Nhiều sinh viên và chuyên gia giáo dục nói rằng, sự gia tăng tâm lý phân biệt chủng tộc đã khiến nhiều người ở Trung Quốc tìm kiếm các lựa chọn thay thế tại Đông Nam Á. Lý do bao gồm khả năng chi trả, chính sách thị thực thoải mái và sự quen thuộc về văn hóa.
Khoảng một năm sau khi tốt nghiệp ngành tiếp thị vào năm 2021, Zhang Xin đứng trước hai lựa chọn khó khăn: Tiếp tục công việc đầy căng thẳng của mình với tư cách là người tổ chức sự kiện hoặc chuẩn bị cho sự cạnh tranh khốc liệt của các kỳ thi sau đại học ở Trung Quốc.
Mệt mỏi với cuộc đua tranh và tuyệt vọng tìm kiếm một khởi đầu mới, Zhang - người đồng thời đảm đương vị trí nhân viên pha chế để kiếm thêm thu nhập, đã chọn phương án thứ ba. Cô nghỉ việc và đặt mục tiêu đến Thái Lan. Cô đã đăng ký lấy bằng sau đại học về quản lý kinh doanh.
“Tôi đưa ra quyết định vào đầu năm 2022, sau nhiều tháng ngồi ở nhà vì những hạn chế của đại dịch. Đó là cơ hội duy nhất của tôi. Hơn nữa, tôi luôn bị mê hoặc bởi Thái Lan và tôi thực sự muốn biết cuộc sống ở đó như thế nào”, Zhang – nữ sinh 26 tuổi chia sẻ.
Những lựa chọn của Zhang phản ánh một xu hướng rộng hơn đang lan rộng khắp Trung Quốc - nơi ngày càng nhiều sinh viên chuyển hướng sang Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Ví dụ, ở Thái Lan, người học Trung Quốc chiếm phần lớn sinh viên quốc tế vào năm 2022, với 21.419 sinh viên đăng ký, tăng 130% so với 9.329 vào năm 2012. Các lĩnh vực nghiên cứu phổ biến bao gồm quản trị kinh doanh, luật, nghệ thuật, nhân văn và giáo dục.
Tương tự, Trung Quốc nổi lên là quốc gia có nhiều sinh viên quốc tế đến Malaysia và Singapore nhất. Chỉ trong quý II năm 2023, Malaysia chứng kiến làn sóng sinh viên từ Trung Quốc tràn vào, với 4.700 đơn đăng ký mới, đánh dấu mức tăng 18% so với năm trước. Tính đến tháng 6/2023, Singapore là nơi có khoảng 73.200 sinh viên quốc tế.
Trong đó, sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng một nửa. Trong khi các quốc gia như Mỹ, Anh và Canada vẫn là những lựa chọn phổ biến nhất đối với sinh viên Trung Quốc muốn đi du học, song những hạn chế về thị thực ngày càng gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang và chi phí giáo dục cũng như sinh hoạt cao hơn đang khiến nhiều người phải xem xét lại.
Khi Zhang bắt đầu đăng ký chương trình sau đại học ở Thái Lan vào tháng 2/2022, tất cả những gì cô cần là bằng đại học, bảng điểm và kỹ năng tiếng Anh cơ bản.
“Tiếng Anh của tôi không tốt lắm. Tuy nhiên, họ chỉ yêu cầu các kỹ năng giao tiếp cơ bản cùng với bài kiểm tra nói đơn giản. Chỉ vậy thôi”, Zhang chia sẻ. Với trình độ tiếng Anh hạn chế của mình, Zhang đã chọn không ưu tiên thứ hạng của trường trong quá trình nộp đơn. Thay vào đó, cô chọn ba trường đại học dựa trên sở thích cá nhân của mình. Bốn tháng sau, cô nhận được lời mời từ Trường Đại học Rattana Bundit. Đây là một trường đại học tư thục ở Bangkok.
