Việc đầu tư trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập đồng thời góp phần đẩy mạnh tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày.
Năm học 2024 - 2025, quận Bình Tân đưa vào sử dụng 7 công trình trường học gồm 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS với tổng quy mô 204 phòng học. Theo ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận, trong 10 năm trở lại đây, đây là năm học địa phương có nhiều phòng học mới nhất được đưa vào sử dụng. Năm học 2025 - 2026, địa phương có thêm 9 trường nữa đưa vào hoạt động. Đây là kết quả của việc quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng, ưu tiên đất xây dựng trường học.
“Từ 7 công trình trường học xây mới, dự kiến năm học tới, cấp tiểu học sẽ giảm sĩ số học sinh/lớp, riêng cấp THCS duy trì ổn định sĩ số 45 học sinh/lớp so với năm học trước. Tuy nhiên, địa phương chưa thể thực hiện các mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập.
Hiện, toàn quận có 13/24 trường mầm non, 1/24 trường tiểu học và 1/14 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng trường tiên tiến hội nhập gặp khó do phải ưu tiên đáp ứng chỗ học cho người dân”, ông Ngô Văn Tuyên cho hay.
Tương tự, tại huyện Bình Chánh, từ nay đến năm 2025, địa phương đặt mục tiêu xây dựng mới 27 công trình trường học để hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi). Mới đây, địa phương đã khởi công xây dựng 5 công trình trường học, trong đó 2 công trình thuộc Đề án xây dựng 4.500 phòng học (gồm 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non).
Tuy nhiên, các công trình không kịp đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2024 - 2025. Trước mắt, tháng 9/2024, huyện Bình Chánh có 1 trường THCS mới đưa vào hoạt động, góp phần giải quyết bài toán về chỗ học, nâng cao tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên địa bàn.
Tại huyện Củ Chi, năm học 2024 - 2025 có thêm một trường THCS trên địa bàn xã Tân Thạnh Đông được xây mới đưa vào hoạt động. Đặc biệt, theo Đề án xây dựng 4.500 phòng học từ nay đến năm 2025 của TPHCM thì huyện Củ Chi có 10 công trình trường học xây mới. Các dự án đang được ráo riết đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất để khởi công xây dựng.
Trong khi đó, tại Quận 8, ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT quận, cho biết từ nay đến năm 2025, quận dự kiến xây dựng và sửa chữa, cải tạo 6 trường để có thêm nhiều phòng học. Cụ thể, năm 2024 xây mới 1 trường tiểu học, năm 2025 xây mới 4 trường gồm Trường Chuyên biệt Hy Vọng, Trường Mầm non Phường 9, Trường Tiểu học Hoa Trà My, Trường THCS Bình Minh, đồng thời sửa chữa, cải tạo Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn.
Ở các quận nội thành, năm học 2024 - 2025, nhiều công trình trường học được xây mới như Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (Quận 5), THCS Nguyễn Thái Bình (Quận 6), Trường Mầm non 12 (Quận 3)…
Giờ học của trẻ lớp Lá, Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7). Ảnh: MA |
Hiện, TPHCM còn một số quận, huyện có nhiều trường THCS, tiểu học có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; điều kiện sân chơi, bãi tập, thư viện chưa đảm bảo theo chuẩn, ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Theo tính toán của Sở GD&ĐT TPHCM, mỗi năm, thành phố có thêm 10 - 15 nghìn học sinh mỗi khối lớp. Với quy mô và tốc độ tăng dân số, để đạt chỉ tiêu trên vào năm 2025, thành phố cần hơn 8 nghìn phòng học mới. Do đó, việc xây mới 4.500 phòng học là cấp thiết.
Được biết, để triển khai Đề án xây dựng 4.500 phòng học, TPHCM phải giải quyết các dự án vướng mắc về quỹ đất, rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất cho ngành GD-ĐT bằng nhiều giải pháp như di chuyển, thu hồi kho bãi, khu đất bị bỏ hoang.
Cùng đó, bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, tái định cư, đông dân để xây dựng trường; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục. Ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất…
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, quá trình thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học gặp một số khó khăn. Thời gian qua có những thay đổi mới về quy định trong thủ tục đầu tư công và quy hoạch, đất đai… dẫn đến quá trình triển khai các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phải trải qua nhiều bước. Kế hoạch này cũng gặp một số vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Ngoài ra, theo ông Lê Hoài Nam, việc đảm bảo định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT cũng là vấn đề khá lớn đối với đặc thù của TPHCM. Điều này đã tạo không ít khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, tăng số lượng phòng học ở tất cả cấp học, đặc biệt khu vực nội thành. Do đó, để tháo gỡ bất cập trên, sở đã có đề xuất kiến nghị và cùng các sở, ngành tham mưu UBND thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng xem xét, tháo gỡ.
“TPHCM đã đạt 294 phòng học/10 nghìn dân. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện và ở các cấp học. Thời gian tới, sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành đề án theo đúng tiến độ đã đề ra”, ông Lê Hoài Nam cho hay.
Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học, đến nay có 2 công trình hoàn thành và dự kiến khoảng 12 công trình trường học đẩy nhanh tiến độ để kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025.
Tác giả bài viết: Hồ Phúc
Ý kiến bạn đọc