Đề cao yếu tố chất lượng và hội nhập
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức ghi nhận và đánh giá cao phương pháp tổ chức và xây dựng Quy chế lần này của Bộ GD&ĐT. Cách xây dựng Quy chế có sự đổi mới căn bản đó là: Bên cạnh Ban Soạn thảo, Bộ trưởng đã thành lập Tổ chuyên gia gồm các nhà giáo, quản lý, chuyên gia đã từng tham gia công tác tuyển sinh và quản lý đào tạo nhiều năm, có kinh nghiệm để đề xuất, tập hợp ý kiến từ các cơ sở đào tạo.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức |
Vì vậy, Quy chế vừa cập nhật được những đổi mới phù hợp với Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, với khung trình độ quốc gia mới ban hành, đồng thời thể hiện được tính dân chủ, phản ánh được những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Do vậy không ý kiến góp ý nào của chuyên gia bị bỏ sót, các ý kiến đều có nghiên cứu và tiếp thu, giải trình thấu tình đạt lý. Quy chế mới thể hiện sự dân chủ và có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống.
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, dự thảo Quy chế lần này đề cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đơn vị, đi đôi với việc công khai, minh bạch và cơ chế kiểm tra giám sát rõ ràng. Mặt khác, tích hợp được các các Quy chế tuyển sinh trước đây vào làm một: Từ đại học chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, đến các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và các văn bản khác liên quan đến tuyển sinh, chỉ còn một Quy chế tuyển sinh ở bậc đại học.
Do đó quá trình xây dựng Quy chế sẽ vất vả và công phu hơn, nhưng lại có tính hệ thống, gắn kết hơn trong công tác tổ chức và quản lý, thuận tiện cho các cơ sở giáo dục đào tạo. “Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đề cao yếu tố chất lượng và hội nhập quốc tế. Chẳng hạn những kết quả như: SAT, ACT, A-level,… có thể được các đơn vị đào tạo xem xét để tuyển sinh các đối tượng này” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định.
Quy chế tuyển sinh cũng như hướng tuyển sinh của các trường phù hợp với yêu cầu tự chủ đại học. Ảnh: Quý Trung |
Bổ sung chế tài xử lý
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phân tích thêm: Bên cạnh những điểm mới nêu trên, dự thảo Quy chế lần này bổ sung với các đối tượng rộng hơn và đầy đủ hơn, như các trường hợp đã hoàn thành chương trình THPT ở nước ngoài; bổ sung nội dung tuyển sinh đào tạo nhân lực cho các địa phương thuộc khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…; Quy chế cũng yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về tuyển sinh trình độ đại học (bao gồm cả hình thức đào tạo), trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, dự thảo Quy chế cũng quy định rất rõ: Đề án tuyển sinh phải ghi rõ năm bắt đầu đào tạo, quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật; đặc biệt lần này trong dự thảo Quy chế đã bổ sung quy định xử lý các trường hợp cán bộ và thí sinh vi phạm quy chế.
Quy định “thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị phát hiện có hành vi gian lận hoặc liên quan trực tiếp đến gian lận trong quá trình thi, tuyển sinh có thể bị buộc thôi học, cấm dự tuyển vào trường trong những năm tiếp theo” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dẫn giải, đồng thời nhấn mạnh: Đây là điểm rất mới và quan trọng. Theo đó, các cơ sở đào tạo có căn cứ để xử lý những trường hợp vi phạm hoặc liên quan đến gian lận thi cử.