Động thái trên đáp ứng mục tiêu chiến lược quốc gia là trở thành nền kinh tế đổi mới cao vào năm 2030.
Theo Danh mục các chuyên ngành đại học năm 2024 tại các trường cao đẳng, đại học Trung Quốc do chính phủ nước này cập nhật hàng năm, có 24 chuyên ngành mới được bổ sung. Ngoài ra, 20% tổng số chuyên ngành đại học sẽ được điều chỉnh và tối ưu hóa vào năm 2024.
Các chuyên ngành mới có thể kể đến như khoa học và kỹ thuật bán dẫn hiệu suất; công nghệ nhân giống sinh học nông nghiệp. Đây đều là những lĩnh vực có lợi ích quan trọng, đáp ứng trọng tâm chiến lược quốc gia.
Bên cạnh đó là các chuyên ngành đào tạo về khoa học tiên tiến, các công nghệ then chốt như thông tin điện tử, kỹ thuật giám sát thông minh, thiết bị hàng hải thông minh...
Tuy nhiên cũng có một số chuyên ngành mới “độc đáo” như phục hồi và bảo tồn sinh thái tại Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh hay chăm sóc sức khỏe thể thao và bóng đá...
Đáng chú ý, hơn 220 chuyên ngành đào tạo có tỷ lệ việc làm thấp sẽ bị loại bỏ với lý do không còn thích ứng với sự phát triển kinh tế và xã hội. Số lượng chuyên ngành trong các lĩnh vực như quản lý, nghệ thuật giảm. Điều này cho thấy những điều chỉnh mới nhất cũng quan tâm đến triển vọng việc làm do tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp tăng cao trong những năm gần đây.
Sự không phù hợp giữa cung và cầu sau đại học được đánh giá là dấu hiệu đỏ tại Trung Quốc. Vào tháng 3, chính quyền thành phố Thượng Hải yêu cầu các trường đại học trên địa bàn cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp mà khó tìm việc làm như nghệ thuật, quản lý, luật, ngoại ngữ...
Trong khi đó, thành phố muốn tăng cường chỉ tiêu các ngành như khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, y học... Lý do nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp có nhu cầu phát triển cấp thiết trong khu vực.
Ông Chu Zhohui, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục quốc gia Trung Quốc, nhận định: “Trong những năm gần đây, khu vực đại học đã tăng cường nỗ lực điều chỉnh các chuyên ngành liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế và xã hội. Việc điều chỉnh cần theo kịp tốc độ đổi mới của doanh nghiệp và hội nhập tốt hơn.
Còn nhà phân tích công nghệ Tilly Zhang cho biết, trước đây chính phủ có thể đầu tư vào các ngành phát triển kinh tế bằng cách đầu tư nguồn vốn lớn nhưng giờ đây, mọi lĩnh vực đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, các trường đại học được yêu cầu nuôi dưỡng càng nhiều nhân tài sáng tạo càng tốt.
Chuyên gia này lưu ý chiến lược mới của chính phủ cũng được thúc đẩy do tình trạng thiếu nhân tài trong một số lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp đã săn lùng nhân tài từ Đài Loan với mức lương cao. Tuy nhiên, khoảng trống nhân lực vẫn còn đó, cần những nhân tài trong nước lấp đầy.
Để tăng cường nhân lực ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), 36 trường đại học đã điều chỉnh chính sách tuyển sinh, trong đó đặc cách tuyển sinh những thí sinh có thành tích xuất sắc trong các môn học liên quan đến STEM. Những thí sinh này cần đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về Toán, Vật lý và Hóa học trong kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao.
Tác giả bài viết: Tú Anh
Ý kiến bạn đọc