Tham dự hội thảo có TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội KH và KT Việt Nam, GS Nguyễn Cương, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, PGS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiếm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - GD Việt Nam, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trường Vụ Công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện một số trường và các nhà khoa học, các chuyên gia tâm lý GD.
GVCN chuyên trách đóng vai trò là nhà tâm lý
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phan Tùng Mậu cho biết, vấn đề GD đạo đức lối sống cho HS trường phổ thông nói riêng và vấn đề GD đạo đức, lối sống cho HS phổ thông, cho SV các trường ĐH, CĐ và HS các trường dạy nghề nói chung, là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành GD nước ta.
Vấn đề này cần được sự quan tâm lớn, đột xuất và lâu dài trong nhiều năm của Đảng và Nhà nước trong đó ngành GD giữ vai trò chủ công.
Nếu làm tốt việc GD đạo đức, lối sống cho HS, SV thì sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội. Hội thảo mong muốn xin ý kiến các nhà khoa học, các nhà trường đánh giá đúng thực trạng và đưa giải pháp để Liên hiệp hội kiến nghị với Bộ GD&ĐT tạo cơ chế chính sách về công tác GD đạo đức, lối sống cho HS, SV.
Những ý kiến tại Hội thảo là cơ sở để Liên hiệp hội đề nghị BCH TƯ Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về GD đạo đức lối sống cho HS, SV.
Chia sẻ thực tiễn GD đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: GD toàn diện đức - trí - thể - mỹ là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường Việt Nam, trong đó GD đạo đức có vị trí quan trọng hàng đầu. Từ khi thành lập năm 1991 đến nay, Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) đã kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống HS như đưa bộ môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức trong nhà trường.
Chương trình dạy học mỗi tuần 2 tiết, cả năm học 72 tiết, cả lý thuyết và thực hành với rất nhiều nội dung phong phú về đạo đức, lối sống cho HS. Thông qua chương trình GD kỹ năng sống nhà trường đã GD cho các em biết cách rèn các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.
TS Võ Thế Quân chia sẻ tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ GV và HS. Với quan điểm “gieo suy nghĩ gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến hành động tích cực, hành động tích cực sẽ dẫn đến kết quả tốt.
Nhà trường đã chọn mô hình mới “xây dựng đội ngũ GV chủ nhiệm (GVCN) chuyên trách”. Đây là những thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm trong công tác GD học sinh, được đào tạo chính thức trong các trường ĐH SP, có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. GVCN chuyên trách đóng vai trò là nhà tâm lý, nhà giáo dục, nhà quản lý, người mẹ thứ 2 của các em HS.
Việc giáo dục đạo đức không được xem nhẹ
Nói về thực trạng GD đạo đức, lối sống hiện nay của HS, SV, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, chuyện GD đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn.
Theo thầy Hòa, nguyên nhân đầu tiên đó là việc GD đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích - thi cử. Mà đã tập trung vào GD chạy theo thành tích - thi cử - điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu GD con người.