Ngược lại, việc theo đuổi chương trình giáo dục sau đại học ở Trung Quốc lại là một con đường gian khổ hơn nhiều. Dữ liệu cho thấy, số người đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh quốc gia cho các chương trình sau đại học ở Trung Quốc đã tăng từ 1,51 triệu năm 2011 lên 4,74 triệu vào năm 2023. Zhang nói: “Tôi cảm thấy việc theo đuổi các nghiên cứu sau đại học ở Trung Quốc tương đối khó khăn. Tại Thái Lan, thời gian học chương trình thạc sĩ cũng ngắn hơn tương đối”.
Ngoài quy trình nộp đơn tương đối dễ dàng, mức học phí hợp lý ở các quốc gia như Thái Lan càng làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với sinh viên. Theo Zhang, chương trình sau đại học kéo dài hai năm của cô sẽ tiêu tốn khoảng 150.000 nhân dân tệ (21.014 USD), gần tương đương với học phí cho một năm học ở Mỹ. Theo báo cáo về thị trường du học Trung Quốc năm 2023 của EIC
Education, học phí hàng năm cho các chương trình sau đại học ở Mỹ thường dao động từ 200 - 350 nghìn nhân dân tệ. Trong khi đó, ở Anh, chi phí này có giá từ 100 - 300 nghìn nhân dân tệ mỗi năm.
“Mục đích của tôi chỉ là lấy bằng, khám phá đất nước tôi thích và phát triển kỹ năng tiếng Anh của mình một chút. Ở Thái Lan, giáo dục ngôn ngữ mang lại hiệu quả chi phí cao hơn đối với tôi”, Zhang nói.
Nữ sinh này nói thêm rằng, cô là một trong những người học nhỏ tuổi nhất trong lớp. Hầu hết bạn cùng lớp của cô đều là những người trung niên đang theo đuổi bằng thạc sĩ để đáp ứng yêu cầu công việc ở quê nhà.
Cuộc sống của Zhang Xin tại Thái Lan. |
Trong khi đó, Chang Le - một sinh viên Trung Quốc khác, đã chọn chuyển đến Malaysia sau khi hoàn thành “gaokao” - kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc, vào năm 2022. “Tôi chỉ muốn ra ngoài và trải nghiệm thế giới bên ngoài khi còn trẻ”, Chang - sinh viên tâm lý học năm thứ nhất tại Trường Đại học Quốc gia Malaysia chia sẻ.
Chỉ riêng năm 2022, hơn 38.000 sinh viên Trung Quốc đã đăng ký học đại học ở Malaysia, gần gấp đôi so với con số 20.000 vào tháng 6/2021. Trong đó, nhiều người chọn theo học các chương trình về khoa học xã hội, kinh doanh và luật.
Đối với những sinh viên như Chang, lớn lên trong một gia đình bình thường, Malaysia cũng là một lựa chọn thay thế hợp lý. Cô cho biết, chương trình đại học ba năm sẽ tiêu tốn của gia đình hơn 100 nghìn nhân dân tệ.
“Những gia đình bình thường như chúng tôi không đủ khả năng chi trả cho nền giáo dục phương Tây. Thành thật mà nói, nếu tôi học ở Anh hoặc Mỹ trong ba năm thì sẽ rất khó khăn và tôi cũng không muốn làm điều đó”, nữ sinh bày tỏ.
Theo Joshua Mok Ka-ho - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, việc giám sát chặt chẽ thị thực sinh viên ở các nước phương Tây là mối lo ngại đối với sinh viên Trung Quốc và phụ huynh.
“Điều này không tốt cho sinh viên Trung Quốc hoặc châu Á du học. Bởi vì việc chính trị hóa giáo dục đại học trên phạm vi quốc tế sẽ tạo ra những nhận thức lo lắng không cần thiết, điều này có lẽ vẫn còn tồn tại trong sinh viên”, ông Ka-ho cho biết.
Những sự cố liên quan đến việc giám sát chặt chẽ sinh viên Trung Quốc tại các điểm nhập cảnh vào Mỹ và việc hủy thị thực đã làm dấy lên mối lo ngại của chính quyền trong nước.
Ngoài quy trình nộp đơn tương đối dễ dàng, mức học phí hợp lý ở các quốc gia như Thái Lan càng làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với sinh viên |
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lĩnh Nam nhấn mạnh rằng, giáo dục ở nước ngoài được các gia đình Trung Quốc coi là một khoản đầu tư. Tuy nhiên, các tin tức quốc tế về việc những nước phương Tây có lập trường cứng rắn hơn đối với sinh viên Trung Quốc được coi là rủi ro tiềm ẩn trong việc lựa chọn điểm đến học tập.
