Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức hướng dẫn xây dựng nguồn học liệu, phát động các sự kiện, giao lưu, mở các lớp giáo dục về kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh, sinh viên (HSSV).
Đối với các trường mầm non, giáo viên cần dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ, đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe tại gia đình.
Tăng cường vận động, khuyến khích HSSV, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức duy trì thói quen đọc (xuất bản phẩm in và điện tử, trong đó tiếp tục chú trọng sách in) phù hợp với điều kiện của từng đối tượng.
Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai đồng bộ có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc. Đề cao vai trò của gia đình trong việc hình thành thói quen đọc và văn hóa đọc.
Hướng dẫn các kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với HSSV; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội.
Trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con; giới thiệu, lựa chọn những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Ngoài xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc, Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp thông tin tuyên truyền; thực hiện xã hội hóa trong hoạt động thư viện trường học; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, tăng cường ứng dụng CNTT; mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa đọc.