- Theo ông, việc kiểm tra, đánh giá (với chương trình hiện hành) cần thay đổi như thế nào để có thể tiệm cận được với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai?
Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực, và vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng cần phải thay đổi.
Cá nhân tôi thấy, mục tiêu cuối cùng của chương trình giáo dục là phải chuyển giao cho từng cá nhân học sinh "gánh nặng" của việc tự học để các em có kỹ năng học tập suốt đời.
Như vậy, các em phải được chủ động chọn lựa và tự chịu trách nhiệm về quá trình học của bản thân. Có nghĩa là các em tự đánh giá cùng giáo viên sẽ tốt hơn việc chỉ để giáo viên đánh giá. Vì kỹ năng tự đánh giá bản thân cũng là một cách khuyến khích người học tự chịu trách nhiệm và tự học.
Cũng đừng biến sự đánh giá thành những tình huống gắn nhãn hay đe dọa học sinh vì nó sẽ không hiệu quả. Thậm chí tình huống càng mang tính đe dọa, càng xuất hiện áp lực phải gian lận để ứng phó.
Tại trường, học sinh cần được động viên bởi mong muốn thành công, khám phá, phát triển và nâng cao trình độ chứ không phải bởi nỗi lo sợ thất bại.
Nhà trường có thể áp dụng chủ trương "không qui trách nhiệm" đối với các sai sót, coi lỗi lầm là cái tất yếu và là một cơ hội để học hỏi và phát triển. Có thể nghiên cứu để cho học sinh cũng được phép tự đánh giá về quá trình học của mình khi họ đã sẵn sàng hơn là cố định vào một thời điểm giáo viên yêu cầu. Và các em cần được tạo điều kiện dành thời gian để cải tiến công việc của mình nếu các em chưa đạt tiêu chuẩn đánh giá.
- Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT. Theo ông, những sửa đổi trong dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu nêu ra ở trên?
Dự thảo đã có nhiều điểm mới tiên tiến để phù hợp với những nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.
Có một số điểm tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, đã cân bằng và kết hợp giữa đánh giá định lượng (điểm số) và định tính (nhận xét).
Thứ hai, đã chuyển trọng tâm từ đánh giá đầu ra sang đánh giá quá trình.
Thứ ba, đa dạng hóa loại hình kiểm tra đánh giá như hỏi đáp, thuyết trình, viết ngắn, thực hành, sản phẩm học tập dựa trên một khung tiêu chí đánh giá nhất quán.
Thứ tư, việc đánh giá đã theo hướng toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn xem xét cả khía cạnh thái độ và hành vi của cá nhân.
Thứ 5, quy định đánh giá mang tính chất động viên khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ.
Điều đó rất đúng với bản chất của việc đánh giá phải khuyến khích sự phát triển và hoàn thiện bản thân của học sinh.
- Bên cạnh những ưu điểm như nhận định ở trên, ông có góp ý gì thêm cho dự thảo này?
Tôi cho rằng, với quan điểm đánh giá toàn diện năng lực trên các khía cạnh nhận thức, thái độ tình cảm và hành động, coi trách nhiệm giáo dục là trách nhiệm của cả hệ sinh thai báo quanh trẻ, nên cần nghiên cứu để có thêm sự tham gia của các bên liên quan tham gia đánh giá người học.
Trong đó có cả những quan sát và nhận xét từ gia đình, phụ huynh; từ bạn bè đồng trang lứa và quan trọng nhất là khả năng tự đánh giá của học sinh so với những yêu cầu đặt ra từ đó có kế hoạch cải thiện.
Người giáo viên phải nêu rõ mục tiêu, các phương pháp và tiêu chí đánh giá của môn học; biết thiết kế các bảng, hoạt động ghi nhận,... liên quan đến nội dung học tập của môn học; hiểu được một cách toàn diện giá trị học tập và thực hành, thái độ của học sinh; hiểu quan điểm và thái độ của học sinh với các sự kiện và vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Từ đó, cung cấp cho từng cá nhân học sinh những phản hồi rõ ràng trong quá trình các em tự đánh giá.
- Xin cảm ơn ông!