Trong giai đoạn “nước rút” ôn thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc hệ thống kiến thức, rèn kỹ năng làm bài, nhiệm vụ trọng tâm của thầy cô còn là “chống trượt” cho học sinh học lực yếu.
Ôn tập, củng cố kiến thức
Để bảo đảm kiến thức cho học sinh, giáo viên bộ môn vừa tổ chức ôn tập buổi học chính khóa, tiến hành nâng kém, củng cố kiến thức cho học sinh trung bình, yếu vào buổi chiều. Nhiều trường còn cho học sinh học nhóm, hướng dẫn học trực tuyến …
Theo cô Trương Thị Đáng, giáo viên lớp 12, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), căn cứ vào năng lực và kết quả học tập của học sinh, nhà trường chia ra 2 mức độ học tập. Đối với học sinh yếu kém, giáo viên bộ môn sẽ ôn tập trung ở phần thông hiểu, nhận biết, củng cố kiến thức cơ bản, chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12. Mỗi chương, bài học đều có phần nhận biết, nhằm giúp học sinh đạt được điểm 6 - 7 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
"Bên cạnh việc ôn tập tại trường, giáo viên bộ môn sẽ giao bài và thực hiện kiểm tra bài trực tuyến tại nhà cho các em. Nhà trường còn tổ chức ghi hình, làm clip ôn bài sau đó đăng lên website, giúp học sinh tự ôn tại nhà, bảo đảm tính liên tục và truy lại bài mà mình không hiểu những buổi ôn chính khóa. Cách làm này không gây áp lực cho học sinh, động viên và khích lệ các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới", thầy Đặng Minh Vương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị cho biết.
Tại Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), công tác ôn tập thi THPT được nhà trường triển khai từ ngày 1/6, tập thể nhà trường quyết tâm "không để học sinh yếu kém ở lại phía sau". Theo thầy Huỳnh Văn Võ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, để phân loại học sinh và đưa ra phương pháp ôn thi hiệu quả, trường tổ chức ôn thi THPT 2020 cho các em làm 2 giai đoạn (1/6 - 4/7 và 8/7 - 4/8). Trong mỗi giai đoạn, nhà trường tiến hành khảo sát online để đánh giá năng lực học sinh. Từ đó giao thầy cô củng cố, bổ sung kiến thức cho các em, đặc biệt là học sinh yếu kém.
Nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh, đặc biệt những em học lực trung bình, yếu, Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) duy trì thực hiện học trực tuyến. Song song với ôn tập chính khóa theo từng khối học vào buổi sáng, giáo viên bộ môn thực hiện ôn trực tuyến đại trà tại nhà cho học sinh. Đối với học sinh yếu, thầy cô thực hiện sàng lọc và triển khai một số lớp phụ đạo riêng vào buổi chiều.
Thi thử để ôn tập hiệu quả
Trao đổi về công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT, ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường hoàn thành kế hoạch dạy học, bảo đảm kết thúc chương trình, sau đó tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT. Đầu tháng 8, sở tổ chức thi thử theo đề chung của Bộ GD&ĐT cho học sinh lớp 12 toàn tỉnh để làm quen với hình thức, cách thức thi và đánh giá chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Tiền Giang có khoảng 14.000 thí sinh với 27 điểm thi. Để kỳ thi diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức thực hiện tốt việc ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh. Tổ chức thi thử giúp học sinh, nhất là các em học lực trung bình, yếu làm quen với cấu trúc đề thi…
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình học kỳ II. Việc ôn tập, các trường cần bám sát hướng dẫn và đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT. Cần lưu ý cấu trúc và mức độ khó của các câu hỏi. Sở đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên môn để giáo viên trong toàn tỉnh có dịp nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác ôn luyện. "Để tạo điều kiện cho học sinh cũng như giúp các trường điều chỉnh việc ôn tập, Sở GD&ĐT tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 vào ngày 6 - 7/7. Qua đó, sở phân tích kết quả và gửi về cho các trường để giáo viên, học sinh điều chỉnh việc dạy học, ôn và thi đạt kết quả tốt nhất", ông Toàn cho biết.
Tại Đồng Tháp, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc nghỉ học kéo dài và thời gian thi lùi lại ít nhiều ảnh hưởng đến học sinh. Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện việc dạy học và ôn tập theo hướng bảo đảm kiến thức và kỹ năng cơ bản theo chương trình dạy học tinh giản, bám sát cấu trúc, nội dung trọng tâm của đề tham khảo các môn để ôn tập cho học sinh. Bên cạnh việc ôn tập trực tiếp, các trường có điều kiện kỹ thuật sẽ tổ chức ôn tập online…
Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi, học sinh phải ôn tập theo hướng dẫn của nhà trường; tăng cường tự ôn tập để nắm chắc kiến thức, kỹ năng; bảo đảm sức khỏe trong thời gian ôn tập và những ngày thi. Đặc biệt, phải nghiên cứu kỹ những việc thí sinh được làm và không được làm theo quy định của Quy chế thi để không có vi phạm đáng tiếc. - ông Trần Thanh Liêm