Bộ GD&ĐT đã triển khai chương trình nghiên cứu Vật lý cấp bộ cho các tiến sỹ trẻ ngành Vật lý với 60 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ về Vật lý thực hiện từ 2017-2020, trong đó có 12 đề tài cho các tiến sỹ trẻ dưới 35 tuổi.
Cùng với đó, ưu tiên tuyển chọn cán bộ, giảng viên đào tạo sau đại học trong lĩnh vực Vật lý đi học tập ở nước ngoài đối với các trường hợp đi học sau đại học có sử dụng ngân sách nhà nước và diện hiệp định.
Các Chương trình học bổng theo Đề án "Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020", Đề án "Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020" và diện Hiệp định theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện từ năm 2016 đến nay đã tuyển chọn được các ứng viên đi học sau đại học liên quan đến lĩnh vực Vật lý bao gồm 10 tiến sĩ và 16 thạc sĩ.
Việc này đã giúp nâng cao chất lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay có 8 trường đại học trọng điểm đạt tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ trên 50% .
Chương trình phát triển Vật lý đồng thời đẩy mạnh công bố quốc tế, góp phần nâng cao trình độ, vị thế của vật lý Việt Nam trên trường quốc tế:
Trong năm 2017, các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã công bố được 288 bài báo trong danh mục ISI, Scopus trong lĩnh vực Vật lý; năm 2018 với 405 bài, năm 2019 với 345 bài đã công bố.
Song song với số lượng, chất lượng các công trình công bố trên tạp chí ngày càng cao (cụ thể các bài đã được đăng trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF cao ngày càng tăng), số lượng các bài báo quốc tế trích dẫn các công trình công bố bởi các tác giả thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ ngày càng gia tăng mạnh mẽ, với trên 50% là các bài báo Q1 và Q2.
Đơn vị công bố nhiều nhất trong các đơn vị của Bộ GD&ĐT là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từ năm 2015 đến 2019 có số lượng tổng khoàng 500 bài ISI, Scopus trong đó có nhiều bài có trích dẫn cao.
Đặc biệt, GS Nguyễn Đức Hòa là nhà khoa học có chỉ số trích dẫn cao nhất trong các lĩnh vực năm 2019 trong các nhà khoa học Việt Nam, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Vật lý.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho biết, ngành Vật lý có sự tiến bộ về xếp hạng trên thế giới theo xếp hạng của SCOPUS (từ vị trí 60 năm 2014 lên vị trí 52 năm 2017), trong số 14 giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao, ngành Vật lý có 5 nhà khoa học đoạt giải, chiếm 38%, cao nhất trong 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Ngoài ra, Chương trình phát triển Vật lý cũng đầu tư xây dựng nâng cấp một số phòng thí nghiệm Vật lý ở các trường đại học và viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học ngành Vật lý. Xây dựng và xuất bản các giáo trình đào tạo học sinh chuyên Vật lý, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy Vật lý đạt trình độ tiên tiến trên thế giới cho các trường đại học.