Liên kết nhà trường-gia đình còn lỏng lẻo
Trong khuôn khổ của nghiên cứu, đã có gần 80 trường học, xã/phường được nghiên cứu, khảo sát và hơn 8000 người được hỏi. Những nghiên cứu bước đầu cho thấy mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội đang có phổ rất rộng từ rất gắn kết đến lỏng lẻo.
Ở nhiều trường hợp, nhà trường đang đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức, thực hiện giáo dục đạo đức lối sống. Những sự kiện giáo dục mới chỉ có sự tham dự chứ chưa thực sự có sự tham gia, vào cuộc có trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội. Chẳng hạn, chính quyền tham gia xây dựng mục tiêu giáo dục, cam kết thực hiện trách nhiệm, giáo dục học sinh chưa ngoan,…
Một kết quả đáng chú ý trong khảo sát này, đó là vai trò của gia đình trong thực hiện những giáo dục đạo đức truyền thống đang bị mai một.
Các cha mẹ có thể ủng hộ việc giáo dục của nhà trường, có đóng góp về cơ sở vật chất, tài chính nhưng mức độ tham gia thực sự vào các hoạt động giáo dục con là chưa thường xuyên và chưa tích cực, hoặc chỉ có đại diện hội phụ huynh tham gia.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng chung nhận định: Sự liên kết giữa nhà trường và gia đình còn “lỏng lẻo” trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Đồng tình với ý kiến “công cụ liên lạc điện tử”, “sự dễ dãi trong sử dụng mạng xã hội” đang khiến cho việc giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên trở nên cứng nhắc, dễ bị tổn thương.
Bà Lê Thị Mai Hương – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học, THCS, THPT Thực hành Khoa học giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Trong nhiều trường hợp, sự giao tiếp trực tiếp giữa nhà giáo với phụ huynh đã giảm những “sự hiểu lầm” không đáng có, những “scandal” xảy ra vì thiếu sự giao tiếp trực tiếp này.
Việc chỉ phán đoán dựa vào hình ảnh, sự kiện đã tạo ra sự nhạy cảm, khiến nhiều người rơi vào tình trạng bị tổn thương, gây tiền lệ xấu cho giáo dục.
Còn theo bà Đoàn Hương, Hiệu trưởng trường THCS Đại Mỗ - Nam Từ Liêm, Hà Nội: Từ thực tiễn giáo dục 30 năm của bản thân và đồng nghiệp, cho thấy, các nhà trường cần nỗ lực hơn nữa trong tạo cho cha mẹ học sinh cơ hội cùng tham gia giáo dục con của họ.
Nhà trường không nên chỉ tập trung cho các hoạt động bề nổi, mà còn cần thực hiện các hoạt động có chiều sâu giúp cha mẹ hiểu cách dạy con, giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ, đạo đức và định hướng nghề nghiệp.
Cần quy định rõ hơn trách nhiệm gia đình, xã hội trong giáo dục đạo đức
Phân tích kinh nghiệm của trường Đinh Tiên Hoàng, một trường học nổi tiếng vì đã giáo dục thành công nhiều học sinh “chưa ngoan”, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho rằng: “… sự thiếu niềm tin, thiếu kiên trì chính là cản trở lớn nhất trong thực thi giáo dục; sự ăn khớp giữa giáo viên và học sinh chính là phương thuốc tốt nhất”.
Trường Đinh Tiên Hoàng đã “nuôi cấy” lại các giá trị cho học sinh, giúp học sinh thích học, biết cách học, thói quen học, học có hiệu quả và nỗ lực giúp phụ huynh có niềm tin vào sự tiến bộ của con em mình, đồng thời sự thay đổi của họ cũng tạo ra sự tự tin và sẵn sàng phối hợp cùng nhà trường.
TS Đỗ Đức Hồng Hà, Uỷ viên thường trực, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội cho biết, cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Ông Hà cũng đã chỉ ra trong báo cáo của mình 7 nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống học sinh sinh viên, đó là: Nhân tố kinh tế - xã hội; nhân tố văn hoá; nhân tố giáo dục (bao gồm giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường); nhân tố quản lý; nhân tố tình huống cụ thể dẫn đến vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên; nhân thân học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống; nhân tố nạn nhân của hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên.
Mỗi nhân tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hiệu quả phối hợp của các đối tượng trong mô hình gia đình - nhà trường -xã hội.