Nâng chuẩn trình độ: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên

Chủ nhật - 09/02/2020 22:40 599 0
GD&TĐ - Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) sau khi...
Nâng chuẩn trình độ: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên

Để hiểu rõ hơn một số  nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định, Báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi với ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục - Bộ GD&ĐT.

Nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới

- Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV là gì, thưa ông?

- Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020) quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của GV các cấp học, trong đó có sự thay đổi đối với mầm non (từ trung cấp lên CĐ), tiểu học (từ trung cấp lên ĐH), THCS (từ CĐ lên ĐH). Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với GV các cấp học nêu trên là nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.

- Đối tượng GV nào phải thực hiện nâng trình độ chuẩn. Thời điểm nào là bắt đầu thực hiện đào tạo nâng chuẩn?

- Dự thảo Nghị định quy định: Tính từ ngày 1/7/2020 (Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành), GV mầm non, GV tiểu học, GV THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn. Điều đó có nghĩa phải lấy mốc từ thời điểm sẽ nghỉ chế độ còn đủ 5 năm công tác tính lùi lại, cộng với thời gian đào tạo đạt trình độ chuẩn theo quy định để xác định đối tượng GV phải thực hiện đào tạo nâng chuẩn.

Mặt khác, dự thảo Nghị định xác định lộ trình thực hiện từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, như vậy trong thời gian này, các cơ sở giáo dục, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, xác định đối tượng GV thực hiện lộ trình đào tạo nâng chuẩn và theo các giai đoạn thực hiện lộ trình để bố trí, sắp xếp cử GV đi đào tạo phù hợp với điều kiện của từng GV và cơ sở giáo dục.

Nâng chuẩn trình độ: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa/ INT

Không làm tăng áp lực về việc thiếu GV

- Điều dư luận xã hội quan tâm nhất là việc giải quyết bài toán giữa cử GV đi đào tạo nâng chuẩn và vấn đề thiếu GV, nhất là cấp học mầm non và tiểu học, vậy phải giải bài toán này như thế nào?

- Trước khi Luật Giáo dục được thông qua, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Vì vậy, có thể nói, khi triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ GD&ĐT đã có một bức tranh khá đầy đủ về hiện trạng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục trong toàn quốc từ độ tuổi, cấp học, môn học và trình độ đào tạo.

Hệ thống cơ sở dữ liệu nêu trên cũng đã được triển khai đến từng cơ sở giáo dục của 63 tỉnh/thành phố, giúp Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý. Theo đó, Bộ GD&ĐT có đầy đủ số liệu về GV mầm non, tiểu học, THCS phải thực hiện nâng trình độ chuẩn, làm căn cứ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và cử GV tham gia đào tạo nâng chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế của GV và từng trường, không làm tăng áp lực về việc thiếu GV.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở đào tạo GV thực hiện các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với đối tượng GV vừa làm, vừa học như: Học tích lũy tín chỉ, từ xa, tập trung, trực tuyến, trực tuyến kết hợp với tập trung. Đặc biệt là việc nâng trình độ chuẩn của GV được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/ 2030 (10 năm) và được chia làm 2 giai đoạn. Đây là tiền đề để các cơ sở giáo dục xác định thời điểm cử GV đi đào tạo mà không làm ảnh hưởng đến việc thiếu GV của các trường và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho GV vừa làm, vừa học hiệu quả, chất lượng. Theo dự tính, mỗi năm, mỗi tỉnh/thành phố chỉ cử đi đào tạo khoảng 142 GV mầm non, 185 GV tiểu học, 81 GV THCS.

- Chính sách và quyền lợi khi GV tham gia đào tạo nâng chuẩn được thực hiện như thế nào?

- Trong quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo, các GV vẫn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình. Chế độ, chính sách của GV vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành. Quyền lợi, trách nhiệm của thầy cô tham gia đào tạo nâng chuẩn được quy định rõ ràng, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đội ngũ để không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc của GV.

Dự kiến GV tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của GV được đảm bảo từ nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước cấp bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành; đóng góp của GV và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

- Để thực hiện có kết quả lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của GV, việc cần làm của các địa phương trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Các địa phương, cơ sở giáo dục cần chủ động rà soát danh sách GV thuộc đối tượng phải thực hiện nâng chuẩn trình độ; xây dựng kế hoạch thực hiện và chủ động điều tiết số lượng GV tham gia đào tạo nâng chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế; có phương án bố trí, sắp xếp GV hợp lý để không xảy ra tình trạng thiếu GV; bố trí kinh phí để thực hiện theo kế hoạch 5 năm và hàng năm đã xác định; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo GV trong việc quản lý, giám sát học tập của các GV được cử đi đào tạo.

- Xin cảm ơn ông!

Ngày 9/1/2020, Bộ GD&ĐT đăng tải dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi của các cá nhân, đơn vị. Dự thảo Nghị định là một bước triển khai thực hiện khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019. Việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với GV mầm non, tiểu học, THCS là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội và xã hội quan tâm từ khi Quốc hội lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Giáo dục năm 2019.

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập334
  • Hôm nay22,990
  • Tháng hiện tại301,120
  • Tổng lượt truy cập51,657,079
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944