Cơ sở nắm rõ nhất năng lực, trình độ giảng viên
- Nhắc đến vai trò của các cơ sở đào tạo trong việc phát triển và tuyển dụng đội ngũ giảng viên chất lượng, cuối tháng 3 vừa qua, liên quan đến rất nhiều sai sót trong hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2018, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các cơ sở đào tạo trong cả nước, chỉ đích danh những đơn vị buông lỏng trong việc rà soát hồ sơ cũng như quản lý đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Điều đó cũng có thấy vai trò của các cơ sở đào tạo rất quan trọng, nếu không muốn nói là điểm chốt, trong việc kiểm soát và đánh giá chất lượng thực của trình độ giảng viên (khác với trình độ về bằng cấp). Điều này cũng liên quan đến ý kiến lâu nay của dư luận về chất lượng đào tạo tiến sĩ, cũng như việc xét duyệt và phong hàm GS, PGS ở nước ta lâu nay. Bà đánh giá gì về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang
Cũng giống như bất cứ ngành nghề nào khác, nơi người lao động làm việc là nơi quản lý và hiểu rõ nhất về người lao động đó. vì vậy, cơ sở đào tạo - nơi giảng viên công tác hiểu rất rõ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tác phong, đạo đức... của giảng viên. Nhất cử nhất động của giảng viên trong hoạt động giảng dạy và đào tạo như làm việc như thế nào, sinh hoạt chuyên môn ở đâu, kể cả đạo đức, tác phong..., cơ sở đào tạo đều nắm rõ.
Trong các trường ĐH có nhiều kênh phản ánh về người giảng viên. Đó qua đồng nghiệp, qua khoa, tổ bộ môn, qua phản hồi, đánh giá của sinh viên, học viên... Hàng năm, để việc đánh giá giảng viên được đa chiều, các cơ sở đào tạo thường sử dụng phiếu khảo sát sinh viên để đánh giá giảng viên. Nôm na là “trò đánh giá thầy”. Việc khảo sát này được tiến hành thường xuyên sau mỗi môn học, kỳ học, năm học và cả khoá học.
Trong phiếu khảo sát thường ẩn danh nên việc trả lời của sinh viên khá chính xác và khách quan. Nội dung các câu hỏi cũng khá cụ thể và đi thẳng vào các vấn đề của nội dung, phương pháp giảng dạy, cách phân chia lượng kiến thức giữa lý thuyết và thực hành, hình thức đánh giá, tài liệu tham khảo, tác phong giảng dạy... Có những câu hỏi rất cụ thể như: “Em hãy mô tả buổi học đầu tiên của môn học?” để kiểm tra phương pháp giảng dạy của giảng viên. (Thông thường, tiết học đầu tiên, giảng viên phải giới thiệu mục đích, ý nghĩa của môn học, phương pháp dạy và học của môn học đó, các hình thức đánh giá, các nội dung căn bản của môn học, các tài liệu liên quan đến môn học...).
Sau khi có được câu trả lời của sinh viên, bộ phận khảo thí sẽ tổng hợp và gửi về tổ bộ môn, khoa, giảng viên để đánh giá giảng viên và rút kinh nghiệm. Cho nên, tôi khẳng định không thể nói cơ sở đào tạo không biết hoặc không hiểu rõ giảng viên của mình. Vì vậy, vừa qua có chuyện một số cơ sở đào tạo sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ như câu hỏi phóng viên đề cập, tôi cho rằng, cần xem xét lại quy trình, xem xét lại cách thức các cơ sở đào tạo đó trong nhiều năm vừa qua đã thực hiện như thế nào. Và cơ sở đào tạo không thể nói là “vô can” trong những sai sót về hồ sơ của giảng viên, hồ sơ xin xét công nhận PGS, GS.
Sự khác biệt giữa nhà khoa học và giảng viên chuyên nghiệp
-Hầu hết các cơ sở đào tạo ưu tiên phát triển, tuyển dụng người có học hàm, học vị để đáp ứng về yêu cầu đội ngũ. Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là một khía cạnh, vấn đề còn lại chắc chắn nằm ở khả năng truyền đạt kiến thức của giảng viên cho người học, trong khi không phải nhà khoa học nào cũng có thể là nhà sư phạm. Theo bà, có cần quy định cụ thể gì hơn trong vấn đề này, hay cứ học vị tiến sĩ trở lên đều có thể đứng trên bục giảng?
