọi hoàn cảnh, việc dạy học sẽ không bị dừng lại".
Khái niệm học trực tuyến ngay sau Tết chưa thật sự rõ nét nhưng việc giáo viên và học sinh của trường THPT Cẩm Bình thường xuyên tương tác qua các phương tiện CNTT và mạng xã hội đã là điều thường xuyên. Một số giáo viên lâu nay đã thành lập các nhóm để hỗ trợ học sinh học tập trở thành nề nếp. Chính giáo viên và học sinh đã đề xuất sáng kiến tổ chức học trực tuyến qua Zoom sớm nhất tỉnh.
Học và kiểm tra đánh giá qua trực tuyến một cách chủ động đã xây dựng nên một trường Cẩm Bình khác ngay trên không gian Internet. Học sinh Cẩm Bình thay vì vào facebook, Zalo, tiktok để giải trí, tán gẫu vô bổ thì các trang nhóm kín, nhóm mở được thầy trò tổ chức dạy học bất kể thời điểm nào.
"Cũng không chạy trước chương trình theo quy định chung nhưng lãnh đạo trường đã cho giáo viên, học sinh một hướng mở về việc tự học các kiến thức mới dưới sự hướng dẫn của Ban lãnh đạo trường để ngay sau khi học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ tổng hợp, giải đáp thắc mắc bằng cách gộp tiết. Vì vậy, với chương trình giảm tải, gộp tiết theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì ở Cẩm Bình không thành vấn đề. Điều đó lí giải vì sao trường chúng tôi đã hoàn thành chương trình trước 20/6/2020", ông Quang chia sẻ.
Điều đặc biệt khác đến chính diễn văn của hiệu trưởng nhà trường. Tuyệt nhiên, trong diễn văn không hề có những con số về những thành tích khô khan. Vị hiệu trưởng dành hơn 3 trang để nói về vai trò của giáo viên và học sinh với nhiều mỹ từ khích lệ, động viên và ghi nhận. Trong đó, ông nhấn mạnh: "Mặc dù chịu sực tác động mạnh của đại dịch Covid – 19, nhưng với phương châm dừng việc đến trường nhưng không dừng việc học, việc thi, thầy trò nhà trường đã bứt phá vươn lên bằng những giải pháp hay, cách làm sáng tạo" – ông Quang nói.
Trong những dòng cảm xúc dâng trào khi nói với học sinh khối 12, ông Quang ngậm ngùi nói: "Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề hôm nay là "âm vang mùa hạ". Chúng ta đang sống trong những ngày hè rạo rực, náo nức đánh động trong ta dư âm của bao nỗi nhớ niềm thương về tất cả chặng đường 3 năm không hề ngắn. Làm lễ trưởng thành "Khi tôi 18" cho các em trong lòng thầy và mỗi một chúng ta trào dâng lưu luyến, bâng khuâng"...
Điều đặc biệt nữa chính là lắng nghe, lắng nghe nhưng là cách để chứng kiến, để hòa chung những sản phẩm nhân cách được hình thành và phát triển sau một năm của học sinh. Ấy là khi trong buổi lễ, lãnh đạo Sở GD&ĐT hay lãnh đạo huyện đến dự không phát biểu. Thay vào đó là tiếng lòng của chính các em để kể nên câu chuyện không phải là ngôn từ sáo rỗng mà là tự thể hiện chính mình.
Hơn 1.500 học sinh có mặt đúng giờ ngăn nắp, áo quần chỉnh tề trước 6h sáng. Chỉ cần 5 phút để mấy chục dòng người tỏa từ các cửa lớp đến sân trường nhanh lẹ như "ngôn ngữ lập trình". Những giọng hát ngân nga, tha thiết với phong thái biểu diễn rất chuyên nghiệp trên những gương mặt trẻ măng, hồn nhiên và căng đầy năng lượng thanh xuân. Những bước chân lên bục vinh danh rất đĩnh đạc, tự hào và những ánh mắt, nụ cười thân thiện, gần gũi, thân thương…
"Cổng trường không khép lại"
Chúng tôi thật sự ấn tượng khi ông Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường nhắc đi nhắc lại: "Với trường THPT Cẩm Bình, cổng trường không bao giờ khép lại".
Lý giải về điều này, ông Quang chia sẻ: "Nếu vào ngày nghỉ hay nghỉ hè, trường khóa cổng thì đó chỉ là ngôi trường nhưng "nhà trường", "trường học" trong thời đại 4.0 nếu như vậy thì vô cùng tụt hậu. Với THPT Cẩm Bình, mỗi cán bộ giáo viên, mỗi học sinh phải tự có cho mình một chiếc "cổng trường có chìa khóa riêng" với không gian mở nhưng có vô vàn những cánh cổng và chìa khóa như là niềm tự hào của mỗi một thầy trò. Cổng trường thật sự là nơi để cho các em vươn xa và hội tụ. Cổng trường của riêng mình đó chính là hành trang cuộc đời nhưng trong đó luôn là niềm tự hào vì đã có chiếc chìa khóa của cánh cổng Cẩm Bình".
Tiến sĩ sinh vật học Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên của nhà trường chia sẻ: "Có được động lực vượt qua mọi khó khăn để đạt được học vị Tiến sĩ duy nhất là giáo viên trực tiếp giảng dạy trong toàn tỉnh chính là nhờ truyền thống của ngôi trường trên nôi đất học Cẩm Bình với phương châm "Cổng trường không khép lại".
"Nhà trường tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành giảng dạy và tham gia học tập, nghiên cứu. Bảo vệ xong Luận án Tiến sĩ, tôi đã được nhà trường thưởng "nóng" 10 triệu đồng. Ở trường THPT Cẩm Bình, mọi thành viên trong nhà trường đều được xem trọng như nhau. Ngay khi tổ chức vinh danh, không phải thầy hiệu trưởng và các lãnh đạo trường được bước lên phía trước mà sau cả nhân viên văn thư và bác bảo vệ, đó là điều hết sức bình thường. Đấy chính là sự khác biệt cũng là thương hiệu của THPT Cẩm Bình" – chị Thanh Nga cho hay.
Em Nguyễn Thị Thư, giải Ba quốc gia môn Ngữ văn lớp 12 tâm sự: "Em đã tự đi tìm cho mình một cánh cổng trường có rất nhiều chìa khóa: Thầy Hiệu trưởng cho em sự tự tin, cô giáo dạy Văn cho em kiến thức và cảm hứng sáng tạo, thầy Bí thư Đoàn trường cho em mơ ước, bác bảo vệ cho em sự cần cù, các bạn cho em niềm vui... Mang được niềm vinh dự về cho nhà trường, em thấy đó chính là kết quả của tất cả mọi người chứ không phải chỉ riêng em".
Những điều đặc biệt từ lễ tổng kết "năm học đặc biệt" trên đất học Cẩm Bình là một điều rất riêng, rất khác biệt nhưng với thầy và trò nơi đây thì đó là điều rất đỗi quen thuộc. Bởi đó là điều mà trong nhiều năm qua họ đã làm như thế để xây dựng thương hiệu Trường THPT Cẩm Bình để không làm mờ nhạt truyền thống đã từng là Lá cờ đầu toàn miền Bắc một thuở.