Trách nhiệm của từng cơ sở GD ở đâu?
Câu chuyện Trường Mầm non Maple Bear, cơ sở Westlake Point, 24 Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội phạt học sinh bằng cách nhốt trong tủ quần áo là vấn đề dư luận quan tâm. Mặc dù, trường chính thức bị ngành chức năng rút giấy phép hoạt động song vấn đề đặt ra là trách nhiệm của từng cơ sở GD ở đâu trong việc nhượng quyền GD?
Hệ thống Maple Bear Việt Nam không trực tiếp vận hành cơ sở mầm non ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi xảy ra vụ việc bé 3 tuổi bị nhốt vào tủ, mà cho chủ đầu tư nhận nhượng quyền. Phải chăng, sự buông lỏng quản lý, quan tâm đến lợi nhuận GD mà quên rằng, ngành kinh doanh này cần một chữ tâm.
Chia sẻ về trách nhiệm của nhà trường sau khi đã được nhượng quyền, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Văn phòng Luật sư Hà Nội cho biết: Nhượng quyền GD là một hoạt động của nhượng quyền thương mại nói chung. Trong lĩnh vực GD, nhượng quyền thương mại được quy định bởi Luật Thương mại và trong các văn bản được quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hoạt động thương mại bao gồm các bên nhượng quyền và nhận nhượng quyền.
Bên nhượng quyền sẽ có một hệ thống kinh doanh thương hiệu loại hàng hóa, nhãn hiệu kinh doanh độc quyền đã đăng ký sở hữu trí tuệ… Còn bên nhận quyền muốn sử dụng thương hiệu, bí quyết kinh doanh của họ, phương pháp bán hàng và tên thương mại phải ký hợp đồng nhượng quyền.
Khi ký hợp đồng như vậy, bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận quyền có quyền mua bán hàng hóa hoặc sử dụng tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh hoặc quảng cáo của bên nhượng quyền. Trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nhu yếu phẩm và thực phẩm hàng ngày có rất nhiều hình thức nhượng quyền thương mại.
Đối với hình thức GD, lĩnh vực nhượng quyền thương mại tương đối mới mẻ. Trước đây, khởi đầu cho hoạt động này là việc nhượng quyền của FPT với Atech năm 1999. Sau đó, một số hệ thống GD nước ngoài cũng đã nhượng quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhượng quyền đó được pháp luật quy định: Các hoạt động đó phải hoạt động được 1 năm trở lên, phải đăng ký nhượng quyền ở Bộ Công Thương.
GD là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, bởi vậy dù nhượng quyền hay không nhượng quyền, hoạt động GD ấy phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Ảnh minh họa/ Internet |
Cần có những ràng buộc chặt chẽ
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, GD là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, bởi vậy dù nhượng quyền hay không nhượng quyền, hoạt động GD ấy phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, phải đăng ký hoạt động và được phép hoạt động theo quy định.
Khi mà hoạt động GD xảy ra những vụ việc như gây thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng của HS hoặc có hành vi bạo lực học đường, bản thân trường thực hiện hành vi vi phạm đó phải chịu trách nhiệm.
Bên nhượng quyền chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ theo hợp đồng nhượng quyền. Ví dụ: Hàng hóa và cung ứng dịch vụ của họ phù hợp với pháp luật Việt Nam và được phép nhượng quyền thì họ chịu trách nhiệm trong phạm vi đó. Còn việc GV vi phạm pháp luật, có hành vi hành hung, ngược đãi bạo lực với HS, bản thân GV đó phải chịu trách nhiệm pháp lý và cơ sở GD đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, khi 1 hệ thống nhượng quyền thương mại cho 1 pháp nhân mới sử dụng thương hiệu, giáo trình, tài liệu, phương pháp GD, họ phải tìm hiểu kĩ đối tác của mình, nếu đối tác vi phạm họ có thể hủy hợp đồng.
Nhượng quyền phải hướng đến yếu tố nhân văn
Hình thức nhượng quyền GD xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu để tình trạng nhượng quyền này chỉ liên quan đến chuyển giao chương trình, phương pháp GD, còn việc vận hành do từng chủ đầu tư trực tiếp thực hiện liệu có đảm bảo quyền lợi cho HS, có tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra như vụ việc vừa qua?
Chia sẻ về vấn đề này, GS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD cho rằng, có nhiều hình thức nhượng quyền GD đang hình thành ở Việt Nam, nhưng trước hết chúng ta phải lấy tiêu chí quyền hạnh phúc của trẻ.
“Ở đây là chúng ta bàn giao tư tưởng GD. Nơi có tư tưởng GD đó phải có trách nhiệm đến cùng chứ không phải nêu ra chương trình, sau đó đơn vị thực hiện như thế nào thì tùy, còn tôi vô can là không được. Bán lại chương trình, bán lại phương pháp GD là chưa đủ. Chúng ta cần phải làm rõ hơn tính pháp lý của các đơn vị khi trao quyền cho các cơ sở. Bàn giao tư tưởng GD thì đơn vị thực hiện phải thực hiện đến cùng.
Nếu có lương tâm và trách nhiệm, cần phải xem xét đơn vị lấy chương trình của mình thực hiện có gì sai sót, nếu có sự việc xảy ra các đơn vị này phải quan tâm đến HS. Tất cả mọi người, mọi thiết chế đều sống vừa bằng pháp lý, đạo lý và công lý. Có thể pháp lý chúng ta chưa đủ chế tài, nhưng về đạo lý và công lý thì trách nhiệm này khá lớn. Đối với trẻ em bao giờ cũng phải có lương tâm. Pháp lý lạnh lùng là không được”, GS Bảo nhấn mạnh.
Đồng quan điểm không nên thương mại hóa giáo dục, ThS Vũ Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời cho rằng, mong muốn của chúng ta là có những đứa trẻ hạnh phúc. Tự thân các trường cũng phải ý thức trách nhiệm của mình để tạo ra một chương trình GD tốt. Chúng ta có thể nhượng quyền, song cần hành lang pháp lý từ phía các nhà quản lý. Nhưng điều quan trọng nhất, theo ThS Vũ Thu Hà, dù chương trình, phương pháp nào, sự giám sát nào thì trên hết vẫn là cái tâm, triết lý GD trẻ.