“Cũng giống như bất cứ ngành nghề nào khác, nơi người lao động làm việc là nơi quản lý và hiểu rõ nhất về người lao động đó. vì vậy, cơ sở đào tạo - nơi giảng viên công tác hiểu rất rõ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tác phong, đạo đức... của giảng viên. Nhất cử nhất động của giảng viên trong hoạt động giảng dạy và đào tạo như làm việc như thế nào, sinh hoạt chuyên môn ở đâu, kể cả đạo đức, tác phong..., cơ sở đào tạo đều nắm rõ”.
Tôi xin nói rằng, để trở thành giảng viên thì dù có là TS hay hơn TS thì cũng chỉ là điều kiện “cần” thôi, phải có nhiều điều kiện “đủ” nữa. Ví dụ, một TS có kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực cụ thể, có thể được mời tham gia hội đồng đánh giá khoá luận cử nhân, luận văn cao học, hoặc tham gia hội đồng thẩm định các đề tài khoa học trong chuyên ngành đã được đào tạo TS... “Anh” cũng có thể được mời vào một hội thảo khoa học, một chuyên đề để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhưng để trở thành giảng viên chuyên nghiệp thì bấy nhiêu thôi chưa đủ.
Tùy vào từng trường ĐH, từng cơ sở đào tạo mà yêu cầu giảng viên cần có thêm các điều kiện gì, chẳng hạn, có trường yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ về phương pháp nghiên cứu khoa học, chứng chỉ về phương pháp giảng dạy hiện đại, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học... Có những người đã là TS nhưng chưa bao giờ tham gia công tác giảng dạy thì ban đầu vẫn phải làm trợ giảng, phải trải qua một thời gian rèn dũa kinh nghiệm giảng dạy ở vị trí trợ giảng (cho những giảng viên chính), sau đó soạn giáo án, nghiên cứu giáo trình, trải qua những khóa học về phương pháp giảng dạy... Công tác “làm quen” với các hoạt động giảng dạy là cần thiết với một người trước khi trở thành giảng viên chuyên nghiệp.
Nhiều trường đại học đã cho sinh viên đánh giá hiệu quả giảng dạy của giảng viên. (trong ảnh: SV Trường ĐH FPT). |
-Trên “nền” quy định chung của Bộ GD&ĐT, mỗi cơ sở đào tạo đang tuyển dụng, sử dụng và có những yêu cầu riêng khác nhau đối với giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ, cũng như giữ gìn, nâng cao vị thế của nhà trường trong hoạt động đào tạo. Bà có thể phân tích thêm về những “yêu cầu riêng” đó?
Trong các cơ sở đào tạo ĐH đều có những quy định, yêu cầu về giảng viên. Ví dụ, ở trường tôi, khi tuyển một người về làm giảng viên, người đó sẽ được phân công vào tổ bộ môn. Tổ bộ môn sẽ yêu cầu giảng viên đó phải soạn bài, tham gia trợ giảng; sau thời gian tham gia soạn bài, trợ giảng thì giảng viên sẽ đăng ký giảng bài và thông qua bài giảng trước tổ bộ môn, trước hội đồng khoa học của khoa, của trường. Giảng viên sẽ từng bước được tham gia giảng dạy từng phần trong một bài giảng (chứ không được giảng ngay toàn bộ bài)... Sau một thời gian, qua nhiều khâu, nhiều đánh giá… thì người giảng viên đó mới được xem xét cho giảng cả một bài, rồi tiến tới đạt yêu cầu mới được trở thành giảng viên chính thức.
Mặc dù hiện nay, các trường tuyển giảng viên bao giờ cũng yêu cầu trình độ từ thạc sỹ, TS trở lên, thậm chí có người tuyển vào đã là PGS rồi, nhưng chưa có kinh nghiệm giảng dạy thì cần phải có quá trình trải nghiệm công tác giảng dạy trước khi vào giảng dạy chuyên nghiệp. Đây là cách thức mà các trường ĐH của Việt Nam vẫn làm để đảm bảo chất lượng giảng viên. Phải có một quá trình “thực tập” nghiêm túc, tham gia một quá trình trải nghiệm hoạt động giảng dạy thật, trước khi trở thành giảng viên chính thức, có quá trình như vậy mới mong có những giảng viên “đạt yêu cầu”.
Trên “nền” những quy định chung của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở những quy định “cứng” trong công tác tuyển dụng và sử dụng giảng viên, mỗi một cơ sở đào tạo lại có thêm những quy định riêng phù hợp với quan điểm, nhu cầu sử dụng giảng viên của từng cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo chất lượng giảng viên của cơ sở đào tạo, nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của cơ sở đào tạo đó trong xã hội.
-Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!