“Sinh viên Trung Quốc rất thông minh khi có sự lựa chọn. Họ có thể đang tính toán tất cả các lựa chọn và quản lý rủi ro”, ông Ka-ho nói và cũng lưu ý rằng, mối quan hệ ngày càng gắn bó của Trung Quốc với các nước ASEAN thông qua những dự án như Sáng kiến Vành đai và Con đường khiến các quốc gia này trở thành lựa chọn “an toàn hơn”.
Trong khi đó, Chu Zhaohui - nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục quốc gia Trung Quốc đồng ý rằng, giáo dục đại học ngày càng phổ biến ở các nước Đông Nam Á chủ yếu là do học phí thấp hơn.
“Những thay đổi trong môi trường quốc tế sẽ tác động đến cách mọi người lựa chọn điểm đến cho giáo dục ở nước ngoài. Tuy nhiên, tác động chủ yếu sẽ thấy ở tầng lớp thượng lưu (những người có đủ khả năng chi trả cho giáo dục đại học ở các nước phương Tây), chứ không phải tầng lớp thấp”, chuyên gia nhận định. Ông nói thêm rằng, mặc dù số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ giảm nhẹ vào năm 2023, nhưng quốc gia này có thể vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người nhờ nền giáo dục chất lượng cao.
Zero Lin - sinh viên sau đại học năm thứ hai tại Trường Đại học Quốc gia Singapore, đã chuyển tiếp việc học của mình từ Mỹ vào năm 2022. Nam sinh giải thích: “Bầu không khí ở Mỹ, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, đã gây khó khăn cho tôi và khoảng cách từ nhà là một mối lo ngại”.
Ở Singapore, Lin không chỉ thấy học phí phải chăng, mà còn có môi trường xã hội thân thiện hơn. “Phần lớn dân số Trung Quốc và sự chấp nhận văn hóa ở Singapore tạo ra cảm giác thân thuộc”, Lin cho biết.
Mặc dù ngày càng có nhiều sự quan tâm đến giáo dục đại học ở khu vực gần Trung Quốc hơn, nhưng bằng cấp của một số nước Đông Nam Á thường bị đánh giá thấp do yêu cầu đầu vào không cao.
Ví dụ, trên mạng xã hội Trung Quốc, một số người gọi trải nghiệm giáo dục ở các quốc gia này là “shui shuo” hoặc “shui bo”, ngụ ý rằng những bằng cấp này được coi là có ít giá trị hơn so với các nước phương Tây.
Bất chấp những ý kiến như vậy, sinh viên cho biết, họ coi trọng trải nghiệm học tập ở nước ngoài hơn là danh tiếng của trường. Chang nói: “Cho dù bạn đến quốc gia nào, đó vẫn là cơ hội để trải nghiệm thế giới bên ngoài”.
Chỉ còn ba tháng nữa là chương trình của cô kết thúc, Zhang đang bận rộn chuẩn bị cho việc bảo vệ luận án của mình. Mặc dù kế hoạch tương lai của cô vẫn chưa chắc chắn, nhưng Zhang cho biết mình vẫn lạc quan.
“Mặc dù, Thái Lan không được coi là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh đáng kể nhưng vẫn có nhiều cơ hội ở đây. Bản thân việc học tập ở Đông Nam Á đã là một trải nghiệm quý giá, ngay cả khi nó không mang lại một công việc lương cao”, nữ sinh chia sẻ.
Mặc dù nhu cầu du học ở nước ngoài đang dần phục hồi sau khi các hạn chế đi lại được nới lỏng kể từ tháng 12/2022, nhưng số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ lại giảm nhẹ. Theo dữ liệu của Open Doors, con số này đã giảm 0,2%, từ 290.086 trong năm học 2021 - 2022 xuống còn 289.526 vào năm 2022 - 2023. Cả hai chính phủ đều thừa nhận giá trị của việc trao đổi sinh viên.
Tác giả bài viết: Trọng Anh
Ý kiến bạn